Từ ngày 14-19/03/2024, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã tổ chức chuyến khảo sát và học tập tại Nhật Bản. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Shinkumi Nhật Bản và Ngân hàng liên bang Shinkumi.
Tham dự chuyến khảo sát và học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, có Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội - Trưởng đoàn, ông Nguyễn Hữu Cường - đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội, Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Thứ (Hải Dương) cùng 29 thành viên là Chủ tịch, Giám đốc các QTDND hội viên đến từ các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái.
Đón tiếp đoàn hệ thống QTDND Việt Nam, về phía Hiệp hội ngân hàng Shinkumi Nhật Bản (SBAJ) có ông Kitamura - Giám đốc điều hành Hiệp hội ngân hàng Shinkumi Nhật Bản; Bà Hisako Masubuchi - Trưởng phòng kế hoạch và nghiên cứu, ông Mototoshi Ogawa - Chuyên viên tư vấn về Nghiên cứu và lập kế hoạch của SBAJ cùng một số cán bộ truyền thông của SBAJ.
Tại buổi làm việc, ông Mototoshi Ogawa - Chuyên viên tư vấn về Nghiên cứu và lập kế hoạch của SBAJ đã trình bày tóm tắt về quá trình hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng Shinkumi tại Nhật Bản.
Theo đó, Hiệp hội ngân hàng Shinkumin Nhật Bản đóng vai trò là tổ chức trung tâm của các ngân hàng Shinkumi. Còn Ngân hàng liên bang Shinkumi Nhật Bản đóng vai trò là ngân hàng trung ương của các ngân hàng Shinkumi. Ngân hàng liên bang Shinkumi cung cấp các dịch vụ tài chính cho các thành viên như: các dịch vụ thanh khoản, đầu tư, thanh toán, chuyển tiền cũng như các dịch vụ tư vấn và giám sát ….
Ngân hàng liên bang Shinkumi Nhật Bản có nhiệm vụ: (1) Hỗ trợ cho các thành viên của các ngân hàng Shinkumi, đặc biệt là SMEs trong việc: Tổ chức triển lãm kết nối các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Shinkumi nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang kinh doanh “thực phẩm địa phương” gặp gỡ người mua và tạo cơ hội hỗ trợ mở rộng kênh bán hàng; Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cố vấn đã nghỉ hưu; Cung cấp Quỹ phục hồi khu vực: được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tài chính cho các thành viên ngân hàng Shinkumi đang bắt đầu kinh doanh và phục hồi hoạt động kinh doanh. (2) Hỗ trợ với tư cách là ngân hàng Trung ương của ngân hàng Shinkumi, trong đó: Hỗ trợ việc tăng vốn của các ngân hàng Shinkumi đang gặp khó khăn về tài chính, đồng thời hướng dẫn và tư vấn thông qua việc giám sát công tác quản lý của các ngân hàng này. Ngoài ra, ngân hàng liên bang Shinkumi còn cử cán bộ khi cần thiết để hỗ trợ cho các ngân hàng Shinkimi nhằm thu thập vốn thặng dư cho ngành thông qua tiền gửi từ các ngân hàng Shinkumi và quản lý hiệu quả chúng với tư cách là nhà đầu tư chính trên thị trường chứng khoán; Phát triển và vận hành hạ tầng hệ thống CNTT trong ngành đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thành viên.
Theo ông Mototoshi Ogawa - Chuyên viên tư vấn về Nghiên cứu và lập kế hoạch của SBAJ: Hệ thống Hợp tác xã tín dụng Nhật Bản bao gồm Ngân hàng Shinkumi, Ngân hàng Shinkin, HTX Nông nghiệp Nhật Bản và HTX Lao động.
Trong đó, ngân hàng Shinkumi phát triển từ cuối thời Edo (năm 1603 đến năm 1868) trên tinh thần tương trợ lẫn nhau “tự lực, giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ công cộng”. Ngân hàng Shinkumi còn hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn thông qua nền tảng huy động vốn từ cộng đồng có tên “MOTTAINAI Mirai”. Sáng kiến này giới thiệu các dịch vụ hấp dẫn từ các đối tác kinh doanh của ngân hàng trên khắp Nhật Bản. Từ các nghệ nhân tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ ở Inami cho đến Tập đoàn Chishimakobushi quảng bá các khu nghỉ dưỡng nguyên sơ của Hokkaido, những hoạt động này thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc thúc đẩy một tương lai thịnh vượng
Năm 1900, khi hệ thống tài chính hiện đại ra đời, “Luật Hợp tác xã công nghiệp” được ban hành nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của hệ thống hợp tác xã tín dụng Nhật Bản.
