14.09.2022 08:46

Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân: Hành trình gia tăng niềm tin và kết nối sức mạnh hệ thống

Sáng 13/9/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (2021-2026), thông tin về những kết quả "đột phá" trong Nhiệm kỳ III và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới.

Một nhiệm kỳ đột phá về xây đắp niềm tin

Đột phá đầu tiên có thể kể đến đó chính là sau 12 năm thành lập, các QTDND đã có một mái nhà riêng của mình khi ngày 15/12/2018, Hiệp hội đã chính thức chuyển về trụ sở làm việc mới tại tầng 12A tòa văn phòng Viwaseen, số 48 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Những nút thắt phát triển Hiệp hội về uy tín và tài chính cũng dần được hóa giải bằng công tác tuyên truyền qua truyền thông và văn bản cho tới việc đến thăm và làm việc, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các QTDND, từ đó gieo thêm niềm tin của các QTDND với Hiệp hội và lan tỏa rộng trong hệ thống. Đây cũng là lý do trong nhiệm kỳ III, có thêm 52 QTDND gia nhập Hiệp hội, đưa tổng số thành viên lên 1.135 QTDND.

Nhiều QTDND tình nguyện nộp phí Hiệp hội chưa đóng nhiều năm. Thu hội phí nhiệm kỳ III tăng gần 125% so với nhiệm kỳ trước và tăng 94% so với kế hoạch, cho thấy niềm tin và sự gắn kết của các QTDND đối với Hiệp hội đã tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Trong vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và hệ thống, Hiệp hội tích cực làm việc với NHNN các tỉnh, thành phố; đến thăm và làm việc thường xuyên với các quỹ hội viên trên toàn quốc, qua đó đã có những đề xuất, kiến nghị sát sao và kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ, hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Hiệp hội đã xây dựng 3 bộ tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn lâu nay của QTDND, đó là: Bộ tài liệu về chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp và quy tắc ứng xử; Bộ Hợp đồng tín dụng mẫu liên quan đến hoạt động cho vay của QTDND; Bộ tài liệu về Hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND.

Trọng trách hỗ trợ QTDND nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà NHNN giao cho Hiệp hội cũng có bước chuyển lớn. Sau 5 năm, Hiệp hội đã hoàn thành 91 khóa đào tạo với gần 8.000 học viên tham gia. Trong đó, có 63 lớp nghiệp vụ cơ bản theo Quyết định số 1011/QĐ-NHNN. Đặc biệt, dựa theo nhu cầu cũng như tìm ra các điểm yếu của QTDND, Hiệp hội đã tổ chức 28 lớp nghiệp vụ chuyên sâu cho 4.000 học viên; 9 lớp tập huấn không thu phí với gần 2.500 cán bộ tham dự để các QTDND từng bước chuẩn hóa các văn bản liên quan đến hoạt động tại đơn vị và miễn phí đào tạo cho nhiều QTDND gặp khó khăn. Hiệp hội cũng tổ chức thành công 4 khóa khảo sát nước ngoài cho hơn 165 QTDND tại Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Hongkong.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN phát biểu tại Đại hội.
Đặc biệt, trước tác động to lớn và kéo dài của dịch Covid-19, Hiệp hội đã thích ứng nhanh chóng, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành công chương trình đào tạo online. Từ đó duy trì được tính liền mạch của các chương trình đào tạo, củng cố vững chắc cho quá trình cập nhật, đổi mới và nâng cao trình độ của cán bộ các QTDND.

Hiệp hội cũng kiện toàn bộ máy tổ chức tại Công ty Tin học và phát triển - đơn vị trực thuộc Hiệp hội, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ các quỹ thành viên thông qua khai thác sử dụng phần mềm ITD-VAPCF.

Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã tiếp tục phát hành 3 số Bản tin nội bộ, đồng thời cho ra đời kênh thông tin mới là fan page và xây dựng giao diện website mới tại địa chỉ www.vapcf.org.vn, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin về hoạt động của QTDND đến với người dân trên cả nước.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động

Đại diện NHNN phát biểu tại Đại hội, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận những khởi sắc trong hoạt động của Hiệp hội QTDND trong Nhiệm kỳ III, góp phần hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực tài chính, quản trị, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đối số; đồng thời góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh.

