Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là loại hình tổ chức tín dụng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Ưu thế của các QTDND là đặt trụ sở chủ yếu tại khu vực nông thôn, đội ngũ nhân viên thường sống gần nơi cư trú và địa bàn kinh doanh của người vay vốn. Vì thế, các quỹ này hiểu khá rõ khả năng chi trả, uy tín của từng cá nhân đi vay, tiết kiệm được chi phí đi lại để khảo sát và thẩm định khi cho vay, từ đó, giảm tình trạng cho vay nặng lãi tại khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế mỗi địa phương. Tuy nhiên vẫn có không ít các Quỹ còn bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ nguồn vốn vay của QTDND phường Dữu Lâu, gia đình anh Bùi Mạnh Trung, khu 3, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì có điều kiện mở rộng cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng.
Toàn tỉnh hiện có 38 QTDND với gần 46.000 thành viên tham gia góp vốn hoạt động tại 58 xã, phường, thị trấn. QTDND đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Tính đến hết tháng 9, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND là gần 3.200 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 141 tỷ đồng; vốn huy động đạt gần 2.400 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng HTX 244,8 tỷ đồng; nguồn vốn khác 166 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt gần 2.800 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 1,4% tổng dư nợ.
Bên cạnh việc góp phần vào sự phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn thì hiện nay một số QTDND trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thẩm định, xét duyệt cho vay còn sơ sài, không đúng quy định nội bộ, cho vay khách hàng ngoài thành viên; hồ sơ giấy tờ chứng minh mục đích vay vốn chưa bảo đảm quy định; không thực hiện đúng quy định nội bộ về bảo đảm tiền vay, trong đó có việc không đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định... Ở một số quỹ, việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro sai một số khoản nợ; hạch toán không đúng tài khoản, không đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách chưa thực sự chặt chẽ. Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng nếu để nảy sinh vấn đề tại QTDND thì hậu quả để lại không thể lường trước được. Do vậy, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo quyết liệt các QTDND trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức QTDND giai đoạn 2017-2020” nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành của các QTDND. Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu nhấn mạnh đến việc củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ, kế toán.
Là một trong những đơn vị hoạt động khá hiệu quả, những năm qua, QTDND xã Hùng Lô đã không ngừng đổi mới để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, trong đó thay đổi rõ nét nhất là tăng vốn điều lệ của Quỹ. Trước năm 2010, Quỹ chỉ được cho vay tối đa 120 triệu đồng, với mức vốn vay này, người dân không mấy mặn mà, bởi cùng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm, mọi người sẽ chọn vay ở các ngân hàng thương mại để có số vốn vay cao hơn. Nhận thấy đây là điểm yếu, Ban Giám đốc Quỹ quyết định tăng vốn điều lệ từ 400 triệu đồng lên 800 triệu đồng. Theo đó, Quỹ được phép cho vay tối đa lên 300 triệu đồng. Thay đổi này giúp Quỹ thu hút nhiều khách hàng vay vốn hơn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, số thành viên tăng lên gần 2.000 thành viên, dư nợ tăng 4 tỷ đồng so với đầu năm.
Nếu như năm 2010 QTDND xã Bằng Luân chỉ có 100 thành viên và 300 triệu đồng vốn hoạt động với món vay cao nhất 50 triệu đồng và trụ sở chỉ là căn nhà cấp 4 cũ thì đến nay QTDND xã đã lên tới 948 thành viên với 65 tỷ đồng vốn hoạt động, món vay cao nhất lên tới 400 triệu đồng. Ðến hết tháng 9-2017, Quỹ có tổng dư nợ trên 70 tỷ đồng với 580 thành viên còn dư nợ, căn nhà cấp 4 được thay bằng một trụ sở kiên cố, khang trang hơn. Ông Trần Vương Ngọ - Giám đốc QTDND xã Bằng Luân cho biết: Những ngày đầu thành lập, Quỹ hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, trụ sở đi mượn, các thiết bị sơ sài, nhiều cán bộ kiêm nhiệm. Trước thực trạng đó, Hội đồng quản trị của Quỹ đã tích cực thay đổi các quy chế hoạt động từng bước tạo được niềm tin cho các thành viên.
Theo ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh, thời gian tới NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ định hướng việc kiện toàn, thành lập và giám sát hoạt động của Ban xử lý công nợ tại các QTDND có nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND; xử lý kiên quyết các vi phạm về chế độ tín dụng, an toàn kho quỹ kể cả xử lý về con người; thẩm định, khảo sát và xem xét chấp thuận mở rộng địa bàn hoạt động, mở phòng giao dịch đối với các QTDND đáp ứng đủ điều kiện. Tiếp tục cơ cấu lại nhân sự, kiên quyết không để tình trạng bố, mẹ, con cùng làm việc tại Quỹ; xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy trình nội bộ về tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật; thực hiện tốt việc xử lý, kiềm chế phát sinh mới nợ xấu; chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cho vay, thực hiện nghiêm túc các tỷ lệ bảo đảm an toàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất…
Tại hội nghị tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, đại diện lãnh đạo các QTDND đều cho rằng: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh nỗ lực của Ban giám đốc, Hội đồng quản trị, rất cần sự trợ giúp của các cấp, ngành về việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý, điều hành Quỹ; phổ biến chính sách, cơ chế hoạt động của QTDND; đồng thời có chính sách hỗ trợ để các quỹ có điều kiện tích lũy, bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn tín dụng, cân đối vốn, thanh khoản; nâng cao năng lực, chất lượng điều hòa vốn của hệ thống. Qua đó giúp hệ thống QTDND tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ KT - XH của địa phương.
Có thể thấy việc tái cơ cấu các QTDND trên địa bàn tỉnh đã đóng vai trò quan trọng thay đổi hình thức hoạt động của hệ thống QTDND, từng bước đưa hoạt động tín dụng tại các QTDND vững chắc hơn, đã trở thành một kênh cung ứng vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Phú Thọ
13.11.2024
30.10.2024