“Tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu sẽ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao hơn năm 2017 và đạt mức 3,1%”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong Báo cáo “Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu tháng 1/2018”. Con số này cao hơn so với dự báo của WB hồi tháng 6/2017 là 2,9%.
WB cho rằng chắc chắn năm 2018 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế thế giới hoạt động hết hoặc gần hết công suất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dự kiến các hiện tượng trì trệ trong nền kinh tế sẽ không còn nữa nên các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn xa hơn việc đơn thuần sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa vốn chỉ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn. Thay vào đó họ cần xem xét các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng dài hạn.
“Đây là cơ hội đầu tư lớn vào nguồn vốn con người và cơ sở vật chất. Nếu các nhà hoạch định chính sách trên thế giới tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu thì họ có thể giúp đất nước mình nâng cao năng suất, tạo thêm việc làm và hoàn thành sớm mục tiêu xóa bỏ nghèo cùng cực và chia sẻ thịnh vượng”, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết.
Tuy vậy, theo ông, “xu thế tăng trưởng rộng khắp trên toàn cầu là tín hiệu rất đáng mừng nhưng hiện nay chưa phải là lúc tự mãn”. Bởi tình trạng suy giảm tăng trưởng tiềm năng là kết quả của nhiều năm suy giảm tăng trưởng năng suất, suy giảm đầu tư và sự già hóa lực lượng lao động toàn cầu. Hiện tượng suy giảm tốc độ tăng trưởng diễn ra trên diện rộng, tác động tới các nền kinh tế chiếm tổng cộng 65% GDP toàn cầu.
Nếu không tiếp thêm sinh khí cho tăng trưởng tiềm năng thì xu thế suy giảm có thể sẽ kéo dài tới tận thập kỷ tiếp theo, làm cho mức tăng trưởng toàn cầu bị sụt giảm 1/4 điểm phần trăm và mức tăng trưởng thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sụt giảm 1/2 điểm phần trăm trong cùng kỳ.
Theo WB, về lâu dài, tăng trưởng tiềm năng - được tính bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trường hợp lao động và vốn được sử dụng hoàn toàn - chậm lại sẽ đe dọa tiềm năng cải thiện mức sống và công cuộc giảm nghèo trên thế giới.
Đi sâu vào các nên kinh tế cụ thể, tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển được WB dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức 2,2% trong năm 2018 do các Ngân hàng Trung ương sẽ giảm dần các biện pháp kích cầu sau khủng hoảng và xu thế tăng trưởng đầu tư bị chậm lại.
Trong khi tăng trưởng tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự báo sẽ đạt 4,5% nhờ tăng trưởng tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024