Ngày 8/4/2022, tại QTDND Cao Phong tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội QTDND đã có buổi làm việc với các QTDND trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc, có TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó TTK Hiệp hội cùng đại diện các đồng chí Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và ban lãnh đạo các QTDND Cao Phong, Chăm Mát, Phương Lâm - Đồng Tiến.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó TTK Hiệp hội phát biểu tại buổi làm việc Tại buổi làm việc, các QTDND hội viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ một số thông tin liên quan đến hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND cùng Quyết định số 209/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Phan Văn Tâm - Chủ tịch QTDND Cao Phong cảm ơn Ban Lãnh đạo Hiệp hội đã có buổi làm việc với các QTDND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Điều này thể hiện sự quan tâm của Hiệp hội đối với hoạt động của các QTDND hội viên trên toàn quốc nói chung và các QTDND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Ông Phan Văn Tâm - Chủ tịch QTDND Cao Phong phát biểu tại buổi làm việc
Ông Tâm cho biết: hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 4 QTDND (03 quỹ đang hoạt động và 01 quỹ đang kiểm soát đặc biệt). Bám sát Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các QTDND trên địa bàn đã tập trung rà soát, củng cố chấn chỉnh toàn bộ hoạt động từ bộ máy quản trị điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin cho đến các quy chế, quy trình nghiệp vụ đều được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Với mục tiêu tôn chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các thành viên, hoạt động của các quỹ luôn hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Nắm bắt được chủ trương đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ các QTDND tỉnh Hòa Bình luôn hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Đến 31/3/2022, toàn tỉnh có 5.036 thành viên, tăng 25 thành viên so với đầu năm (số thành viên tăng thêm chủ yếu là những hộ phát triển sản suất kinh doanh và dịch vụ), bình quân mỗi quỹ có 1.678 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 621 tỷ đồng, tăng 24 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ 21 tỷ đồng, tăng 546 triệu đồng so với đầu năm; vốn huy động tiền gửi 570 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 413 tỷ đồng, giảm 18,6% tỷ đồng so với đầu năm. Nợ xấu 4,6 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ.
Ông Tâm cho biết: So với các QTDND tỉnh khác, các QTDND tỉnh Hòa Bình hoạt động tương đối khó khăn do vị trí địa lý là tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, có 06 dân tộc sinh sống (chủ yếu dân tộc Mường). Hiện tại, tỉnh Hòa Bình có rất nhiều các TCTD khác nên việc cho vay và thu hút thành viên của các QTDND gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc phải thực hiện đúng các quy định của Thông tư 03; Thông tư 21 của NHNN trong việc cho ra, kết nạp thành viên mới và quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu, địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa có chi nhánh của Ngân hàng HTX nên việc điều hòa vốn cũng gặp nhiều khó khăn…. đã khiến cho hoạt động của các QTDND còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tám - Chủ tịch QTDND Chăm Mát và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc QTDND Phương Lâm - Đồng Tiến cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, nhất là sự cạnh tranh mạnh của các NHTM trên địa bàn và mong muốn với vai trò là tổ chức đại diện cho các QTDND hội viên, Hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò là cấu nối giữa NHNN, Ngân hàng HTX Việt Nam và các QTDND hội viên nhằm tạo điều kiện cũng như cơ chế chính sách thông thoáng hỗ trợ cho hoạt động của các QTDND hội viên tại địa bàn Hòa Bình nói riêng và các QTDND trên cả nước nói chung giảm bớt được khó khăn trong hoạt động hiện nay và trong thời gian tới do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, đặc biệt là tạo điều kiện cho hai quỹ (Chăm Mát - Phương Lâm Đông Tiến) sớm được tham gia, tiếp cận dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử.
Hình ảnh tại buổi làm việc của Hiệp hội với các QTDND tỉnh Hòa Bình
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban lãnh đạo Hiệp hội, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh đánh giá cao hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và ghi nhận những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các quỹ. Đồng thời, TS. Thanh khẳng định sẽ nghiên cứu, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, an toàn cho hoạt động của các QTDND. Ngoài ra, TS. cũng đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến hoạt động của Hiệp hội trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ III (2016-2021).
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình đối với hệ thống QTDND. Mặc dù hoạt động của Hiệp hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, nhưng với sự ủng hộ của các QTDND hội viên cùng với sự đồng hành của Ngân hàng HTX Việt Nam, sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Ban lãnh đạo nên hoạt động của Hiệp hội thu hút được đông đảo hội viên tham gia, nhất là đã tổ chức thành công Hội thao Hệ thống QTDND khu vực miền Bắc và miền Trung năm 2020 tại Nghệ An (với gần 200 quỹ hội viên tham gia); tham gia hội thi “Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng” do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức năm 2021 (với sự tham gia của các QTDND trên địa bàn Hà Nội); Cuộc thi ảnh “Cán bộ ngân hàng với cuộc bình thường mới”… Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo cũng được Hiệp hội tổ chức linh hoạt, chuyển từ đào tạo tập trung sang đào tạo trực tuyến. Qua đó, hỗ trợ các QTDND hội viên nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong mùa dịch.
Có thể nói trong nhiệm kỳ III với sự hỗ trợ của các QTDND hội viên, Ngân hàng HTX Việt Nam, Hiệp hội đã khẳng định vị thế của mình với các hội viên trên toàn quốc. Vì vậy, rất mong trong thời gian tới, các hoạt động của Hiệp hội sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các QTDND hội viên nói chung và các QTDND tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký nhấn mạnh: Hiệp hội hoạt động hiệu quả hay không, ngoài sự nỗ lực, tâm huyết của tập thể cán bộ Văn phòng Hiệp hội thì phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm và ủng hộ của các Quỹ. Theo đề án củng cố và phát triển QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy mô hoạt động và năng lực tài chính lành mạnh là một trong những mục tiêu trọng tâm mà hệ thống QTDND cần phải hướng tới. Sự lớn mạnh và phát triển của các QTDND hội viên là nòng cốt giúp cho ngôi nhà chung Hiệp hội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình và đặc biệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động của Hiệp hội sẽ lan tỏa sâu rộng đến các QTDND trên toàn quốc.
VH