Được thành lập từ năm 1993, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác với mục tiêu nhằm góp phần đa dạng hoá loại hình tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn nông thôn, tạo lập một mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ vì lợi ích của thành viên Quỹ tín dụng nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn…Đây thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn.
Với hơn 1000 QTDND cơ sở và 1 hệ thống QTDND Trung ương với hơn 25 chi nhánh hoạt động tại 53 tỉnh, thành, thu hút gần 1 triệu thành viên tham gia là những hộ sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ..., ngày nay, hệ thống QTDND đã thực sự trở thành một định chế tài chính quan trọng trong “gia đình” các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Hệ thống QTDND đã khẳng định là mô hình hoạt động có hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt phù hợp với đặc điểm nông nghiệp nông thôn Việt Nam và dần khẳng định vị thế của mình trong cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Cũng như các loại hình tổ chức tín dụng khác, QTDND là tổ chức kinh doanh tiền tệ tín dụng tiểm ẩn nhiều rủi ro và thường chịu sự tác động bất lợi của những diễn biến kinh tế phức tạp trong và nước. Tuy nhiên, QTDND gặp nhiều khó khăn hơn các loại hình tổ chức tín dụng khác trên địa bàn bởi những đặc thù của mình. Do chủ yếu ở khu vực nông thôn nên quy mô hoạt động của QTDND nhỏ, huy động vốn tương đối khó khăn; mục tiêu hoạt động chủ yếu tương hỗ giữa các thành viên và không vì mục tiêu lợi nhuận nên tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng tự bảo vệ của Quỹ nhìn chung còn yếu; các khoản cho vay chủ yếu phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn nên chứa đựng nhiều rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng. Mặc dù hoạt động độc lập, song các QTDND thường giống nhau về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, thậm chí có thể giống nhau về tên gọi, biểu tượng trong khi khác nhau về địa bàn hoạt động. Vì vậy, khi một Quỹ gặp khó khăn thì khả năng lây lan sang các Quỹ khác trong hệ thống rất cao, nếu không có định chế bảo an hoặc có giải pháp xử lý kịp thời thì rất dễ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Cuộc đổ vỡ hàng loạt QTDND vào những năm 1990 là bài học không thể quên đối với các QTDND do thiếu khả năng “miễn dịch” trước khủng hoảng.
Chính vì vậy, cần phải có một định chế đảm bảo an toàn cho hoạt động của QTDND trên cơ sở phát huy mối liên kết hỗ trợ trong hệ thống vì sự phát triển an toàn và bền vững của từng Quỹ cũng như của cả hệ thống QTDND. Học tập kinh nghiệm từ Cộng hòa liên bang Đức và Canada, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo việc thành lập thí điểm Quỹ an toàn hệ thống QTDND đầu tiên tại Thái Bình vào năm 2004. Sau hai năm thí điểm, NHNN đã tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của Quỹ này và cho phép thành lập thí điểm thêm 2 Quỹ mới tại An Giang và Hưng Yên.
Qua thời gian hoạt động, Quỹ an toàn hệ thống QTDND tại 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và An Giang đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình với tư cách là định chế hỗ trợ cho các QTDND trên địa bàn. Với nguồn vốn hoạt động gần 6,2 tỷ đồng, Quỹ an toàn hệ thống đã hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn tài chính có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết tương trợ trong hệ thống góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, duy trì sự phát triển an toàn và bền vững của từng Quỹ cũng như toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ, phá sản dây chuyền. Các Quỹ đã có điều kiện mở rộng tín dụng, tăng quy mô hoạt động, cải thiện chất lượng hoạt động nghiệp vụ, giảm nợ xấu. Vốn vay hỗ trợ từ Quỹ an toàn đều được các Quỹ sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.
Tại Thái Bình, nơi thí điểm đầu tiên của mô hình Quỹ an toàn, sau hơn 5 năm triển khai, Quỹ an toàn đã hỗ trợ khả năng chi trả đối với 24 lượt Quỹ tín dụng với doanh số cho vay khoảng 4 tỷ đồng, giúp cho các tổ chức này khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động. Quỹ an toàn tại Hưng Yên đã hỗ trợ cho 16 Quỹ tín dụng khắc phục khó khăn tạm thời về tài chính với tổng số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Với An Giang, do quy mô các Quỹ tín dụng tại đây khá lớn và chưa cần sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ an toàn song sự có mặt của Quỹ an toàn trên địa bàn đã góp phần tạo tâm lý tin cậy cho các Quỹ tín dụng thành viên trong quá trình hoạt động, thúc đẩy sự phát triển của từng Quỹ cũng như của toàn hệ thống.
Từ thực tế hoạt động của Quỹ an toàn tại 3 tỉnh trên cho thấy, Quỹ an toàn đã tạo được mối liên kết hệ thống giúp cho các Quỹ thành viên vượt qua khó khăn về mặt tài chính, giúp cho các Quỹ trở lại hoạt động bình thường, tạo sự tin cậy và tín nhiệm đối với nhân dân và thành viên, giúp cho các Quỹ thành viên yên tâm hơn trong quá trình hoạt động. Việc ra đời và phát huy vai trò của các Quỹ an toàn trong quá trình hoạt động cũng khẳng định vai trò của NHNN trong việc tạo điều kiện, định hướng và hỗ trợ hoạt động cho các QTDND. Ngoài sự hỗ trợ của NHNN, Quỹ an toàn cũng nhận được sự hỗ trợ của QTDND Trung ương về tài chính, về nhân sự, về kỹ thuật và sự giám sát thường xuyên trong suốt quá trình hoạt động. Sự hỗ trợ và tạo điều kiện, chỉ đạo sát sao của NHNN và QTDND Trung ương, sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tiền đề vững chắc cho sự hình thành và phát triển của Quỹ an toàn tại 3 tỉnh thí điểm cũng như sự hoạt động của Quỹ tín dụng cơ sở trên địa bàn trong thời gian qua.
Có thể khẳng định việc thành lập Quỹ an toàn là việc làm cần thiết và nên triển khai trên phạm vi toàn quốc, đây sẽ là định chế có vai trò tích cực trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển hệ thống QTDND trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu thực tế và đặc thù hoạt động, cần thiết phải tạo một cơ chế hoạt động thuận lợi cho Quỹ an toàn hệ thống về cơ chế hỗ trợ mức vốn hoạt động ban đầu, mức phí đóng góp của Quỹ tín dụng thành viên, về cơ chế thanh tra, giám sát, … Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của mỗi Quỹ tín dụng thành viên, của từng Quỹ an toàn hệ thống và sự phối hợp, chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý chức năng.