Ông Tuấn cho biết NHNN đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc NHNN về phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND, hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò, hoạt động của Hiệp hội QTDND.

“Hiệp hội cần tổ chức hiệu quả các giải pháp nâng cao vai trò của Hiệp hội, thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống, góp phần hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững”, ông Tuấn nói và lưu ý một số nội dung trọng tâm mà Hiệp hội triển khai trong thời gian tới.

Một là, Hiệp hội cần tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Quyết định 209/QĐ-NHNN, Thông tư 21/2019/TT-NHNN…

Hai là, Hiệp hội tiếp tục triển khai có hiệu quả vai trò cầu nối quan trọng giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa hội viên với nhau để triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước vào hoạt động của các hội viên. Đồng thời, kịp thời phản ánh các ý kiến, nguyên vọng của các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Ông cũng đề nghị Hiệp hội chủ động nắm bắt và tham gia sâu hơn vào hoạt động của các hội viên trong quá trình tạo cơ chế, chính sách mới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ của các QTDND hội viên trên cơ sở kết nối chặt chẽ với chi nhánh NHNN các tỉnh, Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) và các cơ sở đào tạo nghiệp vụ ngân hàng; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường quảng bá QTDND, NHHTX, Hiệp hội QTDND; Tăng cường tuyên truyền vai trò, sự cần thiết, chủ động tham gia vào tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của các QTDND; Mở rộng hợp tác quốc tế; Tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, nâng cấp và cải tiến phần mềm ITD-VAPCF để đáp ứng nhu cầu hoạt động của các QTDND hội viên ngày một tốt hơn.

“Hiệp hội cần đổi mới phương pháp hoạt động, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ nhằm xây dựng Hiệp hội hoạt động hiệu quả theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ, NHNN theo hướng tinh gọn, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của hội viên", ông Tuấn lưu ý thêm.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ IV. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội QTDND nhiệm kỳ III tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ IV.

Tiếp thu những chỉ đạo từ NHNN, Chủ tịch Hiệp hội QTDND nhiệm kỳ IV, Chủ tịch HĐQT NHHTX Nguyễn Quốc Cường cho biết, giai đoạn tới sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức cho hệ thống QTDND trong việc triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD với nhiều việc phải làm, song Ban chấp hành Hiệp hội sẽ bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân và tập thể để triển khai các hoạt động của Hiệp hội theo đúng kế hoạch, mục tiêu mà NHNN giao cũng như Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV đề ra, góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND nâng cao năng lực quản trị và hoạt động, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với NHHTX và các QTDND xuống bằng mức 50% so với các loại hình TCTD khác để dùng nguồn giảm thuế này đầu tư đổi mới công nghệ. Đồng thời, có chính sách giao đất hoặc cho thuê đất để các QTDND có điều kiện xây dựng trụ sở ổn định, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững. Có cơ chế, chính sách khuyến khích loại hình kinh tế HTX để hỗ trợ, thúc đẩy NHHTX và các QTDND phát triển an toàn.

Hiệp hội QTDND cũng đề nghị NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ NHHTX, các QTDND về kinh phí đào tạo cán bộ, thành lập mới QTDND, giải quyết khó khăn đối với các hội viên của Hiệp hội bị thiệt hại nặng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... Đồng thời, NHNN sớm hoàn thiện cơ chế, chế độ nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của NHHTX và QTDND, tạo điều kiện cho hệ thống TCTD là HTX hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Để NHHTX thực sự là ngân hàng của các QTDND, đề nghị NHNN hỗ trợ nguồn lực tài chính, như tăng vốn điều lệ, có cơ chế tái cấp vốn phù hợp khi NHHTX triển khai cho vay hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn về thanh khoản.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan