Nền kinh tế thế giới đang trải qua năm thứ hai của đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là biến chủng Omicron tại một số nước đã gây lo ngại về sự đình trệ, gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, cản trở quá trình phục hồi không đồng đều, chưa kể rủi ro năng lượng đang gia tăng… Trong khi đó, các gói hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang dần vào giai đoạn cuối, hiệu lực và dư địa chính sách đang giảm dần; giá cả hàng hóa thế giới gần đây tăng mạnh gây áp lực lạm phát. Do vậy, các nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lãi suất cơ bản và giảm dần quy mô các gói nới lỏng định lượng (QE).
Tại Việt Nam, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế. Ngành Ngân hàng, theo đó, tiếp tục giữ vị thế quan trọng cho việc chống đỡ rủi ro và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Để có góc nhìn toàn cảnh về hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2021 và đưa ra được những khuyến nghị, bài viết tập trung vào 03 nội dung chính: (i) Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021, triển vọng năm 2022; (ii) Hoạt động ngành Ngân hàng năm 2021, dự báo năm 2022 và (iii) Một số khuyến nghị.
I- BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM NĂM 2021, TRIỂN VỌNG NĂM 2022
1. Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021
Kinh tế thế giới năm 2021 có thể chia thành 02 giai đoạn, theo đó, kinh tế thế giới phục hồi nhanh, tích cực trong 6 tháng đầu năm; nhưng tốc độ phục hồi giảm dần từ đầu quý III/2021 đến nay. Những khó khăn, thách thức chủ yếu trong thời gian qua do: (i) Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đợt bùng phát dịch mới với những biến thể nguy hiểm hơn (như Delta và Omicron); (ii) Sự đình trệ, gián đoạn của các hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu; (iii) Khủng hoảng giá hàng hóa, đặc biệt là giá kim loại, năng lượng, khí đốt, phân bón…; (iv) Dư địa tài khóa, tiền tệ cho phục hồi kinh tế tại các nước giảm dần trong khi đại dịch Covid-19 kéo dài và tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội các nước…
Các nền kinh tế hàng đầu, như Mỹ, EU và Trung Quốc vốn là điểm tựa cho đà phục hồi kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2021, cũng đang gặp nhiều khó khăn khác nhau do sự bùng phát trở lại với các biến thể mới của dịch Covid-19; khủng hoảng năng lượng, khí đốt (EU và Trung Quốc), thị trường tài chính, bất động sản (Trung Quốc); áp lực lạm phát tăng lên, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm dần... Những khó khăn trên đã tác động đến phục hồi kinh tế tại các nước và khu vực này, từ đó tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và thương mại quốc tế, buộc các nước phải đưa ra các gói kích thích và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhìn chung, kinh tế thế giới phục hồi khá mạnh trong năm 2021, với mức tăng trưởng ước khoảng 5,3 - 5,6% (từ mức -3,1% năm 2020).
Đối với Việt Nam, trong năm 2021, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức với các đợt bùng phát dịch lớn từ cuối tháng 4 đã gây ra những thiệt hại lớn đối với kinh tế - xã hội cả nước, tạo thách thức lớn cho Việt Nam trong phục hồi kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế những năm sau.
Trong bối cảnh áp dụng trạng thái “bình thường mới”, sống chung an toàn với Covid-19, các hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam đã dần hồi phục và đạt một số kết quả tích cực trong cả năm 2021, đó là: (i) Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được triển khai, tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế; (ii) Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản duy trì tăng trưởng (dự báo tăng 2,5 - 3%), sản xuất công nghiệp, một số lĩnh vực dịch vụ như: Bán buôn, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông, logistics, kinh doanh bất động sản… đang phục hồi; (iii) Thương mại quốc tế duy trì đà tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; (iv) Đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì đà cải thiện, vốn FDI đăng ký ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, giải ngân FDI duy trì mức tương đương năm 2020; (v) Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%, lạm phát thấp nhất trong vòng 6 năm, CPI bình quân tăng khoảng 2%; và (vi) Tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp...
2. Về triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022
Đối với nền kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi nhưng đà tăng sẽ chậm lại do động lực từ sự phục hồi của các nền kinh tế hàng đầu giảm dần và thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Kinh tế toàn cầu năm 2022 có thể tăng trưởng 4,5 - 5%, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 4 - 4,5% và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 5,1 - 5,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mỗi nước trong năm 2022 sẽ chịu sự chi phối đáng kể bởi một số rủi ro, thách thức chính sau: (i) Biến chủng Omicron và khả năng xuất hiện các biến chủng khác; (ii) Hiệu quả và sự công bằng trong phân phối vắc-xin Covid-19; (iii) Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm lại (tăng trưởng khoảng 5% từ mức khoảng 8% năm 2021) khi nước này tập trung vào vấn đề chất lượng, cơ cấu và kiểm soát rủi ro thị trường bất động sản, năng lượng…; (iv) Các nước bắt đầu thu hẹp các gói QE và tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát khi nền kinh tế, việc làm đã phục hồi; (v) Rủi ro tài chính, nợ nần tăng khi lãi suất tăng và thanh khoản thị trường thu hẹp; (vi) Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trở lại; (vii) Địa chính trị, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường…
Đối với Việt Nam, trong năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đề ra mục tiêu GDP năm 2022 khoảng 6 - 6,5%, CPI kiểm soát ở mức 4%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP (đã điều chỉnh, chưa tính Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023). Các mục tiêu chính đặt ra cũng phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế (WB, ADB, IMF…) đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5 - 7%, CPI bình quân tăng 3,4 - 3,7%, bội chi ngân sách tăng thêm ít nhất 1 điểm phần trăm, lên mức 5% GDP.
Tuy nhiên, năm 2022, dự báo kinh tế Việt Nam, ngoài đối mặt với những rủi ro bên ngoài nêu trên, còn vấp phải các khó khăn nội tại, cụ thể: (i) Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới trong khi tiến trình tiêm vắc-xin có thể bị chậm lại; (ii) Áp lực lạm phát tăng khi kinh tế phục hồi mạnh hơn và lạm phát, giá cả toàn cầu chưa giảm; (iii) Sản xuất công nghiệp, đầu tư FDI, hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của các thị trường quốc tế; (iv) Giải ngân đầu tư công có thể được đẩy nhanh hơn nhưng vẫn còn chậm; (v) Việc các nước tăng lãi suất và thu hẹp chính sách có thể tạo áp lực tăng lãi suất và thay đổi dòng vốn đầu tư gián tiếp; (vi) Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng tăng; (vii) Thu - chi ngân sách tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững khi thu từ đất, kinh doanh chứng khoán và chuyển nhượng vốn vẫn tăng đột biến, lấn át các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…
II- ĐIỂM SÁNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO NĂM 2022
Thứ nhất, trong bối cảnh giá cả, lạm phát thế giới gia tăng, chính sách tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành linh hoạt và chủ động, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Kết quả đạt được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:
(i) Thanh khoản thị trường dồi dào, mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7% so với đầu năm (con số giảm của năm 2020 là khoảng 1%), thấp nhất trong vòng 20 năm; trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất thấp, thanh khoản khá dồi dào.
(ii) Tỷ giá được duy trì ổn định trong phần lớn thời gian qua. Đồng tiền Việt Nam (VND) là một trong số ít đồng tiền có xu hướng tăng giá (khoảng 1% so với USD) trong bối cảnh đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế.
(iii) NHNN chủ động (cùng với các bộ, ngành khác) trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ, nhờ đó, Việt Nam được tháo mác “thao túng tiền tệ” từ tháng 4/2021 đến nay.
(iv) Lạm phát duy trì ở mức thấp và cung tiền M2 được điều hành ở mức hợp lý. CPI bình quân cả năm tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Nếu chỉ xét lạm phát cơ bản (do yếu tố tiền tệ), bình quân chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011, với mức tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 8% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 10% năm 2020.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu dự báo tăng mạnh ở mức 3,2% so với mức 2% của năm 2020. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá cả hàng hóa tăng trên diện rộng vì nhu cầu sản xuất gia tăng (cầu kéo) và chi phí đẩy (chi phí năng lượng, nguyên vật liệu, phân bón, logistics…) đều tăng mạnh do các biện pháp giãn cách, phòng, chống dịch bệnh…
Thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hoạt động tín dụng vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực, huy động vốn có phần chậm lại, nhưng an toàn vốn được đảm bảo.
Cả năm 2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,47% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng vào bất động sản và chứng khoán được NHNN kiểm soát chặt chẽ, cùng với động thái tăng cường kiểm soát của Bộ Tài chính. Sang năm 2022, dự báo tín dụng tăng khoảng 13 - 14% (tính cả các gói tín dụng từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023).
