23.07.2021 09:37

Chính sách tín dụng phát huy hiệu quả

Động thái giảm mạnh lãi suất của các ngân hàng đồng thời nới room tín dụng của NHNN cho thấy hệ thống ngân hàng đã và đang sẵn sàng cung ứng nguồn vốn với giá hợp lý để doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.
TS. Châu Đình Linh
NHNN vừa điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng với tỷ lệ khác nhau. Có ngân hàng được điều chỉnh tăng 15%, có ngân hàng được 12% hoặc có ngân hàng chỉ 11%... Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Châu Đình Linh – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh xoay quanh chủ đề này.

Theo ông, đâu là tiêu chí để NHNN phân bổ và nới room tín dụng cho các ngân hàng?

Nói về hạn mức tín dụng, phải khẳng định đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Mặc dù là một công cụ mang tính hành chính nhiều hơn thị trường, nhưng nó là công cụ được thừa nhận và trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, bắt buộc phải sử dụng công cụ này can thiệp thị trường để đạt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN phải dựa vào quy mô, chất lượng tài sản, liên quan mục tiêu, lĩnh vực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đó… để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp, đảm bảo dòng vốn đi vào nền kinh tế đúng hướng, an toàn, hiệu quả. Thường những ngân hàng có sức khoẻ tài chính tốt, mô hình kinh doanh, quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II, Basel III, thu nhập từ tín dụng/tổng thu nhập phản ánh ở mức độ rủi ro chấp nhận được… sẽ được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với những ngân hàng có chỉ số thấp hơn.

Chính sách này cũng rất linh hoạt khi các ngân hàng sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng đều có thể đề xuất nới room. Ngoài những tiêu chí trên, NHNN sẽ căn cứ thêm vào tỷ lệ nợ xấu, dư nợ tín dụng thời điểm hiện tại cho vay vào lĩnh vực nào đồng thời gắn với quản trị rủi ro của ngân hàng… để xét duyệt nới room tín dụng.

Tôi thấy việc NHNN xét duyệt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không dựa trên cảm tính mà dựa trên tiêu chí rất rõ ràng. Sự điều phối chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất quan trọng điều vốn từ những nơi thừa sang nơi thiếu vốn để để đạt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng, quan trọng hơn là nắn dòng vốn đến đúng địa chỉ là những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông đợt giảm lãi suất vừa qua tác động ra sao đến tăng trưởng tín dụng?

Tôi đánh giá tích cực động thái giảm lãi suất vừa rồi của các ngân hàng tạo sự đồng thuận trong hệ thống. Cùng với hoạt động giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ… theo Thông tư 01, Thông tư 03, lãi suất cho vay giảm tạo sự yên tâm cho chủ thể đi vay. Tuy nhiên, mức độ tác động giảm lãi suất lần này đối với tăng trưởng tín dụng không nhiều. Vì hiện tại, doanh nghiệp đang trong thế phòng thủ chứ chưa thực hiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Vậy đâu là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thì kiểm soát dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất. Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu nguồn vốn quay trở lại, tín dụng sẽ bắt đầu tăng trưởng lại. Còn tín dụng tăng nhanh hay chậm cũng phụ thuộc vào mức độ hồi phục của các lĩnh vực mà ngân hàng đẩy mạnh cho vay.

Tiếp theo, động thái giảm mạnh lãi suất của các ngân hàng đồng thời nới room tín dụng của NHNN cho thấy hệ thống ngân hàng đã và đang sẵn sàng cung ứng nguồn vốn với giá hợp lý để doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Có ý kiến đánh giá, room tín dụng vẫn đang phát huy hiệu quả, chưa nên bỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nhìn lại quá khứ và xét trong bối cảnh bây giờ, rõ ràng room tín dụng vẫn tỏ ra hiệu quả hỗ trợ NHNN linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng tác động tích cực lên tăng trưởng GDP trong những năm qua.

Xét ở góc độ kinh tế thị trường, tôi nghĩ rằng, room tín dụng cũng sẽ được gỡ bỏ giống như trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước đây. Nhưng thay đổi này phải có lộ trình, và hội tụ nhiều yếu tố mới có thể thực hiện được. Khi kinh tế phát triển bền vững, sức nặng công cụ chính sách tiền tệ, tính độc lập được gia tăng thì lúc đấy mới có thể tính đến việc này. Còn hiện tại, đây vẫn là công cụ chính sách tiền tệ quan trọng để điều phối cung – cầu vốn hiệu quả để đạt mục tiêu NHNN, Chính phủ đặt ra.

Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan