Ngân hàng Nhà nước công bố một
số thông tin cơ bản về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm
2016.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng tiếp tục có con số mới,
với mức tăng trưởng lên tới 8,16% trong nửa đầu năm nay, cao hơn mức 7,86% cùng
kỳ năm 2015.
Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, tốc độ tăng trưởng
tín dụng được công bố ở mức 6,82%; con số ước tính ít ngày sau đó đạt trên 7%
và mức 8,16% nói trên có thể là con số cuối cùng.
Từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng có
thể thay đổi nhanh, tạo khác biệt đáng kể qua các ngày cập nhật, do thay đổi
liên tục giữa các khoản vay mới và đáo hạn, tùy thuộc vào thời điểm thống kê.
Với kết quả trên, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm
nay đã ở mức khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây. Và theo Ngân hàng Nhà nước,
tốc độ đó là phù hợp với chỉ tiêu định hướng 18-20% của cả năm.
Ngoài ra, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết,
tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ
trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng bất động sản và các lĩnh
vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự
án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cũng theo thông cáo trên, trong nửa đầu năm nay,
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện để ổn định mặt
bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc
phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo
kiểm soát lạm phát.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều tiết chủ yếu
thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn,
khối lượng hợp lý để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, thực hiện mua
ngoại tệ khi thuận lợi, qua đó duy trì dư thừa thanh khoản của hệ thống, tạo điều
kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện; đồng
thời hỗ trợ cho phát hành thành công trái phiếu Chính phủ; chủ động hút tiền về
qua phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn khi cần thiết để hỗ trợ ổn định tỷ giá
nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành lãi suất.
“Các chỉ tiêu tiền tệ diễn biến phù hợp với các giải
pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thanh khoản của hệ thống tiếp tục được đảm
bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước”,
Ngân hàng Nhà nước nhìn lại diễn biến sáu tháng qua.
Về lãi suất, mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc
thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng
lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay
trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì ổn định các
mức lãi suất điều hành, thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo
thanh khoản đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho
các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà
nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa
nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết
giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện
giảm lãi suất cho vay.
Nhà điều hành cũng đã ban hành thông tư sửa đổi
quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng,
trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần
theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực
lãi suất từ nay đến cuối năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi
suất huy động sau khi tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì đã duy
trì ổn định và từ tháng 4/2016 từng bước được một số tổ chức tín dụng điều chỉnh
giảm, dự kiến về cơ bản tiếp tục diễn biến ổn định trong những tháng cuối năm.
Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động
tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ
chức tín dụng vẫn tương đối ổn định.
Từ cuối tháng 4/2016, thực hiện chủ trương của
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân
hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh
giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn
về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng
thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
HOÀNG VŨ/Vneconomy
13.11.2024
30.10.2024