Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (1995 – 2025) qua 30 năm xây dựng và phát triển - một hành trình ghi dấu cho những phấn đấu không ngừng vì vai trò, sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao phó, vì hệ thống và vì những giá trị hợp tác bền vững. Từ nền móng sơ khai, Co-opBank đã không ngừng lớn mạnh, trở thành đầu mối kết nối, hỗ trợ và dẫn dắt hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước. Gắn bó chặt chẽ với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Co-opBank không chỉ khẳng định vai trò là ngân hàng của các QTDND, mà còn là nhân tố tích cực góp phần ổn định tài chính vi mô, phát triển kinh tế nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank để cùng nhìn lại chặng đường phát triển, những dấu ấn nổi bật và định hướng chiến lược trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank
Chủ tịch HĐQT có thể chia sẻ rõ hơn về chặng đường phát triển của Co-opBank gắn với hỗ trợ hệ thống QTDND cũng như thúc đẩy kinh tế tập thể và hợp tác xã?
Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành, Co-opBank luôn kiên định với sứ mệnh là ngân hàng của các QTDND - vừa là đầu mối liên kết, vừa là điểm tựa kịp thời, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chính sách “Tam nông” và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác xã. Vai trò hỗ trợ hệ thống QTDND xuyên suốt trong từng giai đoạn lịch sử của Co-opBank.
Ngay từ khi thành lập thí điểm năm 1993 theo Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, QTDND Trung ương được đặt trong mô hình 3 cấp gồm QTDND Trung ương, QTDND khu vực và QTDND cơ sở. Ngày 8/6/1995, một dấu mốc lịch sử được ghi nhận khi Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết định số 162/QĐ-NH5 cho phép thành lập QTDND Trung ương - tiền thân của Co-opBank ngày nay. Trong giai đoạn đầu, các QTDND cơ sở phát triển nhanh về số lượng, quy mô hoạt động tuy nhỏ nhưng đóng vai trò tích cực trong việc huy động tại chỗ và cung ứng vốn tại khu vực nông thôn, với tính tương trợ cộng đồng cao. Tuy nhiên, mô hình 3 cấp dần bộc lộ những bất cập, đặc biệt là tính liên kết hệ thống bị chia cắt, lỏng lẻo do QTDND khu vực chủ yếu giữ vai trò là một cấp trung gian chuyển vốn đến các QTDND cơ sở dẫn đến làm tăng chi phí, làm chậm việc điều hòa vốn đến QTDND cơ sở trên địa bàn, khiến hiệu quả hoạt động chưa như kỳ vọng.
Nhận thấy điều đó, năm 2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi mô hình sang 2 cấp, trong đó QTDND khu vực được sáp nhập vào QTDND Trung ương, trở thành các chi nhánh trực thuộc. Cùng với chỉ đạo và định hướng từ NHNN, hành lang pháp lý được củng cố, sự thay đổi này giúp QTDND Trung ương tập trung đầu mối điều hòa vốn, tăng cường tính liên kết, nâng cao năng lực hỗ trợ các QTDND cơ sở - đúng với vai trò dẫn dắt hệ thống.
Tuy nhiên, yêu cầu phát triển ngày càng cao từ thực tiễn - đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa nông nghiệp - đặt ra những bài toán mới. Thành viên QTDND không chỉ cần vốn, mà còn có nhu cầu về một điểm tựa tài chính hỗ trợ cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, phương thức thanh toán nhanh, linh hoạt. Theo đó, năm 2013, hệ thống chính thức bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi QTDND Trung ương được chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Co-opBank theo Luật Các TCTD năm 2010. Từ đây, Co-opBank được pháp lý hóa vai trò là ngân hàng của hệ thống QTDND, với nhiệm vụ trung tâm là cung cấp sản phẩm - dịch vụ tài chính phù hợp, hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững.
