Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 4186/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cải cách những quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong hoạt động của tổ chức tín dụng là Hợp tác xã (gồm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND) cũng như tiếp thu các ý kiến của các Hội viên, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam (Hiệp hội) xin gửi bản tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất 08 nội dung nhằm tháo gỡ cho các TCTD nói chung và TCTD là hợp tác xã nói riêng theo mẫu tại Văn bản số 4186/VPCP-KSTT lên Văn phòng Chính phủ để được xem xét, giải quyết. (Xin gửi đính kèm Công văn này)
Đặc biệt trong 08 nội dung đề xuất lên Văn phòng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho TCTD là hợp tác xã, Hiệp hội xin báo cáo chi tiết nội dung thứ 05 về tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam như sau:
Tại Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, đã quy định “Phát triển Ngân hàng Hợp tác xã có đủ năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân”; tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đã nêu rõ “Nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã, trong đó có việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã từ các nguồn hợp pháp”.
Theo Luật TCTD, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng của các QTDND”, tuy nhiên năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã hiện rất hạn chế, vốn điều lệ chỉ có 3000 tỷ đồng, trong khi đó, nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với hệ thống QTDND là rất nhiều nhằm liên kết hệ thống, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND, cùng với các QTDND phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tại vùng nông thôn, hỗ trợ các QTDND trên toàn quốc thực hiện công cuộc chuyển đổi số, trong những tháng cuối năm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn phải chịu áp lực lớn về hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống QTDND nhằm đảm bảo các QTDND hoạt động an toàn. Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam không chỉ triển khai Đề án cơ cấu lại hoạt động và xử lý nợ xấu tại đơn vị mình mà còn phải tham gia quá trình tái cơ cấu các QTDND yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: triển khai cho vay hỗ trợ khả năng chi trả tiền gửi, hỗ trợ khả năng tài chính, cử nhiều cán bộ tham gia điều hành hoạt động QTDND… để tránh cho các QTDND rơi vào nguy cơ mất an toàn trong hoạt động, gây hệ lụy tiêu cực đến hoạt động của cả hệ thống QTDND.
Như vậy, việc nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong đó có việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam lên 8.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trở thành “Ngân hàng của các QTDND” nhằm liên kết hệ thống, điều hòa vốn và đảm bảo an toàn hệ thống QTDND là rất cấp bách và cần thiết, phù hợp với chủ trương: tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiêp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tại Quyết định số: 340/QĐ-TTg ngày 12/03/2021 của Thủ tứớng Chính phủ về phê duyệt “chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 689/QD-TTg ngày 08/062022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021- 2025”.
Để đạt được mục tiêu nâng vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam lên 8.000 tỷ đồng, ngoài việc phát huy từ nội lực của hệ thống như huy động thêm vốn góp từ các QTDND (cũng chỉ rất nhỏ, hiện chiếm 0,66% vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tuy nhiên không nên huy động nhiều từ nguồn này vì sẽ trở thành gánh nặng cho các QTDND), bổ sung từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thì nguồn vốn Ngân sách Nhà nước là nguồn bổ sung quan trọng và cần thiết nhất cho việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên việc tăng vốn Điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp còn có những vướng mắc về Luật như sau: Theo Điều 4, Điều 73 Luật các TCTD thì Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là loại hình TCTD được tổ chức theo mô hình hợp tác xã, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 không quy định hình thức HTX là doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam không thuộc đối tượng áp dụng của Luật số 39 - Đầu tư công 2019 (chỉ cấp vốn điều lệ cho các Ngân hàng chính sách) và Luật số 69/2014/QH13 - Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mặc dù mô hình hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với mục đích đầu tư công của 02 bộ Luật trên.
Trên cơ sở các nội dung trên, Hiệp hội đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam lên 8.000 tỷ đồng để thực hiện 02 nhóm nội dung:
1. Nâng cao năng lực tài chính để tạo điều kiện cho NHHTX mở rộng được quy mô hoạt động nhằm thực hiện tốt vai trò “Ngân hàng của các QTDND” trong việc hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và triển khai hiệu quả chuyển đổi số, phát triển nhiều sản phẩm. tiện ích ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thành viên.
2. Mở rộng kênh hỗ trợ vốn, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Nhằm phát huy được tổng hợp các nguồn lực để tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng, ngoài việc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam triển khai tăng vốn điều lệ từ nội lực của mình là: nguồn vốn góp của các QTDND, vốn dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn đầu tư phát triển của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn Ngân sách Nhà nước và Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia. Để đáp ứng được điều kiện tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Hiệp hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép bổ sung loại hình Ngân hàng Hợp tác xã vào đối tượng được áp dụng của 02 Luật sau:
- Bổ sung Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vào đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 5 Luật số 39/2019/QH14 ngày 13/06/2019 về Đầu tư công.
- Bổ sung Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vào đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Luật số 69/2014/QH13, ngày 26/11/2014 về Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đồng thời Hiệp hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia theo Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam kính mong được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp cho Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam và hệ thống QTDND có được môi trường pháp lý phù hợp với điều kiện thực tiễn và phù hợp với các quy định chung của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và hệ thống QTDND phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Để xem nội dung văn bản click vào đường link sau:
https://drive.google.com/file/d/1jaAhVpLxjNyaLunZvSJD__OeThLYiL96/view?usp=sharing
Văn phòng Hiệp hội