Tuy nhiên, huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn so với năm 2019 và năm 2020, không loại trừ rủi ro dòng tiền đang chảy vào các tài sản sinh lời cao hơn (bất động sản, chứng khoán, đầu tư tiền kỹ thuật số...). Cả năm 2021, huy động vốn (cả dân cư và tổ chức) tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng khoảng 14 - 15% các năm trước. Mặc dù vậy, các ngân hàng không khó khăn về thanh khoản do: (i) Nhu cầu tín dụng còn yếu, (ii) NHNN liên tục sử dụng các công cụ thị trường mở (gồm cả mua ngoại tệ) để trung hòa lượng cung tiền vừa hỗ trợ thanh khoản, vừa kiểm soát lạm phát và (iii) Lãi suất liên ngân hàng thấp, các ngân hàng có thể huy động vốn ngắn hạn từ kênh này.
Về an toàn vốn, vốn điều lệ của hệ thống TCTD tăng khá tốt. Hết 9 tháng đầu năm 2021, vốn điều lệ hệ thống TCTD tăng 8,3%, cả năm ước tăng khoảng 10%, gấp đôi mức tăng 5% năm 2020. Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cải thiện từ 11,1% hồi đầu năm lên khoảng 11,5% cuối năm 2021. (Hình 1, Hình 2)
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và dự báo Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và dự báo
Thứ ba, ngành Ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Tháng 7/2021, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi 16 ngân hàng thương mại (NHTM) (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1% đối với khách hàng cá nhân và 1 - 2% đối với khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Trong các tháng cuối năm 2021, NHNN cũng đang phối hợp xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất 2 - 3% (20 - 30 nghìn tỷ đồng) giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19, như là một cấu phần trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 của Chính phủ.
Năm 2021, NHNN cũng ban hành 02 thông tư quan trọng là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu, số tiền ngành Ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế năm 2020 là khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, con số này ước tính khoảng 54 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm trích lập dự phòng rủi ro theo các Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN). Năm 2022, theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, các TCTD sẽ tiếp tục giảm lãi suất, phí, cơ cấu lại nợ…; với tổng mức hỗ trợ khoảng 20 - 25 nghìn tỷ đồng.
Thứ tư, khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro và chuyển đổi số.
Việc NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN) với mục đích tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19. Đồng thời, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng, xuất phát từ việc Thông tư tạm thời cho phép TCTD giữ nguyên nhóm nợ, chưa ghi nhận mức độ rủi ro thực tế. Gần đây nhất, NHNN thực hiện siết chặt hơn việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng qua Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh việc kiểm soát và giảm thiểu rủi ro cho ngành Ngân hàng, Chính phủ, NHNN cũng ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng như cho phép áp dụng eKYC, cho phép các TCTD kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng (tháng 5/2021), Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (tháng 10/2021), nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain)…
Thứ năm, thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, với lý do chính là từ việc người dân, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng số hơn.
Ước tính thu từ hoạt động dịch vụ của các NHTM năm 2021 tăng khoảng 25 - 30%, trong đó, thu nhập từ phí (đóng góp 47% trong tổng thu nhập ngoài lãi) tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Còn theo McKinsey (2021), mức thâm nhập dịch vụ Fintech (công nghệ tài chính) và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% trong năm 2021, cao hơn trung bình của châu Á - Thái Bình Dương (thị trường mới nổi và phát triển).
Thứ sáu, lợi nhuận các TCTD năm 2021 ước tính tăng khoảng 25 - 30%, với 3 lý do chính:
(i) Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN có quy định cụ thể về cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đa số các TCTD cũng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro;
(ii) Thu từ hoạt động dịch vụ (nhất là ngân hàng số, bancasurance…) tăng nhanh; (iii) Một số TCTD có điều kiện huy động nguồn vốn rẻ hơn (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) do phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; qua đó, giảm chi phí huy động vốn. Ngoài ra, các TCTD cũng tích cực tiết giảm chi phí hoạt động.
Thứ bảy, các TCTD chủ động, tích cực trích lập dự phòng rủi ro, tăng năng lực bao phủ nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Với quy định về lộ trình trích lập dự phòng rủi ro, nhiều TCTD đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro, giúp giảm áp lực lên kết quả kinh doanh các năm sau, cũng như dùng khoản chi phí này để thoái nợ với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) từ cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng từ mức 85% năm 2019 lên 103% năm 2020, và 115% đến cuối tháng 9/2021. Dự báo cả năm 2021, con số này đạt mức 120%.
Thứ tám, cổ phiếu ngành Ngân hàng diễn biến tích cực trong năm 2021.
Chỉ số cổ phiếu ngành Ngân hàng đã tăng khoảng 25% so với đầu năm 2021 (theo Stockbiz), khi mà loạt thông tin một số ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và kết quả kinh doanh của ngân hàng tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, diễn biến tăng nhanh chủ yếu diễn ra trong nửa đầu năm 2021, có dấu hiệu chững lại trong nửa cuối năm, nguyên nhân xuất phát từ việc nợ xấu của các ngân hàng cũng có dấu hiệu tăng mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù vậy, các TCTD đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức khá cao.
III- THÁCH THỨC VÀ KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2022
Thứ nhất, dư địa chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp do áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 (CPI bình quân năm 2021 khoảng 2%, ước năm 2022 khoảng 3,4 - 3,7%); tuy nhiên, vẫn trong tầm kiểm soát, dưới 4% do Quốc hội giao. Áp lực lạm phát có thể gia tăng nhẹ khi Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.
Thứ hai, nợ xấu đang gia tăng, trong bối cảnh các quy định pháp lý liên quan sắp hết hiệu lực. Hai biện pháp kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu của NHNN là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN và Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực trong năm 2022, lần lượt là 30/6/2022 và 15/8/2022.
Dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 khoảng 2,3 - 2,5%, do có độ trễ tác động của dịch Covid-19, tác động tới doanh nghiệp, người dân trước, sau đó đến các TCTD. Theo NHNN, ước đến cuối tháng 12/2021, nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 3,38%; nợ xấu nội bảng cùng với nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã cơ cấu theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN khoảng 7,31%. Điểm tích cực là các TCTD đã chủ động đánh giá, phân loại và dùng lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Thứ ba, áp lực tăng vốn tiếp tục gia tăng. Theo World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm nhẹ, từ mức 13% vào năm 2015 xuống 11,5% vào cuối năm 2021; trong khi tín dụng tăng bình quân khoảng 13 - 14%/năm. Áp lực tăng vốn kéo dài từ năm 2019, khi toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II. Đồng thời, giai đoạn tới (2022 - 2023), khi Chính phủ thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, tín dụng dự báo được duy trì tăng khoảng 13 - 14%/năm. Khi đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều TCTD.
Thứ tư, khung pháp lý mới tập trung trong lĩnh vực ngân hàng, chưa đầy đủ cho hoạt động Fintech nói chung phát triển. Hiện nay, khung pháp lý mới tập trung chủ yếu phát triển Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động thanh toán của các công ty Fintech, vẫn chưa quản lý, điều chỉnh bản chất của các hoạt động Fintech còn lại như cho vay ngang hàng P2P, huy động vốn cộng đồng (crowd funding), tiền kỹ thuật số, công nghệ bảo hiểm (insurtech), chứng khoán, bất động sản (proptech), xếp hạng tín nhiệm cho phát hành trái phiếu…
Để khắc phục nhược điểm này, ngày 06/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của Sandbox này là phạm vi tiếp cận còn tương đối hẹp (lĩnh vực ngân hàng), chưa bao gồm lĩnh vực khác như: Chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...
Thứ năm, rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo khảo sát toàn cầu của E&Y (tháng 6/2021), trong 12 tháng tiếp theo, rủi ro an ninh mạng chỉ xếp thứ 2 (chiếm 80%) về sự quan tâm của các CRO (Giám đốc quản lý rủi ro) sau rủi ro tín dụng (chiếm 96%). Tại Việt Nam, gần đây nổi lên những hiện tượng lừa đảo qua huy động vốn đa cấp, qua ví điện tử, qua việc lập sàn giao dịch tiền ảo, các trung gian không được phép…; khiến tội phạm tài chính gia tăng.
IV- MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ, NHNN
Thứ nhất, tạo điều kiện để các TCTD tăng vốn. Cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các TCTD, cho phép giữ lại cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…; xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các TCTD nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính; xem xét trình, sửa đổi hoặc ban hành một nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc).
Thứ hai, hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng. Chính phủ ban hành Nghị định về thị trường mua bán nợ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; xây dựng khung pháp lý (kể cả cơ chế về Sandbox) cho hoạt động Fintech, ngân hàng số, cho vay ngang hàng, hợp tác ngân hàng - Fintech và Bigtech, chia sẻ dữ liệu..., tạo điều kiện cho các TCTD triển khai ngân hàng số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thành công. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các TCTD phi ngân hàng (gồm cả Fintech) tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh; góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh; đề xuất phương thức luật hóa xử lý nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực vào tháng 8/2022… Đồng thời, NHNN nghiên cứu tiến tới chuẩn bị dự thảo sửa đổi Luật NHNN, Luật Các TCTD và Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với tình hình mới.
