Điều chỉnh tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi góp phần để người dân quan tâm nhiều hơn đến chính sách bảo hiểm tiền gửi, phát huy ý nghĩa của chính sách quan trọng này đối với xã hội.Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi sẽ là 125 triệu đồng đối với mỗi cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Như vậy, số tiền bảo hiểm tối đa được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được nâng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng kể từ ngày 12/12/2021 (ngày Quyết định 32 có hiệu lực). Với hạn mức 125 triệu đồng, khoảng 91% người gửi tiền đã được bảo vệ toàn bộ tiền gửi.
Tóm tắt quá trình áp dụng hạn mức BHTG tại Việt Nam
Trong các tài liệu của mình, Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) khuyến nghị: hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được thiết lập sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ đầy đủ nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Một trong những chỉ tiêu quan trọng là hạn mức BHTG cần bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% đến 95% người gửi tiền. Hệ thống BHTG cần áp dụng hạn mức và phạm vi bảo hiểm công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên. Bên cạnh đó, hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ (chẳng hạn ít nhất 05 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ quan trọng của chính sách bảo hiểm tiền gửi, trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống. Điều chỉnh tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần để người dân quan tâm nhiều hơn đến chính sách bảo hiểm tiền gửi, phát huy ý nghĩa của chính sách quan trọng này đối với xã hội.
Thời gian vừa qua, bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi khi GDP và GDP bình quân đầu người liên tục tăng. Hệ thống ngân hàng từng bước được ổn định và có những bước phát triển mạnh mẽ. Số người gửi tiền trên toàn hệ thống cũng như tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng theo các năm. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng ngày càng lớn mạnh.
Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt 79.342 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 73.615 tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cuối năm 2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt 81.927 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 75.899 tỷ đồng. Năng lực tài chính của BHTGVN đủ đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền với quy mô nhỏ. Nguồn vốn của BHTGVN vẫn đang tiếp tục được quản lý và phát triển một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo tính thanh khoản.
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô).
BHTGVN cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, NHNN đã chỉ đạo BHTGVN khẩn trương cấp đổi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và bản sao Chứng nhận theo hạn mức mới cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Theo Luật BHTG, các tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo BHTGVN định kỳ đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm khi kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tổng thu nhập quốc dân, thu nhập bình quân đầu người… có sự thay đổi, báo cáo NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thay đổi hạn mức khi điều kiện cho phép.
Theo Thời báo ngân hàng
12.11.2024