11.01.2018 14:27

Tăng cường kỷ luật thị trường

Thống đốc NHNN nhấn mạnh quan điểm của NHNN là quyết liệt xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến quy định về sở hữu, tham gia góp vốn mua cổ phần; công khai, minh bạch hoạt động đầu tư NH, hạn chế phát sinh nợ xấu.

 

Đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động của các TCTD 

Chủ động ngăn ngừa rủi ro

Nhận thức tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX) là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là quá trình thường xuyên liên tục, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong giai đoạn trước, ngay từ đầu năm 2017, Thống đốc NHNN nhấn mạnh quan điểm của NHNN là quyết liệt xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến quy định về sở hữu, tham gia góp vốn mua cổ phần; công khai, minh bạch hoạt động đầu tư NH, hạn chế phát sinh nợ xấu.

Trên tinh thần này, NHNN đã sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX đến năm 2020, đồng thời báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm XLNX. Chưa dừng lại ở đó, với mong muốn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại và XLNX, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành NH là một trong những ngành tiên phong xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại gắn với XLNX.

“Nghị quyết 42 về thí điểm XLNX và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD là những nền tảng và động lực quan trọng giúp hệ thống NH đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với XLNX, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTMCP lành mạnh cải thiện chất lượng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống NH và đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chia sẻ thêm: Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu chính là thiếu hụt khung khổ pháp lý xử lý các TCTD yếu kém. Trong khi nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý TCTD yếu kém mà pháp luật chưa có quy định, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời. Sự thiếu hụt này đã gây khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình triển khai tái cơ cấu hệ thống TCTD. Ngoài mục tiêu lớn nhất tạo lập khung khổ pháp lý xử lý NH yếu kém, NHNN còn đặt mục tiêu xa hơn nữa là nâng cao chất lượng quản trị điều hành, tiếp tục hoàn thiện quy định xử lý TCTD yếu kém trong tương lai.

Điều này được thể hiện rõ khi Luật Các TCTD sửa đổi 2017 đã bổ sung trường hợp sẽ không được đảm nhiệm chức vụ (điểm h, Khoản 1, Điều 33) là các cá nhân phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, NH ở khung phạt tiền cao nhất đối với một số hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động NH, như hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng... Đây là quy định nghiêm khắc nhằm hạn chế, ngăn ngừa và cảnh báo đối với những người quản lý tại các TCTD trong quá trình quản trị điều hành thận trọng trước các quyết định…

 

Đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động của các TCTD 

Nâng cao khả năng cảnh báo sớm

Một văn bản quan trọng đã nhận diện đầy đủ, toàn diện rủi ro của hoạt động NH cũng đã đưa ra trong năm 2017, đó là Chỉ thị 07 của Thống đốc về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và NH, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động NH, góp phần ổn định tiền tệ tài chính. “Chỉ thị 07 đã chỉ ra những thiếu sót lâu nay mà NH đã gặp phải, đồng thời dự báo cho tương lai. Đây là văn bản cần thiết tăng cường minh bạch trong hoạt động hệ thống NH. Ngay cả các sai phạm cũng cần được minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân biết để phòng ngừa khi triển khai”, Tổng giám đốc BIDV ông Phan Đức Tú bày tỏ.

Đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2017, nhưng Thống đốc lưu ý, hệ thống NH đừng ngủ quên trên thành tích, mà đòi hỏi nỗ lực, cố gắng không ngừng và liên tục vì chúng ta còn những vấn đề tồn tại đặt ra trước mắt trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Quan tâm lớn nhất được lãnh đạo NHNN đề cập tới đó là công tác thanh tra giám sát. Hoạt động này đã được Thủ tướng đánh giá có nhiều cố gắng, kết hợp nhuần nhuyễn hơn giữa công tác giám sát, cảnh báo, và thanh tra tại chỗ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, một số cuộc thanh tra còn chưa chỉ rõ vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời… Trong thời gian tới, công tác giám sát phải được tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trong đó đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra giám sát NH. Đặc biệt, chú trọng nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn.

Đối với vấn đề này, Thống đốc NHNN lưu ý thêm, tuy ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của các TCTD từng bước được tăng cường, nhưng công tác quản trị điều hành ở một số TCTD vẫn chưa chấp hành tuyệt đối quy định của NHNN. “Vậy nên việc đầu tiên và xuyên suốt trong hoạt động của TCTD là chấp hành kỷ cương, kỷ luật, quy định của NHNN”, Thống đốc nhấn mạnh, trọng tâm công tác thanh tra, giám sát trong năm 2018 là tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động NH. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm đã được NHNN cảnh báo.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan