13.03.2024 16:13

Hiệp hội QTDND Việt Nam: Khẳng định vai trò kết nối và liên kết hệ thống

Kết nối gần 98% các QTDND trong hệ thống cùng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), trong thời gian qua Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) đã hoàn thành tốt vai trò là cầu nối 2 chiều giữa Cơ quan quản lý Nhà nước với các hội viên (QTDND và Co-opBank) nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thông thoáng, tăng cường mối liên kết hệ thống, qua đó góp phần hỗ trợ các hội viên hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Đồng hành cùng Co-opBank trở thành chỗ dựa tin cậy cho hệ thống QTDND

Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu thành viên Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tổ chức ngày 08/03/2024 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Co-opBank luôn phát huy tốt vai trò là trụ đỡ cho sự phát triển của hệ thống QTDND, cùng với việc thực hiện hiệu quả công tác điều hoà vốn, Co-opBank còn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt CF-eBank, đồng thời tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm bán lẻ trên môi trường số như: Co-opbank Mobile Banking, Thẻ Chip Co-opbank Napas, chuyển tiền nhanh 24/7… nhằm tăng cường mối liên kết hệ thống và gia tăng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên và nâng cao vai trò của QTDND trong hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Là tổ chức được thành lập với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nhằm phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên với Cơ quan quản lý Nhà nước, trong thời gian qua Hiệp hội đã phối hợp với Co-opBank có những đóng góp tích cực trong việc tham gia ý kiến về dự thảo Luật Các TCTD 2024, đề xuất chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đề nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách giao đất, cho thuế đất cho QTDND xây dựng trụ sở làm việc…  đề xuất sửa đổi các thông tư về kiểm soát, kiểm toán nội bộ; quy định về xếp hạng QTDND, Co-opBank cho phù hợp với đơn vị hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận tối đa, quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với Co-opBank khi cho vay QTDND cho phù hợp …  tổ chức mạnh mẽ công tác đào tạo với số lượng 3.246 cán bộ tham gia học tập để nâng cao trình độ quản trị điều hành và tác nghiệp với nhiều sự đổi mới về phương thức đào tạo.

Hiệp hội và Co-opBank đã phối hợp soạn thảo “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” và 05 Quy định nội bộ mẫu cho các QTDND và đã gửi xin ý kiến 57 Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và đã nhận được sự phản hồi tích cực trong việc góp ý vào các dự thảo này. Ngoài ra, Hiệp hội đã tăng cường nhiều hoạt động liên kết đa dạng, phong phú nhằm kết nối các QTDND và  Co-opBank, từ đó góp phần thúc đẩy tính liên kết và nêu cao tinh thần đoàn kết trong hệ thống. Đó là những kết quả tích cực đã đạt được giúp cho Hiệp hội thực sự đã trở thành chỗ dựa tin cậy của hội viên. 

Luật Các TCTD 2024 có nhiều điểm mới thuận lợi cho QTDND và Co-opBank, như: việc kết nạp thành viên mới, giải quyết thành viên xin ra; người liên quan đối với QTDND được quy định thu hẹp hơn so với các TCTD; QTDND được mua, đầu tư tài sản cố định không vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ … Tuy nhiên thời gian tới, xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 ngày càng mạnh mẽ, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển đa chiều, nhu cầu khách quan của thị trường đòi hỏi nhiều hơn về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các ngân hàng thương mại đang phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số đang gây áp lực rất lớn với năng lực tài chính mạnh, quy mô hoạt động rộng lớn, công nghệ hiện đại, trình độ cán bộ điều hành, cán bộ nghiệp vụ tinh thông và thường xuyên được đào tạo, phương pháp tiếp cận vốn vay được đổi mới, cho vay bằng phương tiện điện tử (với giá trị khoản vay dưới 100 triệu đồng), cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đa dạng qua Mobile Banking, thanh toán chuyển tiền 24/7, các sản phẩm thẻ phong phú… Một mặt nữa là, nhu cầu của khách hàng và thành viên QTDND về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi theo hướng tiện lợi và hiện đại hơn. Vì vậy, QTDND và Co-opBank cần cải thiện lại hình thức liên kết và cần liên kết chặt chẽ hơn để phát triển bền vững.

Trong khi đó, khi Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực thi hành buộc QTDND cần phải cải thiện năng lực quản trị điều hành; chủ động rà soát điều chỉnh quy định nội bộ liên quan đến tổ chức, quản trị và hoạt động, quy định nội bộ của Ban kiểm soát; đặc biệt là về thực hiện quy định giới hạn cấp tín dụng; chú trọng nâng cao năng lực tài chính; tích cực đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và công nghệ thông tin, mạnh dạn bước vào hành trình chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số thông qua liên kết chặt chẽ với Co-opBank.