Co-opBank tập trung hỗ trợ tài chính cho các thành viên QTDND – đặc biệt là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở nông thôn – đồng thời mở rộng hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp bằng các sản phẩm tài chính chuyên biệt. Qua đó, không chỉ thúc đẩy hiệu quả sản xuất – kinh doanh mà còn góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện theo định hướng của Chính phủ.
Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và cách mạng công nghiệp 4.0, Co-opBank tiếp tục khẳng định vai trò tổ chức đầu mối khi triển khai Chiến lược Chuyển đổi số và CNTT đến năm 2025, định hướng đến 2030, thực hiện tái cấu trúc cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giảm, chuyên môn hóa, gắn với việc lấy QTDND làm trung tâm, hướng tới đổi mới toàn diện mô hình tổ chức, văn hóa, phương thức hoạt động, sản phẩm dịch vụ, nhằm dẫn dắt toàn hệ thống QTDND chuyển đổi số hiệu quả, tiết kiệm chi phí và phục vụ cộng đồng tốt hơn.
Đến nay, Co-opBank đã khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong hệ thống tài chính quốc gia, trở thành một tổ chức tín dụng vững mạnh, phục vụ cho sự phát triển bền vững của kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống QTDND.
30 năm - mỗi một chặng đường phát triển của Co-opBank đều xoay quanh một trục xuyên suốt: liên kết - hỗ trợ - phát triển hệ thống QTDND, xây dựng hệ thống tài chính vi mô hợp tác, năng động, hiện đại, nhân văn. Với khát vọng trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính vi mô vì cộng đồng, Co-opBank sẽ tiếp tục đồng hành cùng các QTDND, vững bước trên con đường phát triển bền vững và phục vụ ngày càng tốt hơn cho thành viên, khách hàng và hợp tác xã.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam trao tặng bằng khen cho đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank và đồng chí Phạm Thị Hồng Minh - Tổng giám đốc Co-opBank
Ông có thể điểm qua những thành tựu nổi bật nhất của Co-opBank đối với sự ổn định và phát triển của hệ thống QTDND?
Nhìn lại hành trình 30 năm, có thể khẳng định rằng Co-opBank đã không ngừng lớn mạnh, trở thành điểm tựa tin cậy và là tổ chức đầu mối vững chắc hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, ổn định và bền vững. Những thành tựu mà Co-opBank đạt được không chỉ thể hiện qua quy mô, mà quan trọng hơn là thể hiện qua chất lượng hỗ trợ, vai trò kết nối và định hướng phát triển của toàn hệ thống.
Trước hết, Co-opBank luôn lấy QTDND làm trung tâm trong mọi chiến lược phát triển. Từ công tác điều hòa vốn – vốn được ví như “hệ tuần hoàn” của hệ thống – Co-opBank đã xây dựng cơ chế linh hoạt, hiệu quả, giúp kết nối dòng vốn giữa các QTDND, đáp ứng kịp thời nhu cầu theo mùa vụ, theo địa bàn, từ đó góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng vốn trong toàn hệ thống.
Về chính sách lãi suất, Co-opBank áp dụng một cơ chế ưu đãi rõ ràng và ổn định: lãi suất huy động từ QTDND luôn cao hơn so với khách hàng cá nhân, tổ chức cùng kỳ hạn; lãi suất cho vay đối với QTDND thấp hơn so với các tổ chức, cá nhân khác – phù hợp với định hướng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và theo chỉ đạo của NHNN. Co-opBank cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo tín hiệu thị trường: riêng trong các năm 2022, 2023 và 2024, đã có tổng cộng 12 lần điều chỉnh, trong đó năm 2023 ghi nhận mức giảm sâu từ 1,3%/năm đến 1,8%/năm giúp giảm chi phí vốn cho các QTDND trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Co-opBank đã khẳng định vai trò chỗ dựa hệ thống. Không chỉ đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ số, kết nối hệ thống thanh toán liên ngân hàng đến hơn 900 QTDND; Thành viên, khách hàng chuyển/nhận tiền tới các ngân hàng thương mại tại Việt Nam; Dịch vụ chuyển tiền 24/7, ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking, thẻ chip Co-opBank Napas… Co-opBank còn đào tạo, hỗ trợ triển khai các sản phẩm ngân hàng, đặc biệt là bộ ba sản phẩm nền tảng số đầu tiên dành riêng cho QTDND, giúp các Quỹ nhanh chóng thích ứng với xu hướng hiện đại hóa. Thành quả nổi bật là năm 2023, Co-opBank được Hiệp hội các liên đoàn quỹ tín dụng thế giới WOCCU trao tặng giải thưởng tổ chức chuyển đổi số của năm, ghi nhận những nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua công nghệ.
