07.05.2025 11:39

Công nghệ thông tin & những “mạch nguồn” hệ thống

Trong suốt chặng đường phát triển 30 năm phát triển Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), Công nghệ thông tin (CNTT) đã đóng vai trò như những "mạch nguồn sự sống", thúc đẩy Co-opBank  ngày càng phát triển vững mạnh.

Kể từ khi thành lập vào năm 1995, Co-opBank phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, Ban lãnh đạo của Ngân hàng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của CNTT trong việc phát triển, bởi công nghệ không chỉ giúp cải thiện quy trình quản lý và điều hành vốn mà còn là công cụ quan trọng trong việc kết nối các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tạo sự liên kết và tương trợ mạnh mẽ giữa các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

Phát triển mạnh mẽ đội ngũ nhân lực CNTT

Trung tâm CNTT của Co-opBank đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng nhân lực. Từ chỉ 05 cán bộ ban đầu khi thành lập Phòng Tin học của QTDND Trung ương, đến nay, Trung tâm CNTT đã có tổng cộng 65 cán bộ, với 39 cán bộ nam và 26 cán bộ nữ, làm việc tại 05 phòng chuyên môn khác nhau. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng là một trong những yếu tố then chốt giúp Co-opBank duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Các cán bộ CNTT không chỉ đảm nhiệm vai trò quản lý và phát triển hệ thống mà còn đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược công nghệ, giúp Ngân hàng duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Lãnh đạo Co-opBank và tập thể cán bộ Trung tâm CNTT

Ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành và hoạt động

Các hệ thống phần mềm quản lý hiện đại được xây dựng và duy trì bởi Trung tâm CNTT đã giúp cải thiện quá trình quản lý, theo dõi, phân bổ và sử dụng nguồn lực của Ngân hàng hợp tác. Nhờ vào những công cụ quản lý thông minh này, Ngân hàng có thể giám sát và phân tích rủi ro, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp và kịp thời.

Hơn nữa, các hệ thống CNTT cũng giúp Co-opBank duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa các QTDND. Việc chia sẻ thông tin và điều phối nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn, giúp các QTDND có thể tiếp cận nguồn tài chính một cách nhanh chóng và thuận lợi, đồng thời đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc phân bổ vốn.

Đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử và phát triển các sản phẩm CNTT mới

Với sự phát triển không ngừng của CNTT, Co-opBank đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Ngoài các dịch vụ ngân hàng truyền thống còn có hệ thống Ngân hàng số trực tuyến trên hệ thống Mobile Banking đã giúp khách hàng thực hiện giao dịch một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.

CNTT cũng đã giúp Co-opBank tạo ra những sản phẩm tài chính mới, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Điều này giúp Ngân hàng thu hút được nhiều QTDND khách hàng mới, đặc biệt là những đối tượng trẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những khách hàng thường xuyên có nhu cầu giao dịch qua các nền tảng điện tử.
Ông Nguyễn Thạc Tâm, Phó Tổng giám đốc Co-opBank tham gia thảo luận tại Hội thảo Quốc gia “Chuyển đổi số - cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số”

An ninh và bảo mật: Yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin khách hàng

Bảo mật luôn là một yếu tố quan trọng trong ngành ngân hàng, đặc biệt là trong thời đại số hóa hiện nay. Co-opBank đã đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bảo mật, áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn cho mọi giao dịch tài chính và thông tin khách hàng. Các hệ thống bảo mật được triển khai tại Co-opBank đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp đảm bảo rằng các giao dịch điện tử được thực hiện một cách an toàn, bảo mật và minh bạch.

Ngoài việc triển khai các giải pháp bảo mật như Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC) hệ thống quản lý người dùng AD, PAM, hệ thống diệt virus, hệ thống tường lửa Firewall.., Co-opBank cũng chú trọng đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về các vấn đề an ninh mạng, giúp bảo vệ thông tin và tài sản của khách hàng. Sự đầu tư này đã góp phần củng cố niềm tin của khách hàng vào Ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng gia tăng.

Đảm bảo phát triển bền vững thông qua đổi mới công nghệ

Trong suốt 30 năm phát triển, CNTT đã giúp Co-opBank không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngày 25/03/2022 Co-opBank đã ban hành Quyết định số: 96A/QĐ-NHHT về việc Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số và Công nghệ thông tin đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm trọng tâm của Chiến lược là: Phát triển CNTT và chuyển đổi số theo định hướng phát triển bền vững của Co-opBank trên 02 trụ cột chủ đạo là: “Ngân hàng của các QTDND” và “Ngân hàng thương mại” với 05 mục tiêu cụ thể và 08 nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030. Trong đó Co-opBank đóng vai trò đầu tầu trong công tác Chuyển đổi số cho gần 1.200 QTDND.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo Co-opBank nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số của Co-opBank, trong những năm qua Ngân hàng đã triển khai và đưa vào vận hành một loạt các hệ thống quan trọng như hệ thống ngân hàng điện tử CfeBank , hệ thống thông tin quản lý QTDND (PRMS),  hệ thống hóa đơn điện tử, hệ thống quản lý nguồn vốn TiMS, Hệ thống Phân nhóm nợ và cảnh báo sớm hệ thống CFebiz, CfePCF, CFeAM, hệ thống Văn phòng điện tử; Hệ thống Quản lý nhân sự (QLNS) và Quản lý tài sản (QLTS)….và đang triển khai thí điểm hệ thống Trục thanh toán (Payment Hub)…

Ngân hàng cũng chú trọng việc nghiên cứu đầu tư vào công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và dữ liệu lớn (Big Data), nhằm tối ưu hóa các quy trình tài chính và quản lý rủi ro, xây dựng các sản phẩm tài chính tiện ích, kết hợp với sự đổi mới công nghệ không ngừng, sẽ giúp Co-opBank duy trì vị thế cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống tín dụng nhân dân tại Việt Nam.
CNTT đã giúp Co-opBank không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững

Vững mạnh và bền bỉ

Nhờ vào những bước đi tiên phong trong ứng dụng CNTT, Co-opBank đã trở thành một trong những tổ chức tín dụng uy tín, mạnh mẽ và bền vững đối với gần 1.200 QTDND và các đối tượng khách hàng khác nhau. Trong tương lai, Co-opBank sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tín dụng nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế cộng đồng.

CNTT sẽ tiếp tục là những "mạch nguồn sự sống", giúp Co-opBank duy trì sự ổn định, phát triển và tạo ra những giá trị bền vững, mang lại lợi ích cho khách hàng, đối tác và toàn xã hội.
Nhờ vào những bước đi tiên phong trong ứng dụng CNTT, Co-opBank đã trở thành một trong những tổ chức tín dụng uy tín, mạnh mẽ và bền vững đối với gần 1.200 QTDND và các đối tượng khách hàng khác nhau
Theo Website Co-opBank.

Các tin liên quan