Với mong muốn phát huy trí tuệ tập thể, tiếp thu được nhiều nội dung tham gia của QTDND hội viên về đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách cũng như để có cơ sở xây dựng dự thảo văn bản tham gia gửi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về dự thảo Thông tư quy định về QTDND, sáng ngày 26/04/2024, Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị “Tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về Quỹ tín dụng nhân dân” theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Hiệp hội và hình thức trực tuyến qua các đầu cầu của QTDND.
Thành phần tham dự Hội nghị gồm các ông bà là thành viên Ban chấp hành (BCH), Ban Kiểm tra (BKT) Hiệp hội và một số ông bà là đại diện các QTDND hội viên trên toàn quốc.
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở Hiệp hội có ông Nguyễn Hữu Cường - Ủy viên BCH, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Thứ, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Đức Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội, Phó Văn phòng đại diện QTDND tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT QTDND TT Nông Trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT QTDND Nam Thanh, tỉnh Nam Định, ông Lê Văn Quý - Giám đốc QTDND Thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Văn phòng Hiệp hội.
Do bận công việc nên một số thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội và các ông bà là đại diện lãnh đạo các QTDND hội viên tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến, bao gồm: bà Mai Minh Hương - Ủy viên BCH, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội, Chủ tịch HĐQT QTDND Quang Trung, TP. Hà Nội, ông Phan Thanh Giang - Ủy viên BCH, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Văn phòng đại diện Thái Bình, Giám đốc QTDND Tân Phong, tỉnh Thái Bình, ông Trần Ngọc Tuyên - Ủy viên BCH, Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung, Giám đốc QTDND Bắc Lý, tỉnh Quảng Bình, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Ủy viên BCH, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Giám đốc QTDND An Thạnh, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Đức Đại, Ủy viên BCH, Chủ tịch HĐQT QTDND Vân Diên, tỉnh Nghệ An, ông Trương Hữu Suốt - Ủy viên BCH, Chủ tịch HĐQT QTDND Thanh Khương, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Đức - Ủy viên BCH, Chủ tịch HĐQT QTDND Bình Châu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên BCH, Chủ tịch HĐQT QTDND Lộc Thanh, tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Viết Tuấn - Ủy viên Ban Kiểm tra, Chủ tịch HĐQT QTDND Yên Phong, tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Minh Tuân - Ủy viên Ban Kiểm tra, Chủ tịch HĐQT QTDND Khánh Thành, tỉnh Ninh Bình cùng các ông bà là đại diện lãnh đạo các QTDND hội viên thuộc TP. Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa và Đăk Nông.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam đánh giá cao sự tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm của các QTDND đã tham gia ý kiến và gửi văn bản về Hiệp hội đúng thời gian, giúp cho Hiệp hội tổng hợp và dự thảo văn bản tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về QTDND đảm bảo chất lượng và thời gian quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ông Dũng cũng trình bày văn bản Hiệp hội đã soạn thảo gửi Cơ quan giám sát ngân hàng gồm 14 nội dung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các QTDND trên cả nước một cách có chọn lọc, theo nhóm những nội dung quan trọng và theo đúng với nguyện vọng của phần đông các QTDND. Các nội dung đề xuất trong văn bản đều được nêu rõ lý do, với những lý luận chặt chẽ, giải thích khá chi tiết của Hiệp hội để làm rõ những đề xuất sửa đổi, bổ sung lên Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả, mà vẫn đảm bảo phù hợp với Quy định của Luật Hợp tác xã 2023, Luật Các TCTD 2024 mới được ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội đã nêu rõ, ngay sau khi Hiệp hội gửi văn bản ý kiến tham gia, các QTDND đều nhiệt tình nghiên cứu và góp ý đề xuất văn bản gửi về Hiệp hội. Có một số ý kiến của hội viên cùng quan điểm với Hiệp hội, có những ý kiến đưa ra bị trùng lặp ... Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã từng tham gia ý kiến với các Cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội sẽ chắt lọc và lựa chọn các nội dung quan trọng trên cơ sở ý kiến đông đảo của các hội viên để đưa vào văn bản chính thức, đồng thời những ý kiến còn lại, Hiệp hội cũng sẽ tổng hợp vào phụ lục đính kèm và gửi về Cơ quan thanh tra giám sát để đảm bảo tính khách quan và tôn trọng hầu hết ý kiến góp ý của các hội viên.
Phát biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị, hầu hết các thành viên tham dự Hội nghị đều hoàn toàn nhất trí với nội dung văn bản Hiệp hội đã soạn thảo và đánh giá cao việc Hiệp hội tổ chức Hội nghị để tổng hợp ý kiến của các QTDND. Các ý kiến đóng góp của QTDND hội viên tập trung vào các nội dung như: Địa bàn hoạt động, Góp vốn của thành viên, Chuyển nhượng, hoàn trả vốn góp, Thay đổi mức vốn điều lệ, Chuẩn bị Đại hội thành viên, Tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên, Nhiệm kỳ của Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, các điều về điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT; Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Trưởng ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát; Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Huy động vốn, Sổ tiết kiệm trắng, Quy định chuyển tiếp đối với địa bàn hoạt động ... đều được Hiệp hội tiếp thu, tổng hợp và thể hiện đầy đủ, chi tiết tại Văn bản đề xuất gửi Cơ quan thanh tra giám sát. Qua đó, Hiệp hội đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa hội viên (Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND) với Cơ quan quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nhằm góp phần cùng Cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TCTD là hợp tác xã.
Với tinh thần làm việc khẩn trương và hiệu quả, Hội nghị “Tham gia ý kiến dự thảo Thông tư quy định về Quỹ tín dụng nhân dân” đã kết thúc tốt đẹp. Hy vọng rằng, những ý kiến góp ý mà Hiệp hội tổng hợp và soạn thảo trên cơ sở ý kiến của các QTDND sẽ là thông tin hữu ích để Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nghiên cứu và hoàn thiện Thông tư quy định về QTDND phù hợp với xu thế phát triển của mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã nhằm góp phần thúc đầy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.