Luật Các TCTD 2024 đòi hòi Co-opBank phải tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác điều hoà vốn, kịp thời cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi thiếu hụt tạm thời của QTDND, hỗ trợ các QTDND phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; triển khai đào tạo nghiệp vụ cho QTDND; kiểm tra hoạt động QTDND theo kế hoạch của NHNN; cử nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia quản lý, điều hành QTDND có khó khăn được cơ cấu lại, tham gia tái cơ cấu các QTDND theo yêu cầu của NHNN... Trách nhiệm của Co-opBank thì nhiều trong khi nguồn lực tài chính hạn chế mới chỉ hơn 3.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thì rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với hệ thống; mặt khác cơ chế về phân loại nợ và trích lập bù đắp rủi ro của Co-opBank chưa phù hợp, việc Co-opBank cho vay vốn để mở rộng tín dụng, cho vay hỗ trợ khả năng chi trả đối với QTDND là khoản cho vay của TCTD với TCTD nhưng lại phải thực hiện phân loại nợ như khoản vay thông thường đối với khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân và chưa có chính sách bù đắp cho Co-opBank khi QTDND gặp rủi ro.  

Đối với các QTDND cũng cần chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đến thành viên, huy động tiền gửi phù hợp với khả năng sử dụng vốn với lãi suất huy động hợp lý được xác định trên cơ sở lãi suất điều hoà của Co-opBank để điều hành vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chủ động đồng hành cùng Co-opBank khi liên kết triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Trong khi Co-opBank đã nêu cao trách nhiệm đối với QTDND thì các QTDND cũng cần nêu cao tính hệ thống, chia sẻ khó khăn và cùng đồng hành góp sức phát triển Co-opBank lớn mạnh, mới có thể là chỗ dựa vững chắc cho hệ thống QTDND phát triển bền vững.

Để hỗ trợ hoạt động QTDND và Co-opBank khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024,  Hiệp hội sẽ tích cực tham gia ý kiến các văn bản hướng dẫn thực hiện để góp phần hình thành môi trường pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện hoạt động của TCTD là HTX; phổ biến kịp thời văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động của TCTD là HTX; tăng cường công tác đào tạo  kiến thức cơ bản, đào tạo nâng cao về quản trị điều hành, quản trị rủi ro, về các phần hành nghiệp vụ và công nghệ; sớm phát hành 5 quy đinh nội bộ mẫu về nghiệp vụ cho QTDND có căn cứ triển khai áp dụng, đồng thời chủ động nghiên cứu thêm các quy định mẫu khác để giúp các QTDND hoàn thiện quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật, phối hợp cùng Co-opBank trong việc hỗ trợ các QTDND bước vào hành trình chuyển đổi số ... Qua đó, góp phần giúp Hiệp hội phát huy hiệu quả vai trò liên kết Co-opBank với hệ thống QTDND.

Phát huy hiệu quả vai trò liên kết đối với các hội viên

Nhằm tạo điều kiện cho Co-opBank và QTDND phát triển phù hợp trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn dài hơn cho những năm tới, Hiệp hội kiến nghị NHNN cho phép Hiệp hội, Co-opBank và QTDND sớm được tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Hiệp hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, NHNN cần có biện pháp sớm tăng vốn điều lệ cho Co-opBank thêm 5.000 tỷ để nâng nguồn vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo cho Co-opBank đủ nguồn lực thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hệ thống QTDND. 

Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho phù hợp với khoản cho vay Co-opBank đối với QTDND; nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 42/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về xếp hạng QTDND”; Thông tư số 52/2018/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” hiện đang áp dụng cho Co-opBank cho phù hợp với TCTD hoạt động tương trợ cộng đồng, không vì mục tiêu chủ yếu về lợi nhuận.

Đặc biệt, Hiệp hội đề xuất NHNN cần ban hành văn bản riêng biệt để định hướng cho QTDND và Co-opBank về triển khai chuyển đổi số phù hợp với mô hình, quy mô hoạt động đạt hiệu quả, đúng quy định. 

Phát huy hiệu quả vai trò kết nối và liên kết hệ thống QTDND, các hoạt động của Hiệp hội đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho hệ thống QTDND, qua đó hỗ trợ hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn, bền vững theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã.
Khôi Nguyễn.

Các tin liên quan