Thứ ba, NHNN tiếp tục tạo điều kiện các TCTD tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, gồm có: Xem xét gia hạn Thông tư số 14/2021/TT-NHNN nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp và phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023. Đồng thời, NHNN tiếp tục sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các TCTD duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5 - 1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023; xem xét cho phép giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và tỷ lệ cấp tín dụng/nguồn vốn huy động; cho vay tái cấp vốn các TCTD để cho vay nhà ở (nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…) theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
Thứ tư, NHNN linh hoạt trong giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các TCTD có nền tảng mở rộng hoạt động kinh doanh song vẫn đi đôi với kiểm soát chặt chẽ rủi ro, từ đó tăng trưởng lợi nhuận, có điều kiện tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong đại dịch; xây dựng chương trình, có cơ chế tạo động lực khuyến khích các TCTD triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ.
Thứ năm, tăng cường đầu tư hạ tầng thanh toán, hạ tầng công nghệ thông tin. Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Ví dụ: Sớm ban hành khung thể chế về Sandbox trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó nhân rộng sang lĩnh vực khác (thị trường vốn, bảo hiểm, bất động sản…). Đồng thời, định hướng, tạo điều kiện để các TCTD tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin, chuyển đổi số và an ninh mạng trong bối cảnh những rủi ro này đang gia tăng.
Thứ sáu, Chính phủ sớm ban hành Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở thực hiện, phấn đấu hết năm 2022 hoàn thành khoảng 35 - 40% kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.
Thứ bảy, tăng cường giáo dục tài chính, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của sản phẩm - dịch vụ ngân hàng mang lại. Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với hình thức thể hiện gần gũi, dễ hiểu, thiết thực; từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức sử dụng sản phẩm - dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm hạn chế "tín dụng đen".
2. Đối với các TCTD
Thứ nhất, chủ động thực hiện đề án cơ cấu lại, có phương án xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2023 trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh. Các phương án xử lý nợ xấu có thể thực hiện theo 2 hướng: (i) Giải pháp nợ xấu nội bảng như: Sử dụng dự phòng rủi ro thông qua Công ty quản lý tài sản (AMC), trung tâm xử lý nợ, chương trình bảo hiểm tài sản…; (ii) Giải pháp thị trường như mua - bán nợ theo giá thị trường, xử lý thông qua VAMC, hoán đổi nợ - vốn chủ sở hữu cùng với kế hoạch thoái vốn…
Thứ hai, chuẩn bị nguồn lực cho việc hạn chế nguồn thu và kế hoạch trích dự phòng rủi ro từ các khoản nợ cơ cấu lại (giữ nguyên nhóm nợ) theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN. Theo đó, NHTM cần xem xét: (i) Tiếp tục đẩy mạnh tiết giảm chi phí gắn với tiến trình chuyển đổi số, tinh giản quy trình và nâng cao năng suất lao động; (ii) Tiếp tục tăng thu từ dịch vụ ngoài lãi bằng cách đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái số, tìm kiếm nguồn thu từ hoạt động ngân hàng số, hoạt động tư vấn, bảo hiểm, kinh doanh vốn và tiền tệ,…; (iii) Nỗ lực tăng tiền gửi không kỳ hạn từ hoạt động thanh toán, liên kết Mobile-Money và Fintech…
Thứ ba, đồng hành cùng Chính phủ, NHNN trong việc hoàn thiện thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giáo dục tài chính. Theo đó, có kiến nghị và đồng hành với Chính phủ, NHNN về vấn đề như: Đề xuất khung pháp lý chứng khoán hóa tài sản, đề xuất điều chỉnh giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay sản xuất/xuất nhập khẩu và dịch vụ tạo ra tăng trưởng và ổn định xã hội (giữ nguyên hệ số rủi ro với cho vay chứng khoán, bất động sản), hoàn thiện và ban hành cơ chế Sandbox, tham gia xây dựng Luật về xử lý nợ xấu, tích cực giảm lãi/phí hỗ trợ nền kinh tế…
Thứ tư, triển khai Chiến lược chuyển đổi số, chủ trì hoặc phối hợp xây dựng hệ sinh thái số, ngân hàng mở, nhằm gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong và sau dịch Covid-19. Chú trọng quản lý rủi ro công nghệ thông tin, chuyển đổi số và an ninh mạng, cùng với việc chuẩn hóa quy trình làm việc từ xa cho cán bộ, nhân viên trong bối cảnh dịch bệnh.
TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia)
TS. Đinh Thế Phúc, ThS. Phạm Thị Hạnh, ThS. Lưu Minh Trí (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)
Theo Tạp chí Ngân hàng