21.04.2016 15:09

Tiền tài chính – Tiền ngân hàng

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Chính phủ Cách mạng đã gấp rút chuẩn bị việc phát hành tiền Việt Nam, một biện pháp cơ bản để tạo lập một nền tiền tệ tự chủ, công cụ quan trọng của chính quyền trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. 

Tiền tài chính

Tháng 12/1945 theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức dập các đồng 2 hào, 5 hào, 1 đồng bằng nhôm và sau đó là đồng 2 đồng bằng hợp kim nhôm, ở mặt phải đồng tiền có hình Bác Hồ.

Từ tháng 10/1945, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã tập trung một số họa sĩ do ông Phạm Quang Chúc tổ chức việc vẽ và in những tờ bạc Việt Nam đầu tiên: Trước hết là tờ 100 đồng “Con trâu xanh” rồi tờ 100 đồng “Đỏ”. Các tờ bạc được thể hiện bằng hình ảnh 3 mục tiêu của Cách mạng lúc đó: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tiếp nối lần lượt ra đời giấy bạc loại 2 hào, 1-5-10-20-50-100-200-500 đồng. Bộ tiền này được Bộ Tài chính tổ chức in ấn và phát hành.

                              Giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 5 đồng

Về việc phát hành tiền Tài chính, từ vĩ tuyến 16 trở ra, đầu tháng 12/1945, Hội đồng Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính phát hành đồng tiền Việt Nam loại 2 hào nhôm. Đến cuối tháng 1/1946 phát hành tiếp loại 5 hào nhôm. Ngày 31/1/1946, Chính phủ ra sắc lệnh số 18/6 cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam tại miền Nam Trung Bộ, từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tiền được phát hành trước tại miền Nam Trung Bộ do điều kiện kinh tế chính trị ở đây tương đối ổn định. Nhân dân nô nức đổi giấy bạc Đông Dương lấy giấy bạc Cụ Hồ. Chính phủ quy định 1 đổi 1, nhưng nhân dân yêu quý đồng bạc Việt Nam và hình ảnh Cụ Hồ trên đồng tiền đã đổi với giá 1 đồng tiền Cụ Hồ ngang với 1,2 – 1,3 tiền Đông Dương. Việc phát hành tiền ở Nam Trung Bộ thắng lợi, tạo điều kiện cho chính quyền ta ở khu vực này giải quyết được khó khăn về tài chính. Đồng thời giúp Chính phủ Trung ương tập trung được một số tiền Đông Dương để chi ở phía Bắc, nơi còn tạm dùng loại tiền này.

Ngày 13/8/1946 Chính phủ ra sắc lệnh số 154/SL quyết định mở rộng việc phát hành giấy bạc Việt Nam ra miền Bắc Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở ra). Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định cho phát hành giấy bạc Việt Nam trong cả nước.

Bộ tiền đầu tiên do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành

Ở phía Bắc đến năm 1950 là năm Bộ Tài chính không in tiền Việt Nam nữa. Ngày mùng 6/5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với vị Tổng giám đốc đầu tiên là ông Nguyễn Lương Bằng. Để thống nhất điều hành chính sách tiền tệ tự chủ đối với các vùng tự do và chiến khu trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, công việc quan trọng đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia được Chính phủ giao phó là phát hành giấy bạc Ngân hàng, thu hồi giấy bạc Tài chính.

Theo đó, Ngân hàng Quốc gia đã phát hành loại giấy bạc mới, giấy bạc ngân hàng phát hành được thu đổi với tiền tài chính theo tỷ lệ: 1 đồng tiền ngân hàng = 10 đồng tiền tài chính. Đây là một dấu ấn quan trọng đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đây cũng chính là bộ tiền đầu tiên do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành.

 

Một số mệnh giá trong bộ tiền đầu tiên do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phát hành

Bộ tiền này được phát hành gồm 8 mệnh giá bao gồm: 10 đồng; 20 đồng; 50 đồng; 100 đồng; 200 đồng; 500 đồng; 1.000 đồng và 5.000 đồng. Đặc điểm đồng nhất của bộ tiền đầu tiên do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành là đều có hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo sinh hoạt bình thường cho nhân dân, tiền Tài chính thu về qua việc bán hàng của Mậu dịch quốc doanh và thu thuế của các cơ quan Tài chính sẽ không đưa ra lưu thông nữa. Việc phát hành giấy bạc Ngân hàng được tiến hành thông qua việc thu mua nông, lâm, thổ sản của Mậu dịch quốc doanh, qua chỉ tiêu của các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước.

Việc thu đổi trực tiếp được tiến hành từ ngày 15/7/1951 khi Chính phủ công bố lệnh phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ. Đến tháng 12/1952 về cơ bản thu hồi xong tiền Tài chính lưu hành trong vùng tự do.

Kết thúc cuộc thu đổi, Ngân hàng Quốc gia đã thu hồi được trên 88% tổng số tiền Tài chính đã phát hành, số còn lại chủ yếu là loại giấy bạc lẻ từ 50 đồng trở xuống, được phép tiếp tục làm tiền lẻ, một số khác bị giặc đốt phá hoặc rách nát trong lưu thông.

Việc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành đồng tiền chính thức của chế độ Việt Nam Dân chủ Công hòa đã làm hoàn thiện thể chế tiền tệ, gắn việc phát hành tiền với sản xuất lưu thông hàng hóa. Nó có ý nghĩa chính trị sâu sắc, giữ vững niềm tin của nhân dân với Cách mạng.

Cơ chế mới về quản lý tiền tệ được xác lập. Đơn vị tiền tệ của Việt Nam là đồng Ngân hàng Việt Nam, là phương tiện lưu thông thanh toán hợp pháp của nước Việt Nam. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là cơ quan nhà nước quản lý phát hành và tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ. Cơ chế phát hành tiền chủ yếu thông qua hoạt động tín dụng, được quản lý tập trung theo kế hoạch. Đây là điều kiện cần thiết để củng cố và hoàn thiện nền tiền tệ dộc lập, tự chủ, tiến tới xây dựng hệ thống tiền tệ trong cả nước.

Hoài Phi

(Lược theo cuốn “Tiền Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 2011).

Các tin liên quan