Quan điểm chủ đạo là không sử dụng ngân sách trực tiếp của Nhà nước vào hỗ trợ các TCTD yếu kém.
TCTD là một loại hình DN đặc thù hoạt động trên lĩnh vực tài chính tiền tệ
Tại phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều quan điểm thống nhất với báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh việc thống nhất cơ bản các điều khoản của dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung nêu những ý kiến chủ yếu về việc tái cơ cấu các TCTD và biện pháp đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Trước hết, cần phải nhìn việc sửa đổi Luật Các TCTD lần này trên nền tảng của Hiến pháp 2013 và các công việc mà chúng ta đã tiến hành tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII và 4 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV. Đối với kỳ họp khoá XIII, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Phá sản và Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, tại kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017, cùng với việc thảo luận việc sửa đổi Luật Các TCTD theo trình tự 2 kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD thông qua tài sản bảo đảm. Như vậy, nhiều vấn đề rất cấp thiết mà các đại biểu nêu đã lần lượt được thể hiện và tạo cơ sở pháp lý tại các luật khác. Đối với vấn đề cho phá sản các TCTD, Luật Phá sản đã dành hẳn 1 chương để quy định. Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng đã quy định khá chi tiết quyền lợi của người gửi tiền khi các TCTD bị phá sản và trách nhiệm của TCTD trong việc mua bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền gửi của cư dân.
Chúng ta đều khẳng định các TCTD là một loại hình DN đặc thù hoạt động trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, nên vừa phải đảm bảo thực hiện theo các quy định thống nhất đối với DN quy định tại Luật DN 2014 và có xét tới yếu tố đặc thù theo các quy định cụ thể tại Luật Các TCTD.
Trên cơ sở kinh nghiệm xử lý các TCTD từ năm 1990 đến nay, và đặc biệt là việc xử lý các TCTD yếu kém trong giai đoạn 2011-2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này đã cụ thể hoá trình tự và các biện pháp xử lý các TCTD và chia làm 5 bước. Đó là bước phục hồi; bước sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; bước giải thể; bước chuyển giao bắt buộc; và cuối cùng là phương án phá sản. Đây là một bước đột phá trong quá trình nhận thức các quy luật của nền kinh tế thị trường được vận dụng vào trong một lĩnh vực rất đặc thù là lĩnh vực ngân hàng.
Theo khái niệm đã được bổ sung vào điều 4 của dự thảo Luật và sửa đổi điều 147 đến điều 152, dự thảo luật đã có quy định rất cụ thể từng bước đi và đề xuất để xử lý. Điều 147 sửa đổi đã quy định cụ thể về trình tự đánh giá thực trạng các TCTD yếu kém và điều 147a đã bổ sung quy định về đề xuất và quyết định chủ trương xử lý đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Điều 148 về phương án tổ chức phục hồi các TCTD được kiểm soát đặc biệt được bổ sung thêm 4 điều, trong đó quy định cụ thể về nội dung, phương án phục hồi, các biện pháp thực hiện hỗ trợ và việc tổ chức thực hiện phục hồi. Tương tự như vậy đối với mỗi một hình thức xử lý các TCTD đã được bổ sung tại điều 4 của dự thảo Luật đều quy định chi tiết trình tự, nội dung, phương pháp thực hiện và các điều kiện để thực hiện giải pháp này.
Như vậy giải pháp phá sản NH thông thường là giải pháp cuối cùng, chỉ thực hiện sau khi không thực hiện được 4 bước đã nêu. Sở dĩ việc quy định phá sản các TCTD được đặt ra là giải pháp cuối cùng do dựa trên kinh nghiệm thực tế việc xử lý các quỹ tín dụng nhân dân bị phá sản trong thời gian vừa qua và đánh giá tác động lan toả của quyết định này đối với việc ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ.
Trên cơ sở quan điểm chủ đạo là không sử dụng ngân sách trực tiếp của Nhà nước vào hỗ trợ các TCTD yếu kém, đồng thời nêu cao trách nhiệm của các cổ đông, của cơ quan điều hành các TCTD trong việc thực thi nhiệm vụ quyền hạn của mình theo luật định.
