29.11.2021 10:12

Củng cố niềm tin vào giá trị tiền đồng

Chính sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, chủ động hơn đã và đang giúp tỷ giá cơ bản ổn định, hỗ trợ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.


Tỷ giá duy trì ổn định

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đôla Mỹ (USD) trong ngày 26/11/2021 được NHNN công bố ở mức 23.145 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với ngày trước đó. Giá mua - bán USD tại Sở Giao dịch NHNN ở mức 22.650 - 23.789 đồng/USD. Trong tuần trước đó (từ 15/11 - 19/11/2021), theo công bố của NHNN, diễn biến thị trường ngoại tệ và tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Từ ngày 12/11 đến 19/11, tỷ giá niêm yết của Vietcombank đã tăng 10 đồng/USD.

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhìn nhận, cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI tích cực, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi xuất khẩu bắt đầu hồi phục. Nhờ vậy mà cung - cầu ngoại tệ trên thị trường được cân bằng trong giai đoạn cuối năm, giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm.
Ngoài vốn FDI giải ngân và thặng dư cán cân thương mại, một nguồn cung ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế là kiều hối. Ngân hàng Thế giới (World Bank) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD mới đây đã đưa ra dự báo Việt Nam là quốc gia đứng thứ tám trên thế giới, thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Ước tính lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD - cao hơn mức 17,2 tỷ USD trong năm 2020. Kiều hối chảy về dồi dào cũng là một yếu tố cộng thêm giúp cho việc ổn định tỷ giá.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc điều hành tỷ giá từ đầu năm tới nay là phù hợp với diễn biến của thị trường. Việc tăng giá nguyên liệu như xăng, dầu cùng nhiều mặt hàng khác tạo áp lực rất lớn tới lạm phát, đòi hỏi việc điều hành chính sách tiền tệ phải cực kỳ linh hoạt. Trên thực tế, giá nhiên liệu tăng và thông tin các NHTW lớn trên thế giới có thể thu lại các chính sách kích thích tiền tệ đã khiến cho không ít đồng tiền ở khu vực châu Á yếu đi. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đồng Việt Nam vẫn khá ổn định. “Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế ngày càng có độ mở lớn nên việc điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp với hoàn cảnh kinh tế hiện nay sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu ổn định hơn rất nhiều. Giữ ổn định tỷ giá cũng giúp cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước khi dịch bệnh tác động làm khan hiếm nguồn cung”, ông Thịnh ghi nhận.

TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, chủ động hơn đã và đang giúp tỷ giá cơ bản ổn định, hỗ trợ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. “Trong 10 tháng đầu năm, VND tăng 1,48% so với USD; dự báo tỷ giá có thể tăng khoảng 0,5-1% trong năm 2022”, TS. Lực cho hay.

Nâng cao giá trị đồng nội tệ

Đôla Mỹ lên giá so với hàng loạt đồng tiền mạnh khác như bảng Anh (GBP), đôla Canada (CAD, Euro (EUR)… trước tác động tâm lý thúc đẩy dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn an toàn như vàng và đôla. USD đã tăng 9,1% so với đồng euro trong năm nay, và đang hướng đến mức tăng theo năm lớn nhất trong vòng sáu năm qua. USD cũng đã tăng 11,6% so với đồng yen và 7% so với đồng AUD. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đưa ra dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng Euro, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ thắt chặt tiền tệ vào năm sau với tốc độ nhanh hơn NHTW châu Âu, trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao tại Mỹ.

Tín hiệu tích cực khi VND là một trong số những đồng tiền hiếm hoi duy trì sức mạnh giữa bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực đều giảm giá so với USD. Theo tính toán, tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1% trong quý III/2021. Điều hành chính sách tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối nhằm bảo đảm tỷ giá ổn định là một trong những điều kiện quan trọng với ổn định vĩ mô và nền kinh tế.

Báo cáo vĩ mô công bố gần đây của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, giá trị dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mốc 105 tỷ USD. IMF dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 113,7 tỷ USD. Các chuyên gia của World Bank cũng đánh giá Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm. Cụ thể, Việt Nam tích lũy được 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 do cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư.

Theo chuyên gia, việc nâng cao được quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ giúp cho NHNN gia tăng dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, ổn định được tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng… Nhiều năm nay, chính sách giảm dần tình trạng “đô la hoá” trong nền kinh tế của cơ quan điều hành đã giúp cho lòng tin vào đồng Việt Nam được củng cố rất lớn. Chênh lệch lãi suất VND so với USD cũng làm giảm sức hấp dẫn của USD, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, gia tăng giá trị tiền đồng.

Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối cũng là cơ sở để thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào thị trường Việt Nam, khi ít có lo ngại về rủi ro tỷ giá. Đây cũng là nền tảng để giúp nền kinh tế thêm nội lực chống đỡ lại các cú sốc, thách thức từ bên ngoài.

Năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ được dự báo sẽ gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu, buộc nhiều NHTW lớn trên thế giới phải đảo chiều chính sách, thu hẹp chính sách kích thích tiền tệ và tăng lãi suất.

Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhất, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường. Trong đó, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các biện pháp cũng như công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan