08.11.2010 00:00

Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tân – Thái Bình góp phần xây dựng nông thôn mới

Trung tuần tháng 10, anh Phạm Minh Châu - Giám đốc QTDND xã đưa chúng tôi đi thăm cơ sở hạ tầng nông thôn mới xã Thanh Tân (Kiến Xương). Kết quả các dự án phát triển kinh tế đã thấy rõ kết quả từ đồng vốn của quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Tân.
Điểm đến đầu tiên là cánh đồng thôn An Cơ Bắc. Dưới nắng heo may, cánh đồng trải rộng màu vàng lấp lóa của lúa chín. Những chiếc máy gặt đang chạy phăng phăng trên đồng. Các bà thợ gặt không phải cúi gập lưng cắt lúa mà ngồi thảnh thơi, nói cười râm ran, đợi máy mang tới đầu bờ những bao thóc, họ xếp lên xe chở về nhà. Anh Châu cho biết: Từ chiếc máy gặt đầu tiên do tỉnh tặng, nay Hợp tác xã DVNN và gia đình anh Đỗ Quang Ngọc đã mua thêm 2 chiếc nữa. Chỉ 8 - 10 phút, máy gặt xong một sào, tiền công 80 ngàn đồng. Trong khi công thợ gặt 100 ngàn, thuê máy tuốt 30 ngàn nữa. Làm phép tính đơn giản như vậy, bà con ai cũng thích gặt máy. Vấn đề là máy xuống đồng như thế nào? Kết quả cuộc cách mạng dồn điền, đổi thửa ở Thanh Tân từ hơn 3 mảnh ruộng/hộ, nay chỉ còn 1 mảnh/hộ. Mỗi hộ góp 18 m2 đất đắp đường ra đồng đủ rộng cho máy nông cụ di chuyển và đắp lại bờ vùng, bờ thửa, làm giao thông nội đồng. Đây là thành công lớn của xã. Giám đốc cho biết: Quỹ đầu tư 50% vốn mua máy gặt, máy cày để HTX  mở thêm 2 dịch vụ (làm đất và thu hoạch lúa) cho xã viên. Hiện chiếc máy gặt của gia đình anh Ngọc và 20/50 máy cày của xã đều được Quỹ cho vay vốn.
Thế mạnh của Thanh Tân là chăn nuôi. Toàn xã có 60-70 trang trại, gia trại lớn nhỏ, đa số sử dụng vốn của Quỹ để mở rộng sản xuất như anh Bùi Mạnh Hùng vay vốn chuyển đổi đất cấy lúa năng suất thấp sang làm chuồng trại nuôi 100 con lợn, vài trăm con gà. Anh Phạm Quang Hiệp duy trì đàn lợn 200 con. Anh Phạm Quang Kê đấu thầu, cải tạo hồ cá 4 mẫu, nuôi 70 con lợn; Chị Lê Thị Hải nuôi 150 con lợn... Những hộ này lúc thì họ tiêu tiền của Quỹ, khi cầm năm ba chục triệu tiền bán lứa gà, đàn lợn, họ lại cho Quỹ "vay" để quay vòng. Toàn xã có gần 1000 hộ là thành viên của Quỹ tín dụng. Cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao tầm quan trọng của tín dụng phục vụ đầu tư phát triển nên đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để Quỹ có trụ sở khang trang.
Tuy mới ra đời được hơn 3 năm, nhưng Quỹ tín dụng đã nhanh chóng trở thành đối tác của các cơ sở sản xuất TTCN, rót vốn để các tổ hợp duy trì việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện tổng dư nợ của Quỹ đạt trên 9 tỷ đồng. Vốn huy động tại địa phương đạt 8,7 tỷ đồng. Thành viên sử dụng vốn có hiệu quả, vay trả sòng phẳng, không có nợ quá hạn. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Doan, vừa kinh doanh điện tử, vừa tổ chức làm hàng mây xuất khẩu thu hút 200 lao động. Cơ sở sản xuất mặt ghế cói của chị Phạm Thị Phin, thu hút trên 100 lao động. Tổ may thêu của chị Trần Thị Tho có 20 công nhân; cơ sở chuyên may màn của anh Vũ Văn Lượng 15 lao động. Tuy nhiên, với tổng nguồn vốn  không đủ vốn đáp ứng. Nhiều hộ có con học CĐ, ĐH không thuộc diện hộ nghèo đủ điều kiện vay Ngân hàng CSXH, muốn vay vốn của Quỹ... Mặt khác theo quy định của NHNN Việt Nam, món vay không được vượt quá 15% vốn tự có nên các thành viên chỉ được vay mức dưới 80 triệu đồng. Để phục vụ thành viên, Quỹ đang vay vốn của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và QTDND Trung ương Chi nhánh Thái Bình, có thời điểm lên tới 1-2 tỷ đồng.
Thanh Tân xây dựng nông thôn mới, hiện tại và những năm tới vẫn là địa chỉ tiêu thụ vốn. Vì thế, để thu hút nguồn vốn tiết kiệm trong dân cư, hướng đi của Quỹ là được Ngân hàng Nhà nước tỉnh quan tâm cấp phép mở rộng địa bàn hoạt động sang xã khác và cho phép mở thêm những dịch vụ tiện ích của Ngân hàng như chuyển tiền, chi trả kiều hối, chi trả lương qua tài khoản...đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Bình

Các tin liên quan