Ngày 13/05/2024, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã ban hành công văn số 76/CV-HHQTD về việc "Đẩy mạnh thu hút thành viên trong xu hướng lãi suất và tín dụng 6 tháng cuối năm 2024" gửi các QTDND hội viên.
Hiệp hội xin đăng tải nội dung công văn số 76/CV-HHQTD để các QTDND hội viên được biết và triển khai thực hiện. Cụ thể như sau:
Qua theo dõi diễn biến nền kinh tế 4 tháng đầu năm, nhất là từ tháng 4/2024 đến thời điểm này đã cho thấy nền kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 được phát triển theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng và tháng 4/2024 đã tăng mạnh so với năm 2023; sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, nuôi trồng, thủy sản...) đều đạt mức tăng trưởng khá; du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể.... Sự khởi sắc của nền kinh tế đã có tác động đến thị trường tiền tệ với những diễn biến cần quan tâm như sau:
- Tín dụng nền kinh tế tháng 4/2024 mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhưng năm trước đó, nhưng đã có sự khởi sắc hơn sau 3 tháng đầu năm. Để tiếp cận, khai thác tối đa nhu cầu vay vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng thương mại đã mở ra nhiều gói tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng. Các giải pháp thu hút khách hàng vay vốn của các ngân hàng thương mại với nhiều biện pháp linh hoạt, vừa ưu đãi lãi suất, vừa kéo dài thời gian ân hạn, hỗ trợ tối đa khách hàng vay để trả nợ khoản đang vay của TCTD khác để chuyển khoản vay sang ngân hàng mình. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn đẩy mạnh, dồn lực cho dịch vụ ngân hàng số trong năm 2024, đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin để bảo đảm khách hàng được trải nghiệm nhiều dịch vụ tốt nhất.
- Nhu cầu mở rộng tín dụng đang có xu hướng gia tăng, tác động đến mặt bằng lãi suất huy động. Trong tháng 4 có tới 16 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, những ngày đầu tháng 5 đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng thì xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2024, tuy nhiên trong bối cảnh cầu tín dụng mới nhích lên, lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chưa cao, nên dù có tăng lãi suất huy động, phần đông các ngân hàng thương mại vẫn sẽ ổn định lãi suất cho vay trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Việc tìm đầu ra cho khoản vay là không đơn giản, lãi suất cho vay nếu tăng cao hơn so với TCTD trên địa bàn sẽ khó tiếp cận vốn vay hoặc người vay sẽ đi tìm cơ hội ở ngân hàng khác. Thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Văn bản 1628/NHNN-CSTT ngày 06/03/2024 về việc công bố lãi suất cho vay, các TCTD đã công bố công khai lãi suất bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác, qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Các diễn biến về kinh tế, tiền tệ nêu trên vừa là cơ hội vừa là thách thức không nhỏ đối với hệ thống QTDND. Sự phục hồi nền kinh tế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và thành viên của QTDND có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống, nguồn tiền gửi huy động sẽ vào nhiều và nhu cầu vay vốn sẽ gia tăng. Thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các ngân hàng thương mại, nếu các QTDND không có những giải pháp và chính sách phát triển phù hợp, nhất là về duy trì và thu hút thành viên vay vốn, người gửi tiền thì không những không tận dụng được thời cơ mà còn mất đi cơ hội phát triển, dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động có thể bị giảm sút, dịch vụ ngân hàng chưa đáp ứng được nhiều.
Trước những cơ hội và thách thức đối với hệ thống QTDND như đã nêu trên, để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và theo đúng quy định của pháp luật, trong thời gian tới Hiệp hội khuyến nghị các QTDND cần chú trọng quan tâm đến 07 nội dung sau :
1- Thường xuyên theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế địa phương, nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đời sống của các thành viên và người dân trên địa bàn để kịp thời tiếp cận vốn và dịch vụ (qua liên kết với Ngân hàng hợp tác xã), đồng thời chú trọng đến việc tuyên truyền phát triển thành viên mới khi mà thời gian hiệu lực của Luật Các TCTD 2024 và các Thông tư quy định về hoạt động của QTDND đã đến gần;
2- Chủ động nghiên cứu, phân tích đánh giá tâm lý, nhu cầu vay, gửi tiền của thành viên và dân cư trên địa bàn, tận dụng lợi thế gần dân để: có các chính sách tín dụng, phương thức cho vay đa dạng phù hợp với mục đích sử dụng vốn, tâm lý người vay, năng lực tài chính, có hình thức giải ngân, thu nợ, lãi suất cho vay phù hợp trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, thu hồi đủ gốc và lãi; có chính sách huy động tiền gửi tiết kiệm linh hoạt, phong phú về kỳ hạn, phuơng thức trả lãi, rút gốc và lãi với thủ tục đơn giản, phù hợp với tâm lý người gửi tiền;
3- Tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn nhằm hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn và dịch vụ của thành viên, thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về các trường hợp áp dụng đối với những đối tượng được vay với lãi suất ưu đãi. Tiếp tục ổn định lãi suất cho vay trên cơ sở tiết giảm chi phí; công bố công khai mức lãi suất bình quân để thành viên thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay. Trong bối cảnh hiện nay có thể áp dụng lãi suất cố định kết hợp với lãi suất biến động đối với các khoản cho vay có kỳ hạn trung và dài hạn. Áp dụng lãi suất cho vay biến động sẽ giảm được rủi ro về lãi suất cho QTDND và thành viên vay vốn;
4- Chủ động phân tích, đánh giá diễn biến xu hướng lãi suất trên thị trường tiền tệ, xu hướng lạm pháp, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng lãi suất của các ngân hàng thương mại trên bàn để xác định chính sách lãi suất phù hợp trên cơ sở cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, nhất là việc xác định mức huy động từng kỳ hạn phù hợp với xu hướng về lãi suất trên thị trường. Với xu hướng lãi suất đang tăng trong dài hạn thì chủ động xác định mức lãi suất kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn; ngược lại xác định lãi suất đang có xu hướng giảm thì xác định mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài thấp hơn, không nên quá chạy đua về lãi suất huy động nhằm tránh rủi ro về kỳ hạn và lãi suất đối với QTDND.
5- Có chính sách chăm sóc thành viên về mặt tình cảm lẫn lợi ích vật chất và tinh thần để tạo sự gắn bó, phát huy tính liên kết giữa các thành viên nhằm duy trì thành viên truyền thống, thu hút và phát triển thành viên mới, trên cơ sở thành viên luôn là trung tâm cho mọi hoạt động của QTDND;
6- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động của QTDND, về quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên để các thành viên hiểu rõ, gắn bó và nhiệt tình đóng góp xây dựng QTDND hoạt động ổn định và phát triển bền vững;
7- Khẩn trương tiếp cận và sớm lên kế hoạch triển khai chuyển đổi số tại QTDND, phối hợp và liên kết chặt chẽ với Ngân hàng hợp tác xã để phát triển tối đa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thành viên và khách hàng trên địa bàn. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển thành viên của QTDND.
Hiệp hội QTDND Việt Nam rất mong các QTDND hội viên cùng quan tâm, chủ động có những chính sách và biện pháp phù hợp nhằm hướng QTDND phát triển cả về quy mô, chất lượng, an toàn hiệu quả và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước./.
Hiệp hội.