Việc cho vay vốn diễn ra nhanh chóng, lãi suất thấp là ưu điểm vượt trội của mô hình quỹ tín dụng nhân dân xã. Tại Hà Tĩnh mô hình này đang phát triển nhanh, trong đó phải kể đến QTDND liên xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Thủ tục đơn giản, nhanh chóng
QTDND liên xã Cương Gián, tiền thân là HTX tín dụng, được thành lập vào năm 1956, đến năm 1996 đổi tên thành Quỹ tín dụng nhân dân.
Sau nhiều năm hoạt động hiệu quả đã mở rộng địa bàn sang các xã Xuân Liên, Cổ Đạm.
Trụ sở QTDND liên xã Cương Gián
Năm 1996, Quỹ chỉ có 7 nhân viên với vốn điều lệ 46 triệu đồng, đến nay lên đến 30 nhân viên, tổng vốn hoạt động gần 300 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 19 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi 251 tỷ đồng.
Trong 3 năm trở lại đây, với việc mở rộng địa bàn hoạt động, lãi ròng của Quỹ trung bình 3,5 tỷ đồng/năm, mỗi năm nộp thuế trên 700 triệu đồng. Trung bình hàng năm đạt từ 1.500-1.700 thành viên vay vốn, người được tiếp cận nguồn vốn cao nhất là 3 tỷ đồng.
Với những con số “biết nói” trên, Quỹ không chỉ thành công trong việc mở rộng địa bàn, điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp mà còn thể hiện chiến lược kinh doanh linh hoạt, năng động, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trính - Chủ tịch HĐQT QTDND liên xã Cương Gián
Ông Nguyễn Văn Trính - Chủ tịch HĐQT QTDND liên xã Cương Gián là một trong những cổ đông góp vốn từ ngày mới được thành lập, tính đến nay ông đã gắn bó 23 năm.
Ông Cho biết, với phương châm hỗ trợ tối đa các thành viên vay vốn để phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo nên Quỹ tạo cơ chế thông thoáng để người dân tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng nhất.
Trung bình một thành viên vay vốn tại Quỹ từ quá trình làm thủ tục đến khi nhận vốn chỉ trong vòng vài giờ. Lãi suất cho vay gần như bằng với lãi suất cho vay của ngân hàng, thủ tục đơn giản, tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nên thu hút rất đông người dân đến giao dịch.
“Mỗi nhân viên trong Quỹ đều trưởng thành từ các thôn xóm trong xã nên biết tường tận gia đình những người đến vay vốn, do đó các nhân viên không cần mất thời gian về các gia đình thẩm định tài sản, chỉ cần người dân đảm bảo các điều kiện tài sản thế chấp là được ký duyệt vay vốn ngay”, ông Trính nói.
Bà Trần Thị Lựu: "Vay vốn ở QTD rất đơn giản"
Bà Trần Thị Lựu (54 tuổi, trú thôn Bắc Mới, xã Cương Gián) cho hay, thủ tục vay vốn rất đơn giản, người dân tiếp cận vốn vay rất nhanh.
“Từ khi làm thủ tục đến khi nhận được vốn chỉ chưa đầy vài giờ, chỉ cần đưa sổ đỏ đến và ký tên là nhận tiền, trong khi đó muốn vay vốn tại ngân hàng phải mất cả tuần để thẩm định hồ sơ”, bà Lựu nói.
Kiềm chế tín dụng đen
Ông Trính cho hay, sau nhiều năm hoạt động, hàng chục ngàn người dân ở các xã Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm đã tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ, qua đó góp phần giúp người dân thoát nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Thanh, những đóng góp to lớn của QTDND liên xã Cương Gián là không thể phủ nhận. Đơn cử như việc hàng nghìn người dân “đổi đời” sau khi tiếp cận nguồn vốn đi xuất khẩu lao động.
Nhiều người dân Cương Gián đổi đời khi vay vốn ở QTD để đi XKLĐ
Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nông và đi biển kiếm sống, nhà cửa lụp xụp, cứ mỗi mùa bão đến người dân lại nơm nớp lo sợ. Từ giai đoạn 1996-1997, Ngân hàng Nhà nước cho phép người dân được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ để đi xuất khẩu lao động nên kinh tế địa phương bắt đầu đổi thay. Nhà cửa được xây dựng khang trang, nhân dân giàu lên nhanh chóng.
Đặc biệt, theo Chủ tịch xã Cương Gián, việc Quỹ phát triển lớn mạnh, quá trình cho vay vốn dễ dàng, tiện lợi nên trên địa bàn gần như không có các hoạt động tín dụng đen.
“Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Cương Gián chưa ghi nhận trường có trường hợp tín dụng đen nào. Việc QTD vận hành hiệu quả cũng là một trong những điều giúp kiềm chế tín dụng đen hoạt động”, ông Thanh nói.
Theo Vietnamnet.13.11.2024
30.10.2024