06.05.2017 07:00

Thủ tướng Chính phủ: Quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 6,7%

Thủ tướng cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu tháng 4 có nhiều chuyển biến tốt, nhưng tổng hợp cả 4 tháng thì còn thấp, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề. Do đó, yêu cầu, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp. Do vậy, từng bộ, từng địa phương cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch. Đặc biệt, có đối sách, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân mọi nguồn vốn, lo tìm thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng phát triển thị trường mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Trong đó, ngành công thương, phải rà soát lại 31 mặt hàng, lưu ý các mặt hàng lớn như dầu khí, than… để tăng được sản lượng khai thác. Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng ít nhất 13%. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%. Xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch. Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý 12 dự án thua lỗ phải hoàn thành trong năm 2017-2018.

Ngành xây dựng phải tăng ít nhất 10%. Trong phát triển nói chung, phải tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh.

Về nông nghiệp, phải bảo đảm tăng trưởng trên 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay cần đạt ít nhất là 33 tỷ USD.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh việc đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi. Nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà băng).

Theo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Thống đốc NHNN nên bàn trực tiếp vấn đề hỗ trợ vốn cho nông nghiệp. Tiến hành tổng kết, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ tập trung ruộng đất ở Thái Bình, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp bảo đảm đúng pháp luật, quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp và người nông dân, tránh tranh chấp, bất ổn.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Bộ Công Thương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp, nhất là đối với nông sản.

Các cơ quan chức năng, các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM chú trọng phát triển và quản lý tốt thị trường trong nước, nhất là hệ thống siêu thị; kiểm soát hiệu quả các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam. Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm về bán hàng đa cấp.

Về phát triển doanh nghiệp, với doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi xảy ra chậm sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ; chuẩn bị cho Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 2.

Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành chức năng rà soát lại tình hình thu hút, thực hiện các dự án FDI, có biện pháp nâng cao chất lượng thu hút FDI, tránh tình trạng biến Việt Nam thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu.

Nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ chỉ tiêu kế hoạch đề ra là chỉ số giá tiêu dùng bình quân không quá 4%, cần lưu ý sức ép tăng giá còn rất lớn, từ tỷ giá, lãi suất đến giá dầu thô…

Các ngành chức năng cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao...). Tiếp tục nghiên cứu xử lý việc giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Tăng cường phối hợp, điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư; tập trung phát triển thị trường chứng khoán, tạo kênh huy động vốn trực tiếp cho nền kinh tế.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng làm tốt nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

NHNN

Các tin liên quan