Song song với đó, Co-opBank đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ QTDND. Thông qua việc phối hợp cùng Hiệp hội QTDND và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND” do Chính phủ Canada tài trợ, Co-opBank đã tổ chức hàng chục khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ cho 75 QTDND tham gia thí điểm dự án, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động của toàn hệ thống.
Nhằm xây dựng hệ thống QTDND ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và thống nhất, trên cơ sở đề nghị của các QTDND và Hiệp hội QTDND, Co-opBank và Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND đã phối hợp với Hiệp hội QTDND xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới cho các QTDND hiện đại, phù hợp với thực tế hoạt động, đã nhận được sự đồng thuận của các QTDND áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống và tích hợp trên các nền tảng ứng dụng.
Với sự hỗ trợ toàn diện đó, hệ thống QTDND đã có sự phát triển vượt bậc. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống QTDND có tổng vốn điều lệ tăng 157,51%, đạt 7.856 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 150,47%, vượt 192.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 132,65%, huy động vốn tăng 164,18%, đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chỉ ở mức 0,84% thể hiện sự ổn định và quản trị rủi ro ngày càng hiệu quả.
Những con số đó là minh chứng rõ nét cho vai trò đồng hành và dẫn dắt của Co-opBank trong việc giúp hệ thống QTDND phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững – góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Co-opBank
Co-opBank đang hướng tới mục tiêu trở thành một ngân hàng hiện đại, đa năng, thực sự là “ngân hàng của các QTDND”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, Co-opBank sẽ triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm nào? Thưa ông?
Trong thời gian tới, Co-opBank sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong tổ chức và hoạt động nhằm thực hiện tốt giá trị cốt lõi, sứ mệnh của mình bảo đảm Co-opBank phát triển an toàn ổn định và hỗ trợ một cách có hiệu quả đối với hệ thống QTDND thành viên và khách hàng trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Co-opBank giữ vai trò đầu mối, liên kết và hỗ trợ hệ thống QTDND thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính cộng đồng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giúp các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả; Tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các thành viên QTDND, đặc biệt là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bằng các sản phẩm tài chính chuyên biệt, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển bền vững; Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Co-opBank hướng tới trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính vi mô cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã; Luôn đồng hành và phát triển hệ thống QTDND theo hướng an toàn, bền vững, giúp tăng cường năng lực tài chính cho các QTDND và đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả, đóng góp vào sự ổn định chung của thị trường tài chính; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động ngân hàng, phát triển các dịch vụ số nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, đảm bảo bảo mật thông tin và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Co-opBank sẽ triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm như:
Một là Tăng cường năng lực tài chính - Co-opBank tập trung tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới hoạt động và nâng cao năng lực quản trị rủi ro.
Hai là Phát triển sản phẩm, dịch vụ - Ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của QTDND và khách hàng.
Ba là Nâng cao chất lượng mô hình tổ chức hoạt động và nguồn nhân lực - Ngân hàng liên tục rà soát, sắp xếp lại mô hình tổ chức và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp.
Bốn là Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - Ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các giải pháp ngân hàng số, mang lại trải nghiệm giao dịch nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.
Năm là Tăng cường hợp tác - Co-opBank chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực hoạt động, học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi...
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Thời báo Ngân hàng.