20.06.2018 09:50

Quỹ bảo toàn hệ thống: Gia cố neo an toàn cho hệ thống

Uy tín và vị thế của hệ thống QTDND vì thế ngày càng được nâng cao trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Hơn 4 năm kể từ khi Thông tư số 03/2014/TT-NHNN (Thông tư 03) của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn) có hiệu lực. Việc vận hành có hiệu quả hoạt động quỹ thêm một lần nữa khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống QTDND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự phát triển an toàn, bền vững của từng QTDND và của cả hệ thống qua việc cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Uy tín và vị thế của hệ thống QTDND vì thế ngày càng được nâng cao trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

 

Quang cảnh ký kết Quỹ bảo toàn cho vay hỗ trợ tài chính đối với QTDND Phú Lộc 

“Là một trong mười hai QTDND được thành lập đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phú cũ, với 13 năm đầu (1994-2006) luôn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chương trình tài chính vi mô của tỉnh. Nhưng 9 năm tiếp theo (2008-2016) QTDND xã Phú Lộc lại là quỹ duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tục hoạt động yếu kém”, Giám đốc QTDND xã Phú Lộc tỉnh Phú Thọ Nguyễn Duy Hưng kể lại.

Nguyên nhân chủ yếu do năng lực quản trị điều hành của HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát của nhiệm kỳ IV (2007-2011) còn bất cập, chỉ đạo hoạt động sai với mục tiêu tôn chỉ, buông lỏng quản lý, vi phạm điều lệ, Luật HTX, Luật Các TCTD, các quy định của NHNN, để xảy ra rủi ro đạo đức, cán bộ bỏ trốn gây thất thoát vốn. Uy tín của quỹ suy giảm, người dân đến rút tiền, nợ xấu có thời điểm tăng cao tới 28,05%/tổng dư nợ.

Chính vì vậy việc thay đổi hoàn toàn bộ máy điều hành HĐQT, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, cùng với việc xây dựng đề án cơ cấu lại QTDND xã Phú Lộc giai đoạn 2008 – 2015, đặc biệt là sự hỗ trợ thanh khoản kịp thời đã giúp QTD Phú Lộc không mất khả năng thanh khoản, dần lấy lại uy tín trong dân.

Ngân hàng Hợp tác cũng giảm toàn bộ lãi suất tiền vay cho quỹ, thậm chí cơ cấu lại thời hạn trả nợ cả nợ tiền lãi và nợ tiền gốc, duy trì hạn mức cho vay mở rộng tín dụng tối đa là 13,55 tỷ đồng, hỗ trợ quỹ có nguồn vốn để cho vay thành viên nhằm tăng trưởng và mở rộng thành viên, phục hồi dần hoạt động.

Không những vậy, QTDND Phú Lộc còn được Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Phú Thọ tư vấn, hỗ trợ quỹ trình xin vay và đã được Quỹ bảo toàn hệ thống chấp thuận cho vay hỗ trợ khó khăn về tài chính 1 tỷ đồng với lãi suất 3%/năm, thời gian vay là 5 năm, điều này đã giúp quỹ giảm khó khăn về vốn và tài chính. Đây cũng là một trong những trợ lực quan trọng giúp quỹ mở rộng hoạt động, gia tăng niềm tin từ dân và thành viên. Để rồi sau 9 năm lỗ lũy kế, năm 2017 QTDND xã Phú Lộc đã thực sự có lãi, lợi nhuận đạt 336 triệu đồng, nợ xấu về mức 3,3%/năm.

Thực chứng từ QTDND Phú Lộc và nhiều QTDND đã được hưởng thụ nguồn vốn vay từ Quỹ bảo toàn càng thấm câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hoạt động của Quỹ bảo toàn thấm đẫm tính liên kết trong hệ thống, khi các QTDND cùng Ngân hàng Hợp tác tạo lập một thiết chế tài chính nhằm hỗ trợ các QTDND khi hoạt động gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã, Giám đốc Ban quản lý Quỹ bảo toàn Nguyễn Đức Dũng cho biết, hơn 4 năm từ khi Thông tư 03 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về Quỹ bảo toàn có hiệu lực, đến nay, hoạt động của Quỹ đã phát triển và ổn định. Bộ máy tổ chức của ban quản lý và bộ phận giúp việc đã được kiện toàn đi vào nề nếp đảm bảo cho Quỹ bảo toàn vận hành đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự phát triển an toàn, bền vững của từng QTDND và của hệ thống.

