Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017
Tại cuộc họp, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nhất trí cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017; lạm phát được kiểm soát, giá cả có xu hướng ổn định; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng phát huy hiệu quả;…
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, nổi lên là giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp; tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn cùng kỳ; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, chi phí sản xuất cao; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường;...
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và chỉ rõ, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Để cả năm đạt mức tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng trên 7,4%, đây là con số rất cao, là khó khăn, thách thức nhưng có cơ sở để đạt được, bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh, dư địa cho tăng trưởng còn nhiều, xu hướng quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi. Theo Thủ tướng, chúng ta không phấn đấu tăng trưởng đạt mức cao bằng mọi giá mà tăng trưởng cao phải gắn liền chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế; chủ động có phương án đối sách phù hợp, đặc biệt chú ý trọng tâm chỉ đạo điều hành 6 tháng cuối năm 2017 là phải quyết liệt vào cuộc; quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt…
Các thành viên Chính phủ, Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên cập nhật tình hình và chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm chất lượng; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, không để khoảng trống pháp lý, không để quy định chồng chéo, không hiệu quả, không khả thi và phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trên tinh thần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải thực sự chuyển động từ Trung ương tới cơ sở nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, giải quyết nhanh gọn các thủ tục, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền cho cấp dưới chịu trách nhiệm, nhất là trong thực hiện hoạt động đầu tư. Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn kìm hãm các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tăng cường đối thoại, lắng nghe, xử lý hiệu quả, hợp tình hợp lý các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật…
Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng giao nhiệm vụ: Khẩn trương trình ban hành và triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu 2016-2020. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, giải quyết những vấn đề bất cập, không thống nhất về pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp "sân sau” trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế…
12.11.2024