Các chuyên gia nhận định, dự toán ngân sách 2022 đã có nhiều điểm tích cực khi thận trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp diễn và ảnh hưởng không nhỏ tới người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa và minh bạch hơn hỗ trợ các đối tượng trong thời gian tới, để đảm bảo được mục tiêu về an sinh xã hội.
Thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh
Thông tin việc thực hiện NSNN năm 2021, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, về thu ước vượt 1,7% so với dự toán đầu năm, tương đương trên 22 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 16,1% GDP, trong đó thuế và phí đạt 13,2% GDP, tỷ trọng thu nội địa đạt hơn 83% vào NSNN.
Về chi, nhờ số thu đạt khá, rà soát cắt giảm nhiệm vụ chi thường xuyên chưa cần thiết, chúng ta đủ nguồn lực để phục vụ cho việc chi tính toán đầu năm và đủ nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là mua vaccine Covid-19.
Về cân đối NSNN, hiện bộ đang phấn đấu đảm bảo bội chi NSNN trong khoảng 4% GDP. Nợ công đến cuối năm là 43,7% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 24,8% tổng thu NSNN, trong ngưỡng an toàn Quốc hội cho phép.
Ảnh minh họa
Đối với dự toán ngân sách 2022, trên cơ sở một số yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%; giá dầu thô 60 USD/thùng; trong quý I/2022 sẽ hoàn thành bao phủ vaccine ít nhất cho 75% dân số, có thể mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng dưới 18 tuổi. Theo đó, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP; trong đó thu từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP; thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối NSNN.
Trong khi dự toán chi cân đối NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong số đó, dự kiến chi đầu tư phát triển khoảng 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi khoảng 103,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng chi NSNN; chi thường xuyên dự kiến 1.111,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2%. Tổng chi NSNN tăng 5,1% so với dự toán năm 2021, tập trung bố trí tăng chi một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới.
Như vậy, dự kiến mức bội chi ngân sách năm 2022 là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP, bằng tỷ lệ dự toán năm 2021. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43 - 44% GDP.
Nhận định về dự toán này, TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng, dự toán NSNN năm 2022 có những điểm tích cực đó là, khá thận trọng trong cả số tăng thu và tăng chi, điều này rất tốt trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng tiếp diễn. Bên cạnh đó là việc thay đổi về điều chỉnh phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội.
Tuy nhiên, dự toán không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên vì vậy rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho khoa học công nghệ, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành. Theo đó, cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán NSNN qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Đồng thời, rất cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022.
Ông Cường cũng bày tỏ quan điểm, ngoài mua vaccine Covid-19, còn hàng loạt nhu cầu chi tiêu cho y tế, liệu mức chi tăng khiêm tốn có đủ để đáp ứng. Cùng với đó, chi cho đào tạo và lao động cũng chưa thể hiện rõ, người lao động cần đào tạo để tái hòa nhập sau dịch bệnh.
Đồng thời, thâm hụt ngân sách 4% tương đương năm 2021 liệu có đủ, nếu lập ngân sách quá thận trọng thì sẽ không có nguồn để hỗ trợ các tỉnh.
“Kế hoạch chi tiêu trung hạn 2022-2025 cũng cần tính toán để giảm bội chi ngân sách, đạt mức bình quân chung của cả giai đoạn, cần lưu ý rằng tất cả số liệu về bội chi, nợ công đều được tính theo GDP mới, tăng 25% so với GDP cũ”, ông Cường nhấn mạnh.
Tăng cường hỗ trợ người dân
Giải đáp thắc mắc trên, theo ông Nguyễn Minh Tân, kinh nghiệm cho thấy, giữa tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách không phải luôn đồng điệu với nhau, thực tiễn năm 2022 cho thấy thu ngân sách sẽ có độ trễ so với tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nên mức tăng thu 3,4% đã là rất tích cực. Phía bộ sẽ bám sát thực tiễn, ước tính thu đúng, thu đủ, phấn đấu vượt dự toán.
Về dự toán chi 2022, đã tính chi 10.000 tỷ đồng cho y tế, cho phòng chống dịch, cụ thể là mua vaccine, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị… Giả định, đến quý I/2022, tỷ lệ bao phủ vaccine đã được 75%, và đầu năm sau sẽ tiêm cho cả trẻ em. Như vậy, có hơn 90% dân số tiêm vaccine, kinh phí điều trị sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2021, kinh phí khoanh vùng dập dịch cũng sẽ nhỏ đi. Kinh phí này là hợp lý.
Bà Phạm Minh Thu - Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 có quy mô nhỏ, khoảng 2.533 tỷ, thấp hơn rất nhiều so với quy mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tiền mặt trong năm nay đã bỏ qua các nhóm đối tượng yếu thế - những người cần hỗ trợ nhất, phạm vi hẹp không phản ánh hết ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này có thể tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”.
Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền xuống địa phương để tạo sự linh hoạt, nhưng độ bao phủ chính sách chưa xác định và có khả năng tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách đối với lao động tự do. Điều này hạn chế đáng kể khả năng đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch thứ tư. Cơ chế phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương sẽ tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo…
Chính vì vậy, bà Thu đề xuất cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, kinh nghiệm quốc tế là khoảng 4 - 5% GDP hàng quý, thực hiện càng sớm càng tốt, mức hỗ trợ phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng.
Ngoài ra, đảm bảo ngân sách để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương. Trong tầm nhìn dài hạn, chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thương - Quyền giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thuộc Tổ chức điều phối Liên minh BTAP cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19, tuy nhiên, mức hỗ trợ cao nhất vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Chính phủ có thể tăng mức hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024