06.10.2015 13:02

Đoàn cán bộ NHNN và Ngân hàng Hợp tác thăm và làm viêc tại Nhật Bản

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cấu ngân hàng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ, với tư cách là cơ quan quản lý dự án, NHNN Việt Nam đã tổ chức Chương trình khảo sát và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tín dụng HTX từ ngày 08 – 15/9/2015 tại Tokyo, Nhật Bản; Đoàn do ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác làm trưởng đoàn với 7 cán bộ của NHNN và Ngân hàng Hợp tác.

 

Nội dung chính của chuyến đi khảo sát là tập trung vào nghiên cứu các mô hình TCTD hợp tác tại Nhật Bản. Đất nước có 4 hình thái TCTD hợp tác: các Ngân hàng tín dụng Shinkin (các quỹ tín dụng), hiệp hội tín dụng – HTX tín dụng (phân theo khu vực, lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực công viêc) – gọi là Shinkumi, Ngân hàng lao động, Ngân hàng nông lâm. Trong đó, hai mô hình có những điểm tương đồng với Việt Nam là hệ thống các Ngân hàng Shinkin và các Hiệp hội tín dụng Shinkumi. Hai hệ thống cũng được Nhật Bản tham khảo từ hình thức HTX của Đức.

Về hệ thống các Ngân hàng Shinkin, hệ thống này gần giống hệ thống Ngân Hàng Hợp tác xã tại Việt Nam. Bao gồm một Ngân hàng Trung ương Shinkin, Hiệp hội quốc gia các Ngân hàng Shinkin, ở dưới có 267 Ngân hàng Shinkin thành viên. Hệ thống này có 7.398 cơ sở giao dịch với 111.000 nhân viên, số hội viên là 9.270.000 người. Trong khi cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Shinkin là do các hội viên góp vốn, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thì các NHTM là các Công ty cổ phần hoạt động vì lợi nhuận. Các Ngân hàng Shikin phải đăng ký khu vực hoạt động trong điều lệ, cho hội viên vay vốn, có thể cho vay không phải hội viên, còn các NHTM thì không có giới hạn hoạt động, không giới hạn đối tượng vay vốn. Về thuế, các Ngân hàng Shinkin chỉ phải nộp thuế doanh nghiệp, nhưng được ưu đãi hơn các NHTM.

Đứng đầu hệ thống này là Ngân hàng Trung ương ShinKin (SCB) với sự hỗ trợ của Hiệp hội quốc gia các Ngân hàng Shinkin. Đoàn đã đến thăm Trụ sở của Ngân hàng này tại quận Chuo, Tokyo và có một buổi làm việc rất bổ ích với Ban lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương cũng như với Hiệp hội các Ngân hàng Shinkin. Vốn tự có của SCB tính đến tháng 3/2015 là 490,9 tỷ yên (cuối năm 2015 sẽ tăng lên thêm 200 tỷ yên). Trong đó vốn thông thường là 400 tỷ yên (do các Ngân hàng shinkin thành viên ở dưới góp vốn), vốn ưu tiên (vốn để mua cổ phiếu, cổ phần..) 90,9 tỷ yên. Tổng tài sản 33.000 tỷ yên, tổng lượng vốn là 28.000 tỷ yên với 14 chi nhánh trong nước và 5 tại nước ngoài (NewYork, Hongkong, Thượng Hải, Băngkok, 1 Công ty chứng khoán riêng có Trụ sở mở tại London) và tổng số nhân viên là 1.205 người. SCB có 2 vai trò chính. Vai trò thứ nhất là “Ngân hàng Trung ương” của các Ngân hàng Shinkin. Vai trò thư hai là “Tổ chức tài chính riêng biệt” với chức năng: tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tài chính tổng hợp, nhà đầu tư chứng khoán lớn trên thị trường Châu Á và quốc tế.

Để hiểu thêm về hoạt động của hệ thống này, Đoàn đã đi thăm một Ngân hàng Shinkin điển hình ở khu vực Tokyo, Ngân hàng Shinkin Sheibu. Đây là một Ngân hàng Shinkin thành công với mạng lưới phủ sóng khắp trung tâm thủ đô: 67 phòng giao dịch, 9 văn phòng đại diện, 112 điểm kinh doanh.

Về hệ thống các HTX tín dụng Shinkumi, Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội các HTX tín dụng toàn quốc và một HTX tín dụng ở Tokyo. Về quy mô, hệ thống các Ngân hàng Shinkin lớn hơn hệ thống các HTX tin dụng shinkumi. Điều này thể hiện ở con số Tổng tài sản, trong khi Shinkumi là 5200 tỷ yên, thì Shinkin 28200 tỷ yên. Hệ Thống Shinkumi có 154 các HTX tín dụng chi làm 3 hình thái hoạt động: HTX tín dụng khu vực (110 HTX), HTX tín dụng ngành nghề (27 HTX), HTX tín dụng nghề nghiệp (17) với số phòng giao dịch là 1709 phòng và 3.890.000 hội viên.

Để có cái nhìn sâu hơn về hệ thống Shinkumin này, Đoàn đã đi thăm HTX tín dụng Daitokyo (Daisin). HTX đã được thành lập cách đây 63 năm. Đây là một HTX tín dụng mang hình thái hoạt động khu vực, khu vực toàn thành phố Tokyo (trừ các Đảo) với cơ sở kinh doanh là 43 cơ sở, 605 nhân viên, hội viên là 94.192 người.

Trong chương trình, đoàn cũng làm việc với Tổng cục thanh tra giám sát Nhật Bản (JFSA). Qua buổi trao đổi, Đoàn đã hiểu được cơ chế giám sát hệ thống tài chính của Nhật Bản. Nước bạn có hai cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các TCTD, một là Tổng cục tiền tệ – FSA trực tiếp do nội các chính phủ quản lý, cụ thể là do Thủ tướng điều hành, hai là Cục tài chính trực thuộc Bộ tài chính Nhật Bản, dưới cục tài chính là có các Ban tài chính địa phương, trực tiếp thực thi công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tại địa phương. Đoàn đã đến thăm Ban tài chính địa phương Kanto. Ban này chịu trách nhiệm quản lý các TCTD tại khu vực Kanto bao gồm Tokyo và 9 tỉnh lân cận.

Nhìn chung, Chuyến khảo sát đã thành công tốt đẹp, đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu. Các thành viên trong đoàn có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về hệ thống Ngân hàng nước bạn nói chung và hệ thống Ngân hàng HTX nói riêng.

Theo Co-opBank

Các tin liên quan