Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu ngân hàng
Một phụ nữ có thể huy động được hơn 14 tỷ đồng từ 200 người tham gia chơi hụi. Trong khi đó, một tổ chức tín dụng với bộ máy điều hành, quản trị được cấp phép hoạt động lại chỉ có nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng. Điều gì đang diễn ra?
Góc nhìn từ Quỹ tín dụng nhân dân
Khen hết lời. Đó là điểm chung của các diễn giả tại các buổi hội thảo có bàn về vấn đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011- 2015 đồng loạt diễn ra cuối tháng 10/2015.
Công bằng mà nói, trong ba trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại thì tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang thành công nhất. Nợ xấu giảm, thanh khoản được cải thiện, lãi suất giảm, kỷ cương, kỷ luật trên thị trường được chấn chỉnh…
Lâu nay tái cơ cấu ngân hàng thường chỉ được nhìn vào những vấn đề nổi cộm như nợ xấu, sở hữu chéo, năng lực tài chính và quản trị yếu kém…nhưng thực tế tái cơ cấu các TCTD được tiến hành tổng thể trên các nhóm vấn đề: Các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); các NHTM nhà nước; các NHTM hoạt động bình thường; các TCTD phi ngân hàng (công ty tài chính và cho thuê tài chính); các tổ chức tín dụng vi mô; TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng liên doanh yếu kém. Trong 7 nhóm đối tượng này thì nhóm QTDND lại nhiều nhất, tính về số lượng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015, toàn hệ thống có 1.146 QTDND và ngân hàng hợp tác xã (vốn xuất thân là QTDND Trung ương) tại cả 56 tỉnh, thành phố với hơn 2 triệu thành viên. Một người nông dân có thể không biết Agribank – bạn của nhà nông, nhưng họ lại là thành viên rất tích cực của QTDND xã mình. Đó là thực tế. Thậm chí, ở nhiều nơi người ta thích giao dịch với QTDND hơn là đến ngân hàng – nơi có gì đó “sang chảnh”.
Theo Thông tư số 04/2015/TT-NHNN, QTDND hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn và các xã liền kề (nếu được phép); có tối thiểu 30 thành viên (có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát); vốn góp của thành viên bao gồm vốn góp xác lập tư cách thành viên (tối thiểu là 300.000 đồng) và vốn góp thường niên (100.000 đồng, bắt đầu từ năm 2016). Tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên không được vượt quá 10% vốn điều lệ của quỹ tại thời điểm góp vốn. Theo qui định, QTDND được nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam. Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của quỹ tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ. Hoạt động cho vay của QTDND chủ yếu nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên để thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của các thành viên quỹ…
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các QTDND hiện vào khoảng trên 75 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn hoạt động bình quân là 65,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô vốn hoạt động của một quỹ có thể lên đến hơn 800 tỷ đồng, nhưng có quỹ chỉ hơn 3 tỷ đồng. Song, điểm đáng chú ý là nợ xấu trong hệ thống QTDND rất thấp. Tại thời điểm cuối tháng 8/2015, khi nợ xấu của toàn hệ thống ở mức trên 3% thì của QTDND chưa đến 1%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kinh doanh của các QTDND có xu hướng cải thiện. Vậy có nên mở rộng mô hình này để giảm thiểu hình thức huy động vốn, góp vốn kiểu chơi hụi?
Không nên đếm số lượng ngân hàng
Chúng tôi không định so sánh hoạt động của QTDND với hụi – một hình thức góp vốn lâu đời đến mức thành thói quen của nhiều người dân. Thực tế là, vào những năm 1988 -1999 đã có hàng trăm QTDND đổ vỡ. Kể cả những năm gần đây, đâu đó vẫn xảy ra những vụ vỡ QTDND. Có khác chăng, nếu trước đây vỡ quỹ là dân mất tiền thì nay việc trả tiền cho dân đã có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lo, cho dù mức chi trả tối đa cho mỗi khách hàng chỉ ở mức 50 triệu đồng. Nhưng rõ ràng, nếu quản lý tốt, mô hình hoạt động của QTDND rất phù hợp với số đông người dân khu vực nông thôn, miền núi – những người không có điều kiện hoặc không muốn tiếp cận các dịch vụ gửi, vay tiền từ ngân hàng.
Quay trở lại vấn đề số lượng ngân hàng. Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, NHNN chủ trương giảm về số lượng, tăng chất lượng. Tính đến thời điểm tháng 10/2015, toàn hệ thống đã giảm được 17 thành viên. Trong đó, giảm nhiều nhất là số các NHTM qua sáp nhập, hợp nhất. Tiếp đến là trào lưu mua lại các công ty tài chính của các NHTM nhằm chuyên nghiệp hóa mảng tín dụng tiêu dùng. Thời hạn cho tái cơ cấu các TCTD là cuối năm nay, nhưng vẫn sẽ có một số NHTM tiếp tục sáp nhập, hợp nhất sau mốc thời gian này.
Trước đây các chuyên gia nhận định: Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu ngân hàng. Nay sau hơn 10 năm, nhận định này vẫn không thay đổi. Thực tế là cho dù các sản phẩm tài chính – ngân hàng ngày càng phong phú, hiện đại; chất lượng dịch vụ ngày càng tăng… nhưng tín dụng đen vẫn không ngừng phát triển, hụi (họ) vẫn diễn ra phổ biến, chứa đựng nguy cơ rủi ro, bất ổn và mất trật trự an ninh xã hội cao. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Một trong những nguyên nhân có thể là từ cách thức tiếp cận, phục vụ khách hàng của các TCTD chưa đủ sáng tạo, chưa thực hiện đầy đủ những quy định, trách nhiệm của một đơn vị được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Theo Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011- 2015, ngành ngân hàng đặt mục tiêu có 1-2 ngân hàng tầm khu vực. Không ít ngân hàng đặt ra hướng phát triển là vươn lên tầm khu vực, nhưng hiện chưa có ngân hàng nào khẳng định mình đã đạt được tầm đó. Nếu Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức hình thành từ tháng 12/2015 thì một hệ thống ngân hàng không biên giới sẽ định hình. Tiếp đó là việc thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi các hiệp định khung AFTA sẽ hối thúc các ngân hàng Việt Nam phải lớn nhanh, lớn mạnh.
Có điểm mà các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng cần phải lưu ý là nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi hội nhập kinh tế sâu, rộng. Xác định cụ thể Việt Nam nên có bao nhiêu ngân hàng là điều không cần thiết. Chúng ta cần những ngân hàng tầm khu vực, nhưng cũng cần những TCTD – nơi mà người dân có thể vay nóng vài trăm ngàn đồng.
Theo Diến đàn doanh nghiệp
13.11.2024
30.10.2024