Chính sách vì ngành nông nghiệp
Đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không những là định hướng của Chính phủ, NHNN mà còn là chiến lược kinh doanh của nhiều NHTM. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đã được bổ sung hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Tam nông là khu vực luôn được các NHTM quan tâm rót vốn
Báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, NHNN cho biết, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55), có hiệu lực thi hành kể từ 25/7/2015, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP.
Trên cơ sở kế thừa những điểm tích cực của Nghị định 41 và căn cứ vào nhu cầu thực tế, Nghị định 55 ra đời đã có những chính sách mang tính đột phá trong đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, khuyến khích các TCTD tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này.
Các chuyên gia nhận định, việc triển khai Nghị định 41 tuy có những bất cập nhất định nhưng không thể phủ nhận, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai quyết liệt đưa chính sách vào cuộc sống, nguồn vốn tín dụng NH cho nông nghiệp, nông thôn đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng giúp lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, thủy sản, cà phê…
Việc các NHTM triển khai Nghị định 41 đã góp phần rất lớn trong hỗ trợ, tạo khí thế phấn khởi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong cả nước.
Chẳng hạn như với chương trình cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, tính đến ngày 30/9/2015, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 193 tàu (đóng mới 187 tàu, nâng cấp 6 tàu) với tổng số tiền trên 1.906 tỷ đồng.
Còn với cho vay tái canh cây cà phê, đến 30/9/2015, dư nợ cho vay cà phê toàn quốc ước đạt khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2014 và tăng 1,68 lần so với năm 2011. Trong đó, dư nợ cà phê tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2015 ước đạt 33.500 tỷ đồng, tăng 11,61% so với năm 2014, tăng 2 lần so với năm 2011 và chiếm 81,71% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc.
Định hướng tín dụng tam nông
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành nhiều văn bản định hướng các NHTM đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các TCTD chủ động tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với lĩnh vực này.
Chẳng hạn như: Hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; Tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Để đảm bảo lợi ích cho đối tượng thụ hưởng các chính sách nói trên, NHNN đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất thông thường khác.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp về đảm bảo nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN tại khu vực nông thôn theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục.
Ngoài ra, NHNN cũng xây dựng, khuyến khích các NHTM triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như mô hình cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, thời gian qua, các TCTD đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn, các TCTD đã rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ, triển khai các sản phẩm tín dụng với các hình thức đơn giản, phù hợp cho người sản xuất như: cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) ngay tại địa bàn của người vay thay vì phải đến trụ sở NH...
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vốn vay trung dài hạn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn (từ 30% lên 60%) để tạo điều kiện cho TCTD tăng khả năng cho vay vốn dài hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi Agribank - NH đồng hành cùng nhà nông - có tỷ lệ cho vay tam nông lên đến hơn 70%, thì các NHTM Nhà nước khác cũng không chịu thua kém với tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực này ở mức trên 20%, qua hàng loạt chương trình tín dụng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thủy hải sản.
Thậm chí, một số NHTMCP nhỏ cũng rất tích cực tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn với những chương trình đầu tư theo chuỗi, đầu tư chương trình cánh đồng mẫu lớn…
Có một điểm dễ nhận thấy trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là từ chỗ Chính phủ, NHNN phải có chủ trương, chính sách khuyến khích nhất định, thì nay nhiều NHTM đã hướng đến phục vụ tam nông một cách tích cực. Bởi họ nhận thấy đây chính là mảnh đất tín dụng bền vững, nhiều tiềm năng. Vì thế, việc tín dụng cho tam nông sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao hơn trong thời gian tới là tất yếu.
Chí Kiên/TBNH
13.11.2024
30.10.2024