Ngân hàng Shinkumi Nhật Bản được phân theo 03 lĩnh vực khác nhau: Ngân hàng Shinkumi khu vực (các thành viên là đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, chủ doanh nghiệp nhỏ và người dân); Ngân hàng Shinkumi nghề nghiệp (các thành viên đều thuộc cùng một loại hình kinh doanh hoặc cùng nghề nghiệp); Ngân hàng Shinkumi địa phương (các thành viên đều làm việc tại đô thị, tỉnh, thành phố và khu dân cư).
Các ngân hàng Shinkumi hoạt động bởi: Luật Hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật về kinh doanh tài chính của hợp tác xã.
Các ngân hàng Shinkumi cần duy trì sự lành mạnh tài chính của mình để hỗ trợ phù hợp cho các thành viên vay vốn; Ngoài ra, còn thực hiện giám sát chặt chẽ các thành viên vay vốn để tư vấn và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của thành viên.
Ngân hàng liên bang Shinkumi cũng như các ngân hàng Shinkumi tận dụng mạng lưới kinh doanh của riêng mình để hỗ trợ các thành viên như: quản lý quỹ của các ngân hàng Shinkumi gửi vào, quản lý hệ thống công nghệ thông tin, mở các trang web, kênh gây quỹ cộng đồng, bán các sản phẩm do thành viên sản xuất, tổ chức các cuộc Hội thảo, Hội chợ để gặp gỡ các đối tác, doanh nghiệp, những người đã nghỉ hưu có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn để hỗ trợ tư vấn cho thành viên đang bắt đầu kinh doanh và phục hồi hoạt động kinh doanh khi gặp khó khăn. Ngoài ra, để hỗ trợ cho các thành viên, Hiệp hội ngân hàng Shinkumin còn tổ chức các buổi Hội thảo để đàm phán kinh doanh trực tuyến và hướng dẫn kỹ thuật đàm phán với người mua….
Năm 2020, Hiệp hội ngân hàng Shinkumi Nhật Bản đã trở thành thành viên thường xuyên của Hiệp hội các Liên đoàn tín dụng Châu Á (ACCU) và cam kết sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức được trau dồi từ ngành hợp tác tín dụng của Nhật Bản với các nước thành viên Châu Á khác, từ đó góp phần vào sự phát triển của hệ thống tài chính ở châu Á.
Tính đến tháng 12/2023, Ngân hàng liên bang Shinkumi bao gồm 143 Ngân hàng Shinkumi với 1.555 chi nhánh và phục vụ 3.91 triệu thành viên. Số dư tiền gửi là 24.03 nghìn tỉ JPY tương đương 165.9 tỉ USD, dư nợ cho vay đạt 13.87 nghìn tỉ JPY tương đương 95.83 tỉ USD.
Phát biểu tại buổi làm việc Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội cảm ơn Hiệp hội ngân hàng Shinkumi đã tiếp đoàn hệ thống QTDND Việt Nam rất trọng thị chu đáo. Tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cũng chia sẻ một số thông tin về Hiệp hội và sự phát triển của hệ thống QTDND tại Việt Nam.
Chuyến khảo sát và học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản không chỉ là cơ hội để hệ thống QTDND tìm hiểu về hệ thống ngân hàng Shinkumi mà còn là sự kết nối sâu rộng giữa hai bên, cùng nhau hướng tới tương lai phát triển an toàn và bền vững.
Một số hình ảnh của đoàn công tác tại Nhật Bản:
Quang cảnh buổi làm việc với Hiệp hội ngân hàng Shinkumi Nhật Bản Ông Kitamura - Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Shinkumi Nhật Bản phát biểu tại buổi làm việc Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam trao quà lưu niệm cho ông Kitamura - Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Shinkumi Nhật Bản.
Ban Đối ngoại