12.07.2024 15:52

Hỏi đáp liên quan đến Hoạt động của QTDND

Câu hỏi: Hoạt động huy động vốn và cho vay của QTDND được quy định như thế nào?

Trả lời:
Căn cứ Điều 24, Điều 26 của Thông tư 29/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo đó từ ngày 01/7/2024, hoạt động huy động vốn và cho vay của QTDND đã có những quy định mới nhằm nâng cao quyền lợi của các thành viên trong QTDND. Hơn thế các quy định đã góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của QTDND. 

1. Hoạt động huy động vốn của QTDND

Theo Điều 24 Thông tư 29/2024/TT-NHNN quy định về việc huy động vốn của QTDND bao gồm: 
- Nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam.
- Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND có địa bàn hoạt động trên một xã tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND.
- Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND có địa bàn hoạt động liên xã tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND
- Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND có tổng tài sản từ 500 tỷ đồng trở lên tối thiểu bằng 70% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND.
- Vay ngân hàng hợp tác xã.
- Vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. QTDND không được cho vay, gửi tiền lẫn nhau.
- Nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân trong nước.

2.  Hoạt động cho vay của QTDND

Với mục tiêu chính của QTDND là tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên tương trợ lẫn nhau về mặt tài chính. Vì vậy, hoạt động cho vay của QTDND chủ yếu được thực hiện để đáp ứng nhu cầu vốn của các thành viên nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống được quy định cụ thể Điều 26 của Thông tư 29/2024/TT-NHNN như sau: 
- Hoạt động cho vay của QTDND chủ yếu nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên để thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống của các thành viên QTDND.
 - QTDND cho vay bằng đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. QTDND không được cho vay bảo đảm bằng Sổ góp vốn của thành viên.
- QTDND cho vay đối với thành viên là pháp nhân, khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên có tiền gửi tại QTDND trên cơ sở bảo đảm bằng số dư tiền gửi tại chính QTDND đó và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm tại chính QTDND đó.
 - QTDND cho vay thành viên của hộ nghèo có đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của QTDND trong trường hợp hộ nghèo không phải là thành viên của QTDND. Trường hợp nhiều thành viên của hộ nghèo cùng vay vốn thì các thành viên của hộ nghèo cùng ký hoặc ủy quyền cho một thành viên của hộ nghèo đại diện ký thỏa thuận cho vay với QTDND. Hộ nghèo phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay các thành viên hộ nghèo thực hiện theo quy định về cho vay áp dụng đối với thành viên. 
- QTDND không được cho vay khách hàng để mua, đầu tư chứng khoán.
- QTDND cho vay hợp vốn cùng với ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên của QTDND theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc nhận tiền gửi và cho vay, QTDND còn cung ứng các dịch vụ chuyển tiền và thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên và khách hàng. Tuy nhiên, QTDND không được phép mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, điều này giúp tập trung vào các hoạt động cốt lõi và đảm bảo tính chuyên môn cao trong các dịch vụ cung cấp. QTDND còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác được pháp luật cho phép từ đó hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên và khách hàng. Các hoạt động này bao gồm:
- QTDND cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của QTDND đó, trừ việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
-  Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của QTDND đó; 
- Tham gia góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;
- Mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 
- Đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, bảo quản tài sản; 
- Tư vấn cho thành viên về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép
- Gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã để điều hòa vốn.
- Đại lý bảo hiểm theo quy định sau: 
+ Khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho QTDND có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, QTDND được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; 
+ Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, QTDND phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật.
Nam Sơn.

Các tin liên quan