Kết nối hơn 95% các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trong hệ thống cùng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, nhiệm kỳ III (2016 – 2020), Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) đã hoàn thành tốt vai trò là cầu nối 2 chiều giữa cơ quan quản lý và các QTDND nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thông thoáng cho mô hình hoạt động.
Đặc biệt, Hiệp hội còn là “bà đỡ” giúp các QTDND nâng cao nội lực phát triển, khẳng định vị thế và thương hiệu của mình qua công tác đào tạo, tư vấn nghiệp vụ…
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hiệp hội và ông Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2020 Vì sự phát triển hệ thống QTDND
Tiếp chúng tôi tại Trụ sở Hiệp hội nằm trong Tòa nhà văn phòng Viwaseen khang trang và hiện đại tại đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, Phó Tổng thư ký Phụ trách Hiệp hội Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ: “đây là Trụ sở chính của Hiệp hội được các thành viên thống nhất mua từ cuối năm 2018. “An cư, lạc nghiệp”, có thể nói việc sở hữu Trụ sở riêng không chỉ giải quyết khó khăn lớn nhất của Hiệp hội sau 12 năm hoạt động là đã có Trụ sở làm việc ổn định, lâu dài mà còn hơn thế nữa đây chính là “mái ấm” kết nối cả hệ thống QTDND mà các hội viên mong mỏi bấy lâu…”. “Cho đến nay, Hiệp hội có 1 Công ty Tin học và 04 Văn phòng Đại diện được đặt tại: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Bình và khu vực Miền Nam”, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh vui mừng cho biết.
Tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện cuốn cẩm nang kiểm soát nội bộ QTDND Những năm qua, Hiệp hội đã phát huy tối đa là vai trò cầu nối giữa Hội viên và các cơ quan chức năng của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích của Hội viên. Điều này có thể nhìn thấy qua việc đề xuất, kiến nghị tới các Bộ ngành, cơ quan chức năng nhà nước về các vấn đề vướng mắc mà các hội viên thường gặp như: giao dịch bảo đảm; truy đóng bảo hiểm xã hội cho các cán bộ từ khi thí điểm thành lập QTDND đến năm 2003; đề xuất miễn lợi tức vốn góp thành viên QTDND, nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi và cho vay hỗ trợ, chi trả đối với các QTDND tạm thời thiếu khả năng chi trả...
Với những đề xuất của các QTDND về quy chế hoạt động của các QTDND quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN, Thông tư số 21/2017/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 21/2019/TT-NHNN… Một mặt Hiệp hội tích cực tuyên truyền và yêu cầu các QTDND thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trên. Mặt khác, Hiệp hội đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp và có công văn gửi các Bộ ngành liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các QTDND trong hoạt động.
Tôn chỉ kết hội viên QTDND được Hiệp hội tiếp tục củng cố và nâng cao trong nhiệm kỳ. Phương thức kết nối được đa dạng hóa và mang tính chủ động. Không chỉ chờ các QTDND có văn bản kiến nghị hay đến làm việc, Hiệp hội thường xuyên chủ động đến thăm và làm việc với các cán bộ, lãnh đạo QTDND trên cả nước, từ đó có những đề xuất, kiến nghị sát và kịp thời với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ cho các QTDND gặp khó khăn.
Hiệp hội đến thăm & làm việc với các QTDND huyện Tứ Kỳ - Hải Dương Các buổi Tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn vụ cho các QTDND hội viên liên tục được tổ chức khắp trong nước và đã trở thành phương thức hữu ích giúp các QTDND chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thành công từ những vướng mắc mắc gặp phải trong quá trình hoạt động đã được tháo gỡ.
Tính kết nối, liên kết hệ thống có thêm bước tiến vượt bậc khi trong năm 2020, Hiệp hội đã tổ chức thành công Hội thao cho hệ thống QTDND khu vực miền Bắc và miền Trung với sự tham gia của 12 đoàn với hơn 800 vận động viên và cổ động viên đến từ gần 500 QTDND. Không chỉ là sân chơi thể thao mà vượt lên đây là nơi các thành viên giao lưu, học hỏi thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, vui khỏe vì sự lớn mạnh của hệ thống QTDND.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hiệp hội trao cờ lưu niệm tại Hội thao tổ chức năm 2020 Đặc biệt, năm 2020, Hiệp hội đã phối hợp với các Văn phòng đại diện kêu gọi các QTDND hội viên chung tay chia sẻ khó khăn với bà con ruột thịt miền trung bị bão lũ và phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 với số tiền đạt hơn 2,7 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, sự phát triển Phần mềm ITD-VAPCF quản lý dành cho hệ thống QTDND và phần mềm báo cáo theo yêu cầu của NHNN trong từng giai đoạn của Công ty phát triển Công nghệ tin học ITD-VAPCF cũng đã được các hội viên ghi nhận hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý điều hành hoạt động QTDND.
