30.09.2013 09:51

Tính đối kháng của các phương tiện phòng vệ của bên có nghĩa vụ trả nợ trong giao dịch thế chấp quyền đòi nợ

Theo quy định hiện hành, sau khi quyền đòi nợ được thế chấp, bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán cho bên nhận thế chấp khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm (điểm a, khoản 2, Ðiều 22, Nghị định 163/2006/NÐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 163) ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm được bổ sung, sửa đổi năm 2012). Khi được yêu cầu thanh toán, bên có nghĩa vụ trả nợ có thể sẽ viện ra một số căn cứ (hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền đòi nợ được thế chấp bị thay đổi, chấm dứt hay hủy bỏ, bù trừ nghĩa vụ,...), hay còn gọi là những phương tiện phòng vệ (defences) để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần khoản nợ. Tuy vậy, pháp luật về giao dịch bảo đảm còn chưa đề cập đến các trường hợp này. Vấn đề đặt ra là, liệu các phương tiện phòng vệ này của bên có nghĩa vụ trả nợ có giá trị pháp lý, hay nói cách khác, có tính đối kháng với bên nhận thế chấp hay không? Trong thực tế, ngay cả các ngân hàng thương mại với tư cách là bên nhận thế chấp cũng còn khá lúng túng trước vấn đề này1. Bài viết sẽ thử đi tìm lời giải trong các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất một số gợi ý cũng như giải pháp thực tiễn.

1. Phân loại các phương tiện phòng vệ mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể áp dụng

Như đã nêu ở phần trên, các quy định về thế chấp quyền đòi nợ của Bộ luật Dân sự và Nghị định 163 vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề tính đối kháng đối với bên nhận thế chấp của các phương tiện phòng vệ mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể đưa ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần khoản nợ cho bên nhận thế chấp. Trên cơ sở mối quan hệ với hợp đồng làm phát sinh quyền đòi nợ, có thể chia các phương tiện phòng vệ mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể viện ra để từ chối thanh toán hoặc giảm nghĩa vụ thanh toán của mình làm hai loại: các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ và các căn cứ tách biệt với quyền đòi nợ.

1.1. Các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ

Các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ là các căn cứ bắt nguồn trực tiếp từ hợp đồng làm phát sinh quyền đòi nợ. Chúng được dẫn xuất từ quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Liên quan đến việc giao kết hợp đồng, đó là các căn cứ làm hợp đồng vô hiệu mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể viện ra được quy định tại Ðiều 122 và Ðiều 127, Bộ luật Dân sự. Nếu bên có nghĩa vụ trả nợ khởi kiện đến tòa án tuyên bố hợp đồng đã giao kết vô hiệu do đã vi phạm các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ. Theo quy định của Ðiều 137, Bộ luật Dân sự, một trong những hậu quả pháp lý của hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu là không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao kết; do vậy, quyền đòi nợ được phát sinh từ hợp đồng đó được coi như chưa phát sinh. Ðiều này kéo theo hậu quả là đối tượng của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ không còn và bên nhận thế chấp rơi vào tình trạng rủi ro coi như cho vay mà không có tài sản bảo đảm.

Trên phương diện thực hiện hợp đồng, các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ trước hết liên quan đến việc vi phạm một trong các nghĩa vụ của hợp đồng là đối trọng của quyền đòi nợ được thế chấp. Như chúng ta đã biết, hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là hợp đồng đó có thể bị chấm dứt do bị tuyên bố hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Chủ thể tuyên bố hủy bỏ hợp đồng hay đơn phương chấm dứt hợp đồng là bên có nghĩa vụ phải trả nợ mà nguyên nhân bắt nguồn từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có quyền (tức bên thế chấp). Căn cứ đối kháng này chỉ đúng khi đây là hợp đồng song vụ mà không thể là hợp đồng đơn vụ. Bởi lẽ, trong hợp đồng đơn vụ thì bên có quyền (tức bên thế chấp) chỉ có quyền yêu cầu đòi nợ mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào nên chủ thể phía bên kia (tức bên có nghĩa vụ trả nợ) không thể viện ra lý do để yêu cầu hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Ngược lại, trong hợp đồng song vụ do hai bên cùng có nghĩa vụ đối với nhau, chúng ta có hình dung cụ thể như sau: có thể sau khi một bên đã thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ của mình và có quyền yêu cầu đối với chủ thể phía bên kia thì có thể dùng quyền yêu cầu này để thế chấp. Nhưng sau đó, bên có nghĩa vụ lại nại ra lý do việc thực hiện nghĩa vụ trước đó của bên có quyền đòi nợ có yếu tố vi phạm nên tuyên bố hợp đồng vô hiệu hay đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Chúng ta hãy xem xét ví dụ sau đây: trong hợp đồng mua bán giữa A và B, theo đó, A đã giao đầy đủ hàng hóa cho B nhận 10% giá trị của lô hàng, còn 90% giá trị còn lại B sẽ có nghĩa vụ thanh toán trong vòng 3 tháng tới. Khi đó, A có quyền dùng quyền yêu cầu thanh toán 90% giá trị lô hàng này để thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Sau đó, B tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua bán do lô hàng A đã giao có lỗi thuộc về khuyết tật ẩn giấu của sản phẩm theo quy định tại Ðiều 312, Luật Thương mại hoặc theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Nếu hợp đồng bị tuyên hủy thì lô hàng được trả lại cho A và B không phải có nghĩa vụ thanh toán nào; khi đó, ngân hàng đã nhận thế chấp cũng không thể đòi B phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán vì quyền đòi nợ được thế chấp đã không còn giá trị. Việc vi phạm nghĩa vụ này tác động trực tiếp đến số phận của hợp đồng đã ký, và do đó, tác động tới quyền đòi nợ được thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ được giải thoát khỏi nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp. Một căn cứ khác là quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ của bên phải thực hiện nghĩa vụ sau khi bên có nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình (khoản 2, Ðiều 415, Bộ luật Dân sự). Chẳng hạn, bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền hoãn việc thanh toán quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ khi bên thế chấp quyền đòi nợ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung ứng dịch vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hai phương tiện phòng vệ này là các biểu hiện của mối quan hệ phụ thuộc mang tính chức năng giữa các nghĩa vụ phát sinh từ cùng một hợp đồng song vụ. Việc vi phạm nghĩa vụ của bên có quyền đòi nợ ảnh hưởng về chất tới nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ phải trả nợ tức là tới chính quyền đòi nợ được thế chấp.

1.2. Các căn cứ tách biệt với quyền đòi nợ

Các căn cứ tách biệt với quyền đòi nợ khác với các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ ở chỗ chúng bắt nguồn từ mối quan hệ của riêng bên thế chấp (bên có quyền) và bên có nghĩa vụ trả nợ và chúng không phát sinh từ hợp đồng xác lập quyền đòi nợ. Các căn cứ này nằm ngoài hợp đồng xác lập quyền đòi nợ, và do đó, tách biệt với quyền đòi nợ được thế chấp. Các căn cứ tách biệt với quyền đòi nợ có thể là bù trừ nghĩa vụ (Ðiều 380 và Ðiều 381, Bộ luật Dân sự), thay thế nghĩa vụ (Ðiều 379, Bộ luật Dân sự), thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ (Ðiều 377, Bộ luật Dân sự), bù trừ nghĩa vụ (Ðiều 380 và Ðiều 381, Bộ luật Dân sự),... Ðây đều là những căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ dân sự theo Ðiều 374, Bộ luật Dân sự và cũng sẽ dẫn đến khả năng bên có nghĩa vụ trả nợ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp. Có thể phân loại chúng như sau:

- Những căn cứ dựa trên sự thống nhất ý chí của bên có quyền (bên thế chấp) với bên có nghĩa vụ trả nợ bao gồm: thay thế nghĩa vụ dân sự và thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ dân sự;

- Căn cứ dựa trên ý chí của bên có nghĩa vụ mà có thể không cần sự đồng ý của bên có quyền đó là bù trừ nghĩa vụ dân sự;

- Những căn cứ dựa trên ý chí của bên có quyền mà có thể không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ bao gồm: miễn thực hiện nghĩa vụ dân sự, chuyển giao quyền yêu cầu.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ không đề cập tới loại căn cứ thứ ba bởi nội dung mà tác giả muốn bàn luận ở đây chỉ là các phương tiện phòng vệ của bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong giao dịch thế chấp quyền đòi nợ hay chỉ là những căn cứ do bên có nghĩa vụ đưa ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp. Như vậy, có 3 loại giao dịch mà chúng ta cần đề cập. Giao dịch thứ nhất là thay thế nghĩa vụ dân sự, theo đó, hai bên thỏa thuận thay thế nghĩa vụ trong hợp đồng đã giao kết bằng một nghĩa vụ mới được xác lập. Hệ quả của thay thế nghĩa vụ là nghĩa vụ ban đầu (nghĩa vụ được thay thế) cũng đồng thời là quyền đòi nợ được thế chấp sẽ chấm dứt và nghĩa vụ mới được phát sinh. Ví dụ, nghĩa vụ thanh toán tiền nhà trong hợp đồng mua bán nhà được các bên thỏa thuận thay thế bằng nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tiền mới được xác lập. Ðối tượng thế chấp ở đây là quyền yêu cầu thanh toán tiền nhà đã bán chứ không phải quyền đòi nợ trong hợp đồng vay. Quyền đòi nợ có được thay thế cho quyền yêu cầu thanh toán tiền nhà trong hợp đồng thế chấp hay không thì hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể. Giao dịch thứ hai là bù trừ nghĩa vụ dân sự, theo đó, có 2 quan hệ được xác lập: quan hệ thứ nhất là giữa bên có quyền (bên thế chấp) với bên có nghĩa vụ; quan hệ thứ hai có nội dung ngược lại, bên có quyền trong quan hệ 1 trở thành bên có nghĩa vụ trong quan hệ 2 thì coi như nghĩa vụ trong hai quan hệ được bù trừ, triệt tiêu lẫn nhau một cách mặc nhiên (có thể không cần sự đồng ý của chủ thể phía bên kia) nếu đó là các nghĩa vụ về tài sản cùng loại, đã đến hạn, không có tranh chấp, được phép chuyển giao. Lúc này, quyền yêu cầu gắn với nghĩa vụ trả nợ của bên có nghĩa vụ cũng chấm dứt theo và hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ coi như cũng chấm dứt. Giao dịch thứ ba là các bên thỏa thuận chấm dứt quyền đòi nợ. Mặc dù quyền đòi nợ được thế chấp nhưng giao dịch, hợp đồng phát sinh quyền đòi nợ đó vẫn duy trì hiệu lực, bên thế chấp vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đó đối với chủ thể phía bên kia, nên về lý thuyết, các bên có thể thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