Việc cụ thể hoá từng bước trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém trong luật lần này là một hồi chuông nhắc nhở các cổ đông cần phải thực hiện tốt vai trò của chủ sở hữu tại DN, thực hiện tốt quyền quản lý và giám sát của chủ sở hữu thông qua các hoạt động thường niên là đại hội cổ đông và việc nghiên cứu báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập công bố.
Trong trường hợp các cổ đông là chủ sở hữu còn có băn khoăn về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các TCTD thì có thể trích một phần lợi nhuận của mình để thuê các tổ chức tư vấn độc lập có đánh giá nhận xét về tình hình hoạt động, để từ đó làm căn cứ cho các cổ đông (các đồng chủ sở hữu của các NHTM cổ phần) thể hiện trách nhiệm của mình chất vấn đội ngũ lãnh đạo điều hành của các TCTD và nếu không thoả mãn thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước làm trọng tài kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông, tính tuân thủ pháp luật của các TCTD. Trong quá trình thực hiện, nếu trải qua cả 4 bước mà các TCTD vẫn không có khả năng phục hồi thì thực hiện đến bước thứ 5 là để các TCTD phá sản.
Như vậy bằng việc triển khai lần lượt hoặc đan xen các biện pháp phục hồi các TCTD đã nêu, sẽ góp phần chặn đà suy giảm của các TCTD, đồng thời huy động hệ thống các TCTD thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém, nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là những TCTD tham gia quá trình tái cơ cấu sẽ được hưởng lợi từ việc hỗ trợ tái cơ cấu của mình.
Năm 2012 chúng ta đã ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và xác định Bảo hiểm tiền gửi là một trong các cơ quan thực hiện nhiệm vụ giám sát từ xa đối với hệ thống các TCTD. Bảo hiểm tiền gửi có quyền được tiếp cận với thông tin tín dụng của các tổ chức nhận tiền gửi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền xác định phí bảo hiểm tiền gửi mà các TCTD phải nộp, đồng thời có trách nhiệm tham gia chi trả cho người gửi tiền cá nhân khi NH gặp sự cố rủi ro, phá sản. Tại thời điểm năm 2012, Luật bảo hiểm tiền gửi đã giao cho Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế để định ra mức chi trả bảo hiểm tiền gửi phù hợp.
Tại thời điểm ban hành luật, Chính phủ đã quyết định mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu đồng/cá nhân gửi tiền. Trải qua 5 năm thực hiện, căn cứ vào tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước và tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng lên mức chi trả là 75 triệu đồng, tăng 150% so với thời điểm luật mới có hiệu lực. Việc nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và các cơ quan tư vấn độc lập đã đảm bảo quyền lợi của hơn 80% người gửi tiền. Điều này phù hợp với quy mô của nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi của đa số những người gửi tiền có số tiền gửi nhỏ, ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về các TCTD.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là sau 5 năm hoạt động với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, chúng ta đã nâng tiền chi trả bảo hiểm tiền gửi lần đầu trong khi không tăng chi phí bảo hiểm của các TCTD, là một minh chứng cho việc điều hành vĩ mô chính sách tiền tệ của Chính phủ trong thời gian vừa qua bên cạnh những những thiếu sót khuyết điểm (nhận xét về Chính phủ) thì thành công là chủ yếu.
Với sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, thể hiện qua các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường đối với việc xử lý các “cục máu đông” như chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII đã đặt vấn đề, việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD theo tinh thần đã nêu ở trên về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của việc điều hành vĩ mô. Tất nhiên cần có sơ kết, tổng kết việc áp dụng Luật sửa đổi lần này cùng với việc thực hiện Nghị quyết 42, để khi nền kinh tế vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay sẽ tiến hành tiếp thu các kết quả tích cực để tiến hành sửa đổi đồng bộ cả Luật NHNN và Luật Các TCTD khi thời điểm thích hợp.
13.11.2024
30.10.2024