Việc tăng trích lập dự phòng theo đánh giá của giới chuyên môn không chỉ giúp ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro, mà còn là “của để dành” trong tương lai.
Gia cố bộ đệm, giảm thiểu rủi ro
Một trong những yêu cầu quan trọng của NHNN tại Quyết định 1382 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đó là đẩy mạnh xử lý nợ xấu (XLNX), nâng cao chất lượng tín dụng.
Yêu cầu trên đặt trong bối cảnh mà nợ xấu của các TCTD đang có xu hướng gia tăng do dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng trả nợ của khách hàng. Theo số liệu thống kê tổng hợp từ 27 ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam của FiinGroup, tính đến hết 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng là 120.938 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là hơn 62.316 tỷ đồng, chiếm 51,5% trên tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,84% thời điểm đầu năm lên 2,13%.
Trong khi theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã kết thúc từ ngày 30/6. Điều đó có thể khiến nhiều khoản nợ chuyển nhóm và nợ xấu của các ngân hàng khả năng sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay.
Các ngân hàng tích cực tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu
Nhưng từ cuối năm 2021 nhiều ngân hàng đã hoàn tất trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu. Mặt khác, thời gian qua các ngân hàng tích cực tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, vì vậy tuy nợ xấu tăng nhưng không quá đáng lo ngại. Chẳng hạn, tại Vietcombank, dù nợ xấu tuyệt đối tăng lên, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại thấp hơn cuối năm 2021 (chỉ chiếm 0,6%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục trên 500% - cao nhất hệ thống. Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu cũng tiếp tục giảm và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 171% cuối năm ngoái lên trên 200% vào cuối tháng 6/2022. Hiện tại, đa phần ngân hàng đều đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Việc tăng trích lập dự phòng theo đánh giá của giới chuyên môn không chỉ giúp ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro, mà còn là “của để dành” trong tương lai. “Tỷ lệ trích lập này cao hay thấp ở mỗi NHTM còn tùy thuộc khẩu vị và quan điểm của mỗi ngân hàng. Nếu tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép mà tỷ lệ bao phủ cao, thì khoản trích lập dự phòng này chính là “của để dành” với nhiều ngân hàng”, một chuyên gia ngân hàng nhận định. Chung quan điểm, VNDirect nhận định, nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ giảm thiểu được rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới.
Không chủ quan với nợ xấu
Tuy tăng trích lập dự phòng gia cố bộ đệm, nhưng các ngân hàng không chủ quan với nợ xấu. Để giảm thiểu rủi ro nợ xấu, lãnh đạo HDBank cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các chủ trương, chỉ đạo theo chính sách của Nhà nước, của NHNN, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống gắn với đẩy mạnh XLNX, giữ vững chất lượng tài sản an toàn và đảm bảo chất lượng tín dụng theo hướng kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực được khuyến khích.
Chia sẻ về hướng thực hiện Đề án cơ cấu gắn liền với XLNX giai đoạn 2021-2025, tăng chất cho hoạt động, lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng sẽ triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao đến năm 2025 và phấn đấu tỷ lệ an toàn vốn đến năm 2025 đạt tối thiểu từ 11% đến 12%. Hiện ACB đang xây dựng và thí điểm áp dụng mô hình ước lượng rủi ro gia tăng và giá trị tài sản có rủi ro theo phương pháp tiêu chuẩn nâng cao cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân, đảm bảo sẵn sàng áp dụng tỷ lệ an toàn vốn của NHNN.
Một công cụ được kỳ vọng để xử lý dứt điểm nợ xấu trong thời gian tới là Sàn Giao dịch nợ VAMC. Hiện hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC đang tiến triển khá tích cực. Lãnh đạo Sàn Giao dịch nợ VAMC cho biết, số lượng khách hàng gia tăng; số lượng và giá trị khoản nợ đăng thông tin cũng như được xử lý trên Sàn giao dịch nợ đều tăng trưởng tốt. Tính đến 31/7/2022 đã có 127 khách hàng đăng ký thành viên tăng 77 khách hàng so với đầu năm và đạt 110% kế hoạch năm 2022, trong đó có 69 khách hàng tổ chức và 58 khách hàng cá nhân. Trên cơ sở các Hợp đồng nguyên tắc và Hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ trên Website của Sàn với giá trị tổng dư nợ lũy kế đến 31/7/2022 là gần 31.173 tỷ đồng; ký hợp đồng nguyên tắc với 13 khách hàng là TCTD và các đơn vị thành viên. Hiện Sàn giao dịch nợ đang thực hiện triển khai thí điểm mua, bán các khoản nợ có giá trị dưới 5 tỷ đồng theo giá trị thị trường...
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động mua bán nợ, song lãnh đạo Sàn giao dịch nợ cho biết, đơn vị này quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục mở rộng thành viên, triển khai làm việc với khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn, môi giới của Sàn giao dịch nợ; tìm kiếm nguồn hàng đa dạng, phong phú, phù hợp để cung cấp cho thị trường...
Tuy đã đạt những kết quả ban đầu, nhưng giới chuyên môn vẫn kỳ vọng, các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện khung pháp lý về thị trường mua bán nợ để hoạt động mua bán nợ sôi động hơn, giúp XLNX hiệu quả hơn. “Hiện chưa có hướng dẫn về thẩm định giá trị khoản nợ, kế thừa nợ xấu, quy định về quyền chủ nợ… nên việc bán nợ trên sàn rất khó khăn. Do đó, cần nhanh chóng rà soát, ban hành các hành lang pháp lý để VAMC và các TCTD có thể bán nợ suôn sẻ trên sàn. Châu Âu đã giảm nợ xấu rất nhanh nhờ giải pháp bán nợ, tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ sớm như vậy”, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.
Để phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc NHNN trong công tác phối hợp với các bộ, ngành triển khai Quyết định số 689. Cụ thể, về khuôn khổ hỗ trợ công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định về phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý giám sát thị trường mua bán nợ; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các TCTD có vốn nhà nước; phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý cho việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản. Phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi bổ sung quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014…
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024