2. Tính đối kháng của các căn cứ gắn liền với quyền đòi nợ

Về nguyên tắc, quyền đòi nợ được thế chấp cùng với các đặc tính cũng như hạn chế, khiếm khuyết của nó. Bên thế chấp không thể thế chấp nhiều hơn quyền mà mình có đối với tài sản là quyền đòi nợ, tức là thế chấp một quyền đòi nợ với ít hạn chế và khiếm khuyết hơn so với trạng thái vốn có của nó. Ðiều đó có nghĩa là, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ ở trong tình trạng phải chấp nhận một số rủi ro gắn liền với quyền đòi nợ này.
 
Trước tiên, chúng ta phải xác định chủ thể thực hiện việc khởi kiện đến tòa án yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc tuyên bố hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là bên có nghĩa vụ trả nợ, bởi mục đích của họ là muốn được giải thoát khỏi nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp. Bên có nghĩa vụ trả nợ chỉ có thể hành động nếu còn thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, đó là 2 năm kể từ ngày giao kết hợp đồng đối với hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm các điều kiện về chủ thể, về ý chí, về hình thức (khoản 1, Ðiều 136, Bộ luật Dân sự); còn đối với việc tuyên bố hủy bỏ hợp đồng hay chấm dứt thực hiện hợp đồng là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Ðiều 427, Bộ luật Dân sự). Nếu quá thời hiệu trên thì theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tòa án sẽ không thụ lý đơn.
Tiếp theo, chúng ta tìm hiểu căn cứ để tuyên bố vô hiệu hợp đồng là do hợp đồng được giao kết không đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được quy định tại Ðiều 122, Bộ luật Dân sự. Cụ thể là, chủ thể giao kết hợp đồng có năng lực chủ thể không; mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội; hợp đồng được giao kết trên cơ sở tự nguyện không bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, giả tạo hay chủ thể không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình vào thời điểm xác lập giao dịch; hình thức của hợp đồng phải tuân thủ quy định về hình thức luật định như phải công chứng hoặc đăng ký… Còn căn cứ để tuyên bố hủy bỏ hợp đồng hay đơn phương chấm dứt hợp đồng đó là có hành vi vi phạm nghĩa vụ hay xảy ra các sự kiện do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định (xem khoản 1, Ðiều 425 và khoản 1, Ðiều 426, Bộ luật Dân sự) hoặc do hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng (xem Ðiều 310 và các điều tiếp theo Luật Thương mại). Trong Bộ luật Dân sự có thể tìm thấy trong phần “các hợp đồng dân sự thông dụng” đều có sẵn điều luật quy định về hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Mặt khác, Luật Thương mại quy định, một trong những căn cứ để tuyên bố hủy hợp đồng là một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng và giải thích tại khoản 13, Ðiều 3 đó là hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, nhưng Luật Thương mại lại không có giải thích mục đích của việc giao kết hợp đồng là gì. Có thể nói, với quy định này, pháp luật đã trao quyền giải thích cho thẩm phán và có thể tạo ra sự không thống nhất trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến hủy bỏ hợp đồng3. Có thể đưa ra nhận xét chung là các quy định trên của pháp luật hiện hành có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến cho hợp đồng bị chấm dứt. Và các quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng vô hiệu và hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt hợp đồng thường khiến cho một trong hai bên chủ thể có thể dễ dàng lạm dụng để khởi kiện đến tòa án và tòa án dường như cũng chỉ nhăm nhăm để xem có tuyên chấm dứt hợp đồng đó hay không. Ðiều này đi trái với nguyên tắc chung của hệ thống pháp luật dân sự là làm sao phải giảm thiểu tối đa những yếu tố khiến cho hợp đồng đã giao kết bị chấm dứt hoặc bị bẻ ngang. Như vậy, đối với bên nhận thế chấp quyền đòi nợ thì rủi ro luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất kỳ ở giai đoạn nào vì luôn có sẵn các căn cứ hợp pháp để bên có nghĩa vụ trả nợ yêu cầu chấm dứt hợp đồng đó từ khi giao kết đến khi thực hiện hợp đồng.

TS. Vũ Thị Hồng Yến
ThS. Bùi Đức Giang

Các tin liên quan