25.01.2014 07:00

Tư vấn các QTDND trong hoat động những tháng đầu năm 2014


Kết thúc năm 2013 kinh tế vĩ mô của đất nước đã có bước chuyển biến theo hướng tích cực với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, NHNN Việt Nam và các Bộ, ngành; tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn  không ít những khó khăn. Mặc dù nền kinh tế có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu, cầu tín dụng chưa mạnh dẫn đến việc đầu tư tín dụng còn gặp nhiều khó khăn; mặt bằng lãi suất tiền gửi của các Ngân hàng thương mại tiếp tục giảm.

Dự báo sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ lượng tiền gửi huy động dân cư tiếp tục tăng lên, đồng thời khách hàng vay trả nợ mà chưa tiếp tục vay để đầu tư sản xuất kinh doanh; từ đó trong những tháng đầu năm 2014 các tổ chức tín dụng, trong đó có hệ thống QTDND sẽ phải đối mặt với tình hình thừa thanh khoản và nguy cơ gây lỗ về tài chính nếu không có những biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời. Để có biện pháp xử lý phù hợp, Hiệp hội QTDND Việt Nam có một số ý kiến tư vấn đối với các QTDND hội viên như sau:

1/ Các QTDND cần xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2014 bám sát vào định hướng chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, định hướng phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương để có kế hoạch về huy động vốn và sử dụng vốn cho phù hợp, hạn chế ứ đọng vốn, gây áp lực thừa thanh khoản, đảm bảo hoạt động có lãi, an toàn và hiệu quả, tránh rủi ro lãi suất.

2/ Chủ động điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và cho vay phù hợp với tín hiệu thị trường, đưa lãi suất về đúng với quy luật, theo đó lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài cao hơn lãi suất kỳ hạn ngắn; đồng thời cân đối các kỳ hạn huy động vốn, lãi suất huy động vốn cho phù hợp với nhu cầu vốn sử dụng cho vay để tránh áp lực thanh khoản. Trong quá trình điều hành hoạt động cần chủ động cập nhật và nghiên cứu lãi suất nhận tiền gửi của Ngân hàng Hợp tác xã đối với các QTDND thành viên áp dụng trong từng thời kỳ để điều chỉnh linh hoạt lãi suất huy động và cho vay, hạn chế rủi ro lãi suất đối với từng QTDND và tránh gây áp lực về cung, cầu vốn đối với hệ thống, đảm bảo hài hòa trong hoạt động giữa Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND thành viên.

3/ Chủ động phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã triển khai có hiệu quả các hoạt động và sản phẩm cho vay hộ gia đình, cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn, cho vay hợp vốn đối với các thành viên, cho vay liên kết đối với giáo viên trên địa bàn hoạt động của QTDND để vừa tăng cường tính liên kết trong hệ thống vừa nâng cao hiệu quả trong hoạt động tín dụng của các QTDND.

 4/ Tăng cường công tác quản trị điều hành, bám sát diễn biến thị trường để có định hướng và chiến lược tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế địa phương đi đôi với củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng góp phần đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển của ngân hàng hợp tác xã và hệ thống QTDND.

Chúc các QTDND hội viên phát triển, an toàn và bền vững.


VAPCF

Các tin liên quan