Thực tế đang cho thấy dòng vốn đang đi đúng hướng. Xét về cơ cấu tín dụng, hiện tại tín dụng được dồn nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực của tăng trưởng kinh tế...
Đóng góp của tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế là không nhỏ
Dòng vốn tín dụng ngày càng chất lượng
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở mức 7,33%. Dù cải thiện tương đối nhiều so với tháng trước, nhưng theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - chính sách (VERP) đó vẫn là mức tăng thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.
Tuy nhiên, dẫn số liệu so sánh 6 tháng năm 2018, tín dụng tăng 7,82%, tương tự năm 2017 là 9,01% và năm 2016 là 8,21%, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ các năm trước tuy nhiên mức chênh lệch là không quá nhiều.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp như trên là do 3 nguyên nhân. Một là, NHNN vẫn đang kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13% - 14%. Hai là các ngân hàng gặp khó khi vốn chủ sở hữu tăng không tương xứng với tốc độ tăng tín dụng. “Tăng trưởng tín dụng các năm qua đều 15% - 16% nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng 9%. Hệ số an toàn vốn ngày càng teo đi trong khi lại phải đáp ứng Basel II nữa”, TS. Lực nhấn mạnh yếu tố này.
Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng không cao cũng xuất phát từ việc các DN hiện nay đã đa dạng được các kênh huy động vốn và bớt lệ thuộc vào ngân hàng. Năm nay, số DN phát hành trái phiếu rất nhiều, thêm vào đó người dân cũng tích cực bỏ vốn ra tự doanh. Trong 6 tháng, vốn khởi nghiệp đã tăng 32%.
“Chúng ta nên lấy đó là tín hiệu đáng mừng vì hiện nay DN đã có nhiều kênh huy động vốn hơn trước. Qua đó đảm bảo thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn”, TS. Lực bình luận thêm.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 lại không hề thấp so với mục tiêu 14% NHNN đặt ra từ đầu năm. Không đặt nặng về con số, vị chuyên gia này cho biết, điều mà ông quan tâm nhất là chất lượng tín dụng, dòng vốn ngân hàng có đến đúng địa chỉ, đưa vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn hay không.
Thực tế đang cho thấy dòng vốn đang đi đúng hướng. Xét về cơ cấu tín dụng, hiện tại tín dụng được dồn nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực của tăng trưởng kinh tế. Nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu, ước đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 15,5%; lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng khá 7,53%... Tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhận được nhiều ưu tiên nhưng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi.
“Quan điểm của tôi khi nhìn về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đặt quá nặng về số lượng mà luôn quan tâm đến chất lượng. Nhìn vào cơ cấu tín dụng trên cho thấy đóng góp của tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế là không nhỏ”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Room tín dụng có bị căng cứng?
Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng hé lộ về việc được NHNN chấp thuận nâng room tín dụng. Đơn cử như VPBank, room tín dụng đã được nâng lên 16% thay vì 12% như chỉ tiêu đầu năm. Hạn mức mới này của VPBank được NHNN cấp từ cuối tháng 6. Trước đó, trong phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, đạt 252.435 tỷ đồng. Đại diện ACB chia sẻ ngân hàng được nâng hạn mức cho vay từ 13% lên 17% trong năm 2019. Cùng được nâng lên hạn mức room 17% còn có Techcombank thay vì hạn mức tín dụng 13% hồi đầu năm…
Sự thay đổi hạn mức tín dụng của các ngân hàng trên cũng không có gì bất ngờ mà được thị trường đoán định từ trước. Bởi đó đều là những ngân hàng hoàn thành sớm quy định Thông tư 41.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều ngân hàng có mức tăng tín dụng khá cao trong những tháng đầu năm và đang đứng trước nguy cơ “ngồi chơi xơi nước” trong những tháng cuối năm vì đã cạn room tín dụng, trong khi theo quy luật mùa vụ nhu cầu tín dụng thường tăng cao trong những tháng cuối năm… một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đến đầu quý IV, NHNN có thể căn cứ các yếu tố kinh tế vĩ mô nếu điều kiện cho phép xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng bởi “nếu tín dụng bị ngưng trệ thì DN sẽ gặp khó về vốn”.
Trái ngược với ý kiến nhận xét trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sẽ khó có sự thay đổi về hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2019. Bởi lạm phát lõi 6 tháng tăng 1,87% cao hơn so với mức tăng 1,4% của cùng kỳ năm ngoái khiến NHNN sẽ phải hết sức lưu ý đến vấn đề tăng trưởng tín dụng bởi tín dụng tăng nóng sẽ tạo áp lực lên lạm phát, chưa kể rủi ro nợ xấu về lâu dài. “Trong vài năm trở lại đây, NHNN rất kiên định trong điều hành tín dụng. Tôi nghĩ năm nay cơ quan quản lý cũng tiếp tục điều hành như vậy và tôi cũng đồng ý với định hướng này”, TS. Lực cho biết quan điểm.
TS. Võ Trí Thành cũng nhất trí phương án trên, kèm với đề nghị giám sát chặt chẽ hơn khoản vay rủi ro cao, lành mạnh hoá hoạt động tín dụng thông qua đảm bảo hệ số CAR ở mức cao. Đánh giá khả năng điều chỉnh là rất thấp, nhưng theo TS. Thành nên xây dựng kịch bản trong trường hợp kinh tế thế giới suy giảm mạnh, khó khăn hơn, các nước trên thế giới thể hiện nới lỏng chính sách tiền tệ rõ ràng hơn, có thể nới lỏng hơn một chút. “Nhưng tôi nghĩ, NHNN vẫn giữ mục tiêu đề ra”, vị chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, định hướng điều hành tín dụng theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất và lượng phải song hành. Trong thời gian tới NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, diễn biến thị trường bất động sản để có chỉ đạo điều hành phù hợp.
Song song với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao, tỷ trọng lớn; đẩy mạnh công tác truyền thông về định hướng điều hành cũng như các điều chỉnh quy định về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024