Phần lớn các QTDND đều nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Quỹ bảo toàn trong hoạt động của hệ thống, đây cũng chính là lý do đa phần các quỹ nghiêm túc chấp hành nộp phí bảo toàn theo quy định. Đến cuối tháng 3/2018, tổng số phí bảo toàn mà các QTDND và Ngân hàng Hợp tác đã nộp từ năm 2014 là 189,5 tỷ đồng. Trong đó, phí các QTDND nộp là 159,4 tỷ đồng.

Dù không phải là đối tượng thụ hưởng từ hoạt động của Quỹ, song Ngân hàng Hợp tác – với vai trò là ngân hàng của hệ thống QTDND – đã tích cực trích nộp Quỹ bảo toàn với số tiền là 30,1 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn bộ chi phí cho nhân viên mà một số chi phí vận hành hoạt động của Quỹ bảo toàn cho đến thời điểm này, vẫn được Ngân hàng Hợp tác hỗ trợ.

Đối tượng thụ hưởng Quỹ bảo toàn chính là các QTDND. Theo đó, riêng năm 2017, Quỹ bảo toàn đã cho vay hỗ trợ khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả cho 6 QTDND với số tiền 26,4 tỷ đồng. 4 năm vận hành Quỹ bảo toàn đã cho vay 19 quỹ với tổng số tiền 70,2 tỷ đồng. Toàn bộ số dư nợ trên đều được cho vay lãi suất thấp với thời hạn từ 2-5 năm đã góp phần hỗ trợ các QTDND đạt được những kết quả nhất định trong quá trình khắc phục khó khăn, dần dần dành lại được lòng tin của thành viên và nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Dũng khẳng định, việc cho vay từ Quỹ bảo toàn luôn đảm bảo tính khách quan, vì trong 11 thành viên Ban quản lý của Quỹ bảo toàn có 7 thành viên là thành viên HĐQT và Ban kiểm soát không chuyên trách của Ngân hàng Hợp tác. Hay nói rõ hơn, họ chính là các thành viên đến từ các QTDND.

Siết chặt thêm mối liên kết hệ thống cũng như trợ lực các QTDND và Ngân hàng Hợp tác trong quản lý điều hành và tác nghiệp, Ban quản lý Quỹ đã phối hợp với Ngân hàng Hợp tác, Hiệp hội QTDND tổ chức hội thảo chuyên đề về nâng cao và gắn chặt hơn nữa tính liên kết hệ thống, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động; đồng thời tổ chức khảo sát mô hình, kinh nghiệm QTDND tại Thái Lan cho một số cán bộ QTDND, Ngân hàng Hợp tác, Hiệp hội QTDND.

Cũng trong tháng 1/2018, Ngân hàng Hợp tác đã hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ bảo toàn cho 15 QTDND tỉnh thành phố, mỗi QTDND một máy tính để ghi nhận những QTDND còn khó khăn trong hoạt động, nhưng tích cực tham gia các hoạt động liên kết vì hệ thống và thực hiện tham gia vào Quỹ bảo toàn đầy đủ đúng hạn.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo toàn cũng như giảm áp lực chi phí đối với các QTDND, giữa năm 2017, NHNN đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 03, bằng Thông tư 06/2017/TT-NHNN. Theo đó mức phí trích nộp (Quỹ bảo toàn) hàng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của Ngân hàng Hợp tác, QTDND. Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của NHNN Việt Nam) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế.

Riêng đối với Ngân hàng Hợp tác xã, số dư nợ cho vay tại thời điểm cuối mỗi tháng được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các QTDND thành viên. Cũng theo Thông tư 06, việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống QTDND.

Việc điều chỉnh cơ số từ 1,5 lần thành 1,5% cũng như điều chỉnh mẫu số “tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác xã” so với “tổng tài sản có của hệ thống QTDND” là phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế đối với mức phí tham gia Quỹ bảo toàn.

Đặc biệt, đầu năm 2018 với việc Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 01/2018/TT-NHNN, đối tượng thụ hưởng vốn vay từ Quỹ bảo toàn thêm mở. Theo đó bổ sung quy định Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với QTDND từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống khi QTDND có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với QTDND từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Chính sách này đang đi vào cuộc sống với việc ngoài dư nợ cho vay đối với 19 QTDND, Ngân hàng Hợp tác đang tiếp cận một số QTDND gặp khó khăn trong hoạt đông, xin ý kiến NHNN tỉnh, thành phố về định hướng chủ đạo, phương án củng cố chấn chỉnh và đánh giá khả năng khắc phục trở lại, hoạt động hình thường của QTDND. Từ đó sẽ triển khai cho vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn giúp các quỹ có điều kiện khắc phục khó khăn, trở lại hoạt động bình thường. 

Theo Coopbank

Các tin liên quan