Những năm qua, Quỹ tín dụng nhân dân xã Hồng Phong đã hỗ trợ vốn, giúp không ít nông dân địa phương vượt khó thoát nghèo. Với hình thức đầu tư mang tính tương trợ, không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương mà còn góp phần làm giảm nạn “tín dụng đen” vùng nông thôn.
Bà Trần Thị Phượng - Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong cho biết: Tiền thân của Quỹ là Hợp tác xã tín dụng được thành lập cùng với phong trào “ 3 ngọn cờ hồng” do Đảng khởi xướng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Những ngày đầu thành lập Quỹ hoạt động hết sức khó khăn: Trụ sở đi mượn, các thiết bị sơ sài, nhiều cán bộ kiêm nhiệm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử: năm 1989 là sự đổ bể của hàng loạt HTX tín dụng từ thành thị đến nông thôn. Giai đoạn1990 - 1994 không có cơ quan quản lý, lãi suất biến động phức tạp…song HTX tín dụng Hồng Phong vẫn tồn tại, đứng vững trong cơ chế thị trường cùng với 04 HTX tín dụng khác trong toàn tỉnh…Ðặc biệt những năm qua, tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, lãi suất tiếp tục biến động. Trong lúc khó khăn đó, Quỹ đã không những bảo đảm nguồn vốn cho thành viên mà còn huy động tiền gửi cao. Để có được kết quả đó, trước hết công tác quản trị điều hành của ban lãnh đạo Quỹ phải nền nếp, khoa học. Quỹ đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, người điều hành, quy chế cho vay, miễn giảm lãi tiền vay, thái độ phục vụ của cán bộ Quỹ...
Ðể thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, Quỹ tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các cuộc họp ở địa phương. Ngoài ra, Hội đồng quản trị đã vận dụng cơ chế lãi suất hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho người gửi, thường xuyên thăm hỏi gia đình thành viên khi ốm đau, hoạn nạn, tặng quà cho thành viên trong các dịp lễ tết. Ðặc biệt khi thành viên rút những món tiền lớn, cán bộ Quỹ đã đưa về tận nhà để bảo đảm an toàn. Cán bộ ngân quỹ luôn phát huy tính trung thực, thật thà, trả lại tiền thừa cho thành viên.
Công tác cho vay được chú trọng, Quỹ luôn bảo đảm thuận lợi cho thành viên, không gây phiền hà cho người vay tiền. Do đó số thành viên của Quỹ đã tăng nhanh, số tiền cho một món vay cũng ngày một lớn. Nếu như năm 2014 Quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong chỉ có 1.833 thành viên và 29 tỷ đồng vốn hoạt động thì đến nay đã lên tớitrên 2.100 thành viên với 61 tỷ đồng vốn hoạt động (tăng cao trong 2 năm là do Quỹ mở thêm chi nhánh xã Duy Nhất). Các chỉ tiêu về vốn điều lệ, huy động tiền gửi tiết kiệm…đều đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra. Ðến hết tháng 6-2016, Quỹ có tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng với 744 thành viên đạt dư nợ. Dư nợ cho vay tăng so với cùng kỳ năm trước hơn 11 tỷ đồng, tốc độ tăng 28%. Tổng dư nợ cho vay chiếm 78% tổng nguồn vốn toàn Quỹ.
Không chỉ giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, cạnh đó Quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong còn góp phần làm giảm nạn “ tín dụng đen” ở nông thôn hiện nay. Ông Phạm Văn Thư, thôn Tương Đông xã Hồng Phong cho biết: “Lâu nay, cái khó nhất của nông dân chính là vốn sản xuất. Nhiều người thiếu tiền phải vay nóng bên ngoài, có khi lãi suất lên đến 20 - 30%/ tháng. Dù làm ăn có thành công cũng chỉ đủ trả nợ. Nếu gặp rủi ro thì người vay có nguy cơ mất cả cơ nghiệp vì không có khả năng trả. Từ khi biết đến nguồn vốn vay từ Quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong, chúng tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi cùng với chế độ trả linh hoạt. Tôi được vay 150 triệu đồng và đầu tư nuôi cá lồng trên sông Hồng. Với giá bán khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg cá diêu hồng, ước tính mỗi lồng cá thu được khoảng 30 triệu đồng. Với mức lãi suất của Quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong như hiện nay, nông dân chúng tôi rất dễ dàng trả lãi và nợ gốc”.
Để có được sự phát triển như hôm nay, Quỹ tín dụng nhân dân Hồng Phong đã tạo được sự tin tưởng của nhân dân. Nhiều thành viên đã gắn bó trong suốt chặng đường phát triển của Quỹ. Dù đứng trước những khó khăn của nền kinh tế, Quỹ vẫn đủ nguồn vốn cho vay, bảo đảm an toàn và phát triển. Bên cạnh các chính sách ưu đãi trong việc huy động vốn và cho vay, Quỹ còn thu hút khách hàng bằng quy trình huy động vốn và giải ngân cho vay linh hoạt, nhanh gọn. Từ nguồn vốn của Quỹ đã giúp cho nhiều thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình, xây dựng Nông thôn mới, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Lê Trung
13.11.2024
30.10.2024