Sau gần 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã trở thành một mô hình hợp tác kiểu mới. Mô hình này không những đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội trong việc phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, trở thành kênh dẫn vốn tin cậy đối với các thành viên là nông dân, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại các địa phương.
Gần gũi với các thành viên, nắm rõ các phương án kinh doanh, cóp thể hỗ trợ giải ngân những nguồn vốn nhỏ cho các thành viên là những ưu việt của Quỹ tín dụng nhân dân. Đây chính là ưu điểm giúp mỗi người dân khu vực nông thôn với mức thu nhập không cao có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này ra đời cũng đã góp phần xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Thực tế cũng cho thấy hiệu quả cao mà mô hình mang lại khi số lượng thành viên tham gia vào các Quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày một tăng. Nếu như năm 2000, số lượng thành viên tham gia Qũy tín dụng Nhân dân mới chỉ có hơn 2.100 thì đến nay, con số này đã tăng lên gần 3 lần với gần 5.600 thành viên tham gia góp quỹ và vay vốn.
Ông Võ Nông - Giám đốc Quỹ tín dụng Nhân dân Cam Lâm cho biết: "Điều kiện
để được vay vốn trước tiên là thành viên của quỹ, góp vốn vào thành viên. Hiện
nay Quỹ cho góp vốn tối thiểu 100.000 đồng xác lập tư cách thành viên, số vốn
góp thêm là số vốn thường xuyên. Thứ 2 là khi vay vốn phải có dự án, mục đích,
tất nhiên dự án cũng rất đơn giảm do cán bộ Quỹ làm chứ thành viên cũng không
rành. Thứ 3 phải có các tài liệu, chứng minh sử dụng vốn. Thành viên vay vốn ở
quỹ việc dự án, tài liệu cũng đơn giảm hơn các ngân hàng".
Khánh Hòa hiện có 3 Quỹ tín dụng Nhân dân đang hoạt động là Quỹ tín dụng Nhân
dân Vĩnh Thái, Quỹ tín dụng Nhân dân Vĩnh Phương và Quỹ tín dụng Nhân dân Cam
Lâm. Các Qũy tín dụng Nhân dân hiện nay đều hoạt động trên địa bàn liên xã với
mục tiêu là để tương trợ, giúp đỡ các thành viên của Quỹ. Mục tiêu kinh doanh
không được đặt lên hàng đầu, vốn tích lũy được sau khi chia lợi tức cho thành
viên sẽ được dùng để tích tũy đầu tư, phát triển Quỹ ngày một lớn mạnh.
Hiện nay, cho vay sản xuất nông nghiệp tại các Quỹ đạt gần 20 tỷ đồng, chiếm tỷ
trọng 41,9% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay nuôi trồng thủy
sản, cho vay thương nghiệp, vay phục vụ cá nhân và cộng đồng. Chính bởi sự tham
gia hưởng ứng của đông đảo thành viên là bà con nông dân nên hầu hết các Quỹ
tín dụng Nhân dân đã từng bước khắc phục được những khó khăn trong điều kiện
cạnh tranh với các ngân hàng thương mại ngày càng mở rộng mạng lưới về nông
thôn. Nhờ vậy, chỉ tiêu hoạt động bình quân hàng năm tại các Quỹ vẫn đạt tốc độ
tăng trưởng cao cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động.
Theo ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa: "Quỹ tín dụng Khánh Hòa hoạt động có hiệu quả, có tăng trưởng ổn định qua các năm về nguồn vốn huy động, thành viên, dư nợ cho vay và chênh lệch thu nhập chi phí. Đánh giá về vai trò của quỹ tín dụng là rõ rồi, gần gũi nhất với thành viên có thể đêm hôm khuya sớm, có thể không cần những quy định quá chuẩn mực mà tháo gỡ ngay khó khăn cho các thành viên, hỗ trợ cho thành viên ổn định cuộc sống và ổn định sản xuất kinh doanh."
Nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực quản trị, điều hành, an toàn thanh khoản
là những nhiệm vụ trọng tâm nằm trong định hướng phát triển năng lực cạnh tranh
của các Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thời gian tới. Trong
đó tập trung cho vay vốn đối với các thành viên của quỹ, đặc biệt là người
nghèo, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại các địa
phương; mở rộng tín dụng đi đôi với việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín
dụng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn của thành viên. Đồng thời từng bước nâng cao
năng lực tài chính của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở theo hướng tăng vốn điều lệ,
thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ
trợ cho vay thành viên./.
Thu Hương
13.11.2024
30.10.2024