Những tháng cuối năm 2022, thị trường tiền tệ đã có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và hệ thống QTDND nói riêng, Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) đã có văn bản số: 170/CV-HHQTD ngày 8/12/2022 về việc: Tăng cường an toàn hoạt động đối với các QTDND, qua đó cung cấp thêm thông tin thị trường cũng như đề xuất một số giải pháp để các QTDND chủ động hơn trong việc xây dựng chính sách hoạt động của mình trong bối cảnh thị trường có diễn biến phức tạp. Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam (Hiệp hội) xin gửi tới các QTDND hội viên một số thông tin liên quan đến diễn biến thị trường trong thời gian tới như sau:
Trong những tháng cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ nhu cầu vay vốn tăng cao, trong khi đó nguồn vốn hạn chế dẫn đến lãi suất huy động của các Ngân hàng thương mại tăng cao, các QTDND để duy trì nguồn vốn và thành viên gửi tiền cũng đẩy mạnh lãi suất huy động của mình, đến tháng 3/2023 đến nay diễn biến thị trường có xu hướng ổn định hơn và đảo chiều, thanh khoản thị trường dồi dào lãi suất huy động vốn trên thị trường có xu hướng giảm mạnh. Từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, lãi suất cho vay mới bình quân là 9,07%, giảm 0,9% so với năm ngoái. Với xu hướng này, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trên thực tế 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất của hệ thống QTDND cũng không ngoài xu hướng chung, tuy nhiên mức giảm không đồng đều giữa các QTDND và các vùng miền. Từ cuối năm 2022, khi xây dựng biểu lãi suất huy động, nhiều QTDND đã đẩy lãi suất dài hạn từ 12 tháng đến 18 tháng rất cao, trên 10% để giữ thành viên và tăng nguồn vốn huy động. Đến nay xu hướng lãi suất giảm mạnh, nhất là lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong những tháng còn lại của năm 2023 . Đây là diễn biến rất bất lợi cho hoạt động của QTDND, với quy mô hoạt động nhỏ, sản phẩm dịch vụ ít có thể dẫn tới cơ cấu nguồn vốn không hợp lý về kỳ hạn. Tính đến 31/5 tổng huy động vốn từ dân cư của hệ thống QTDND là 172.440 tỷ đồng tăng 7,3% so với đầu năm, dư nợ cấp tín dụng là 131.030 tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm. Như vậy nguồn vốn về cơ bản là dư và chủ yếu là nguồn vốn huy động từ lãi suất cao, nếu các QTDND không có những chính sách lãi suất huy động và cho vay phù hợp sẽ có thể rất tới rủi ro lãi suất và rủi ro kỳ hạn. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong hoạt động, các QTDND cần chú trọng:
(i) Theo dõi sát tình hình phát triển kinh tế địa phương, xu hướng phát triển ngành nghề trên địa bàn, tăng cường vai trò lãnh đạo kiểm tra, kiểm soát và nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng để có quyết định đầu tư tín dụng hiệu quả, đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Cùng với nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thấp nợ xấu thì điều hành cân đối về kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có là điều rất quan trọng để quản lý tốt thanh khoản, đảm bảo cơ cấu nguồn vốn phù hợp và đưa ra chính sách lãi suất hợp lý;
(ii) Các QTDND cần tuyệt đối tuân thủ tôn chỉ mục đích hoạt động, nâng cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh;
(iii) Bám sát và trao đổi thường xuyên với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam về công tác huy động vốn và sử dụng vốn, nhằm hạn chế rủi ro kỳ hạn và lãi suất, để cùng nhau thực hiện tốt công tác điều hòa vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho thành viên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương;
(iv) Xu hướng lãi suất trên thị trường tiền tệ đang giảm và tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm, do vậy các QTDND cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động xác định xu hướng lãi suất trên địa bàn, qua đó xây dựng chính sách lãi suất huy động, các sản phẩm huy động vốn phù hợp với mặt bằng chung và cân đối nguồn vốn của QTDND, từng bước thực hiện giảm lãi suất cho vay giúp thành viên vay vốn bớt khó khăn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển;
(v) Tiếp tục tiết giảm tối đa các khoản chi phí để thực hiện lộ trình chuyển đổi số, như: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đổi mới trang thiết bị công nghệ tin học, tăng cường đào tạo cán bộ về nghiệp vụ & kỹ năng công nghệ; kiến thức & kỹ năng tư vấn chăm sóc thành viên…, để góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Hiệp hội QTDND Việt Nam rất mong các QTND hội viên nghiên cứu và cùng thống nhất hành động.
Để xem toàn bộ nội dung Công văn click và đường link dưới đây: