26.03.2018 14:28

Thêm niềm tin cho người gửi tiết kiệm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 04/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Một trong những điểm mới đáng lưu ý trong thông tư này là quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng. Chính vì thế, ngay sau khi ban hành, thông tư này đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, đặc biệt là thêm niềm tin cho những người có tiền nhàn rỗi đang gửi tiết kiệm trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-NHNN, thì Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn lâm vào một trong các trường hợp: Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong thời gian 3 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 6 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện. Phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng phải bao gồm một hoặc một số biện pháp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục, đối tượng giám sát ngân hàng báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước giải trình nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện.

Và trong trường hợp nếu xét thấy cần thiết: Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục. Và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm gửi Ngân hàng Nhà nước phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 1 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng không xây dựng được phương án khắc phục theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng hoặc hết thời hạn thực hiện phương án mà không khắc phục được, thì tùy theo tính chất, mức độ rủi ro: Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng thực hiện một hoặc một số biện pháp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn thực hiện phương án khắc phục bao gồm một hoặc một số biện pháp sau đây: Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành; Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, cắt giảm nhân sự; Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Sau khi đối tượng giám sát ngân hàng khắc phục được tình trạng không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trong thời gian 3 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 6 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hoặc khi đối tượng giám sát ngân hàng được đặt vào kiểm soát đặc biệt, thì: Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn.

Nói tóm lại, những quy định trong Thông tư số 04/2018/TT-NHNN là nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của của các tổ chức tín dụng. Và điều đó đồng nghĩa với việc tiền gửi tiết kiệm của nhân dân sẽ được bảo đảm.

Để xem thông tư  số 04/2018/TT-NHNN, click vào đây.

Theo Bình Phước Online

Các tin liên quan