Nâng cao nội lực cho các QTDND hội viên
Tính đến 31/12/2020 số hội viên của Hiệp hội là 1.129, tổng tài sản của hệ thống QTDND đạt 143.838 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 103.050 tỷ đồng, vốn điều lệ là 5.088 tỷ đồng. Các QTDND đã tự khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và hạn chế tín dụng đen ở nông thôn; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND.
Hiệp hội QTDND Việt Nam phối hợp với NHNN Hà Nội tổ chức lớp đào tạo về Pháp luật cho các QTDND hội viên năm 2020 Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập phát triển kinh tế hiện nay, để hệ thống QTDND hoạt động ổn định, phát huy vai trò đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn, việc tăng năng lực cho các QTDND trở nên cấp thiết trên cả góc độ nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên cũng như chuẩn hóa quy trình hoạt động tín dụng và hỗ trợ công nghệ hiện đại hóa. Đây cũng là quan điểm của NHNN và tâm nguyện của chính các QTDND mà Hiệp hội đã lĩnh hội.
Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các chuyên gia xây dựng quy định, Bộ hồ sơ mẫu về nghiệp vụ cho vay, bảo đảm tiền vay các nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Xây dựng quy chế tiền gửi tiết kiệm mẫu; quy chế quản lý ấn chỉ theo thông tư 48/2018/NHNN; Xây dựng bộ chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho các QTDND….
Đặc biệt, đặt công tác đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ và Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (NHNN) hoàn thành việc chỉnh sửa bộ giáo trình đào tạo gồm 08 mô đun học theo Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN trình Thống đốc NHNN xem xét phê duyệt.
Lớp đào tạo theo QĐ số 1011/QĐ-NHNN tổ chức tại Hải Dương
Trên cơ sở Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND, Hiệp hội đã hoàn thành việc xây dựng quy chế, quy trình học tập in ấn, cấp phát chứng chỉ theo đúng quy định. Cùng với việc truyền giảng kiến thức nền tảng, Hiệp hội mời giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy thêm kiến thức thực tế cho học viên; cập nhật những vấn đề mới phát sinh liên quan đến nội dung giảng của 8 học phần giúp học viên có thể ứng dụng và phát huy ngay vào thực tế hoạt động QTDND.
Các khóa đào tạo ngày càng sát nhu cầu và thực tiễn khi Hiệp hội bám sát sự chỉ đạo của NHNN, khảo sát nhu cầu thành viên, phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã và cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tổng thể giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 1534/QĐ-NHNN. Trong đó, chú trọng đào tạo các khóa chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn giúp các QTDND nâng cao năng lực quản lý...
Lớp đào tạo về "Kỹ năng lãnh đạo" tổ chức tại Đà Nẵng năm 2020
Hiệp hội cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị đào tạo, NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các tỉnh đề xuất xin nguồn kinh phí hỗ trợ học phí để miễn giảm một phần chi phí đào đạo cho một số QTDND gặp khó khăn trong quá trình hoạt động không đủ kinh phí tham dự các khóa đào tạo do Hiệp hội tổ chức. Hiệp hội đã mở 4 lớp tập huấn miễn phí về hồ sơ tín dụng và thẩm định tín dụng cho các QTDND trên cả nước, với tổng số 1.568 cán bộ tham dự.
Trong nhiệm kỳ III, Hiệp hội đã tổ chức được 76 khóa đào tạo cho 7.120, trong đó 53 lớp nghiệp vụ cơ bản QTDND cho 3.791 học viên, 23 lớp nghiệp vụ chuyên sâu cho hơn 3.329 học viên và tổ chức 4 khóa khảo sát tìm hiểu thực tế nước ngoài cho hơn 165 QTDND. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng tài liệu về “Hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND” và bước đầu hoàn thành, được đưa vào tài liệu giảng dạy cho các QTDND.
Những trợ lực từ Hiệp hội đã tiếp thêm sức mạnh cho hệ thống QTDND, qua đó hệ thống QTDND khẳng định được vai trò của mình trong quá trình phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giảm nạn cho vay nặng lãi, ổn định tình hình trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là nền tảng để hệ thống QTDND tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ số 06/TT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-NHNN, thực hiện tốt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong thời gian tới.
Minh Ngọc