25.04.2023 15:30

Hiệp hội làm việc với dự án GREAT

Dự án GREAT là một sáng kiến của chương trình Aus4Equality do Công ty Cowatersogema đại diện cho Chính phủ Australia quản lý. Mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân và nông nghiệp cho người thu nhập thấp và Chiến lược của DFAT về Bình đẳng giới ở Việt Nam nhằm thúc đẩy việc nâng cao quyền năng kinh tế và sự lãnh đạo của phụ nữ. Trên khuôn khổ đó ngày 19/04/2023 tại văn phòng Hiệp hội QTDND Việt Nam lãnh đạo 2 tổ chức đã có buổi làm việc với nội dung “Chương trình Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (gọi tắt GREAT) dành cho 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai. 

Thành phần thư dự gồm có: Về phía Hiệp hội có Ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký, Bà Phạm Thị Hồi - Trưởng Ban đào tạo và tư vấn; Đại diện GREAT có Bà Bùi Thị Mai Hiên - Quản lý hoạt động GREAT; Đại diện VietED có Ông Raj Kumar - Giám đốc VietED, Bà Đinh Ánh Tuyết - Cố vấn cấp cao VietED, Bà Lê Thị Phượng - Cán bộ dự án hợp phần A2F.

Theo Đại diện VietED có Ông Raj Kumar - Giám đốc VietED Dự án  Aus4Equality|GREAT của Chính phủ Australia với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng quyền cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu và theo đó giúp gắn kết các vấn đề chiến lược viện trợ song phương của Chính phủ Australia cho Việt Nam tại Lào Cai, Sơn La từ năm 2017 đến nay với tổng nguồn vốn 300 tỷ đồng thông qua 70 tiểu dự án. Giai đoạn 2 của dự án GREAT từ năm 2022 đến năm 2027. 

Dự án VietED triển khai trong vòng 4 năm, tổng số vốn tài trợ của Quỹ là 2.7 triệu Đô la Ôxtralia sẽ tạo việc làm mới, có hưởng lương ổn định cho 2.000 phụ nữ; nâng cao thu nhập của 20.000 phụ nữ; và 80% phụ nữ tăng sự tự tin, tự tôn; tăng 15% số phụ nữ làm chủ hoặc đồng quản lý doanh nghiệp chính thức; và huy động được 3 triệu Đô la Mỹ đầu tư tư nhân vào các cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó dự án cũng mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc phát triển kinh tế hai tỉnh Lào Cai và Sơn La.

Theo Ông Raj Kumar, qua khảo sát Dự án đã tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế hiện này đã có nhiều QTDND có kinh nghiệm cho vay cộng đồng phụ nữ nghèo lập nghiệp với một số khoản vay theo dòng tiền, không yêu cầu tài sản thế chấp, đây là một lợi thể để triển khai. Từ thực tế đó, Dự án mong muốn được chọn Hiệp hội làm đối tác để kết nối các QTDND trên địa bàn Sơn La và Lào Cai tham gia. Sau khi Dự án được triển khai thành công tại hai tỉnh trên thì Hiệp hội có trách nhiệm lan tỏa, nhân rộng quy trình quản lý và cho vay nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tới tất cả các QTDND trên phạm vị toàn quốc.

Đại diện Hiệp hội Ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký mong muốn được Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực, quy trình quản lý cho cả Hiệp hội và các QTDND tham gia. Trong quá trình thực hiện các bên sẽ cùng làm việc, thảo luận và tháo gỡ khó khăn, chia sẻ rủi ro.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan tâm đến hoạt động của các QTDND, và giao cho Hiệp hội tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hệ thống QTDND. Đặc biết là kiểm toán - kiểm soát nội bộ; Quản trị rủi ro; Chuyển đổi số; Chăm sóc khách hàng … Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với Ngân hàng hợp tác xã đào tạo nghiệp vụ cho QTDND trên toàn quốc về các nghiệp vụ liên quan. 

Do vậy, Hiệp hội sẵn sàng lựa chọn các QTDND trên địa bàn tỉnh Sơn La, Lào Cai thực hiện dự án, đây là cơ hội để các QTDND được phát triển các sản phẩm mới phong phú thêm và được cải thiện các quy trình nghiệp vụ, từ đó tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, để lựa chọn được đúng QTDND, dự án cần cụ thể hóa các tiêu chí, và mục tiêu mong muốn đối với Hiệp hội và các QTDND. Hiệp hội sẽ chọn những QTDND có đội ngũ lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận thay đổi, sẵn sàng thử nghiệm và chấp nhận rủi ro để hướng tới thành công chung. Hiệp hội sẽ là cầu nối với QTDND để dự án triển khai đạt được mục tiêu mong muốn.

Kết thúc buổi làm việc hai bên đã cùng thống nhất khi Dự án được chính thức phê duyệt sẽ xây dựng biên bản ghi nhớ để làm rõ quyền hạn, trách nhiệm thực hiện.
Ban Đối ngoại

Các tin liên quan