04.05.2009 00:00

Quỹ Tín dụng nhân dân Hưng Nhân khởi nghiệp làm giàu cùng thành viên

Cùng cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Hưng Nhân, chúng tôi có dịp đi thăm các cơ sở, hộ sản xuất đang sử dụng vốn tín dụng để phát triển kinh tế gia đình. Tới đâu, chúng tôi cũng thấy sự miệt mài, năng động của các thành viên, cách tính toán sử dụng đồng vốn của họ chi ly, cụ thể để đồng vốn sinh sôi, nảy nở, hoàn trả nhanh lãi và gốc vay ngân hàng. Hiệu quả sử dụng vốn đã và đang hàng ngày đem lại sự đổi thay, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy tích cực cơ cấu kinh tế địa phương
Thị trấn Hưng Nhân có thế mạnh về phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, phong phú. 12/16 làng đã được công nhận là làng nghề. Nghề dệt chiếu thủ công nơi đây có từ lâu đời, nay 700- 800 khung dệt đang hoạt động, nhưng năng suất bắt đầu có sự vượt trội từ khi Quỹ tín dụng cho thành viên vay mua gần chục chiếc máy dệt chiếu của Trung Quốc. Tiêu biểu như gia đình ông Hà Văn Quyên có 3 con đi làm, đi học xa, vợ chồng ông không cam chịu mức thu nhập từ vài sào ruộng, đã đầu tư 160 triệu mua máy dệt chiếu và nguyên liệu cói, trong đó ông vay Quỹ tín dụng 40 triệu. Mỗi ngày cơ sở sản xuất 40 lá chiếu, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động các khâu chọn nguyên liệu, dệt, tết ghim biên chiếu. Nghề dệt khăn mặt du nhập về Hưng Nhân từ những năm 1960, thăng trầm, hưng thịnh nhiều năm qua, nhưng hiện tại toàn xã có 110 hộ với 210 máy dệt, chủ yếu tập trung tại thôn Tiền Phong, nòng cốt là hợp tác xã dệt Tiền Phong. Năm 2008, làng nghề Tiền Phong được Bộ Công Thương tặng bằng khen về thành tích xuất khẩu gần 40 triệu sản phẩm sang thị trường EU, Hàn Quốc, Đài Loan, đạt doanh số 10,5 tỷ đồng. Ông Vũ Đình Cống- Bí thư chi bộ của làng nghề dừng tay dệt tiếp chuyện chúng tôi. Ông cho biết: “Tổng vốn quỹ tín dụng cho chúng tôi vay mua máy dệt, mua sợi trên 1 tỷ đồng, đáp ứng 1/2 nhu cầu. Nếu làng nghề có đủ vốn quay 3 vòng thì chắc chắn doanh thu tiền tỷ/tháng trong tầm tay”. Ông Cống hỏi chúng tôi- câu hỏi cũng đang là băn khoăn, là nguyện vọng của hàng chục ngàn nông dân trong tỉnh đang vay vốn quỹ tín dụng: Vì sao, bao giờ người nông dân vay vốn của Quỹ tín dụng được Chính phủ ưu đãi hỗ trợ 4% lãi suất như vay của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn? Với 25 triệu đồng một dàn máy dệt đời mới có thể dệt chữ nổi trên mặt khăn, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm khăn Hưng Nhân - điều đó chi bộ đảng, chính quyền của làng nghề đang có ý tưởng vươn tới, song không phải hộ gia đình nào cũng thực hiện được ước mong nâng cấp máy dệt, tạo ra sản phẩm xuất khẩu tốt hơn nữa. Một trong những nguyên nhân là vì  nhiều hộ chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vốn vay.
Đồng chí chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Quỹ cho chúng tôi biết: Đến 31/3/2009, Quỹ có 600 thành viên, dư nợ tổng số gần 11 tỷ đồng. Trong đó Quỹ cho vay phát triển nghề, làng nghề trên 3 tỷ, chiếm 30% dư nợ, cho vay trồng trọt, chăn nuôi 2,5 triệu, còn lại là cho vay kinh doanh dịch vụ và đời sống. Đặc biệt, đầu tư vào lĩnh vực ngành nghề khá an toàn hiệu quả. Thị trường tín dụng của Hưng Nhân đang có nhiều tiềm năng khả quan. Địa phương đã quy hoạch điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để thu hút các đơn vị vào đầu tư, tạo việc làm cho lao động. Doanh nghiệp gạch Tuynel Quang Lân đi đầu, nay sản xuất ổn định, sản phẩm làm ra bán rất chạy. Một trong những doanh nghiệp có quan hệ tín dụng gắn bó lâu năm với Quỹ là Công ty TNHH Trọng Tín chuyên khai thác chế biến gỗ. Trong bước đi ban đầu có nguồn vốn của Quỹ, nay doanh nghiệp phát triển tốt, lại gửi tiền vào Quỹ cho dân vay. Chúng tôi không có điều kiện đi thăm hết 50- 60 thành viên của Quỹ vay vốn chăn nuôi theo mô hình gia trại, chuyển đổi đất cấy lúa năng suất thấp sang nuôi cá, nuôi vịt, gà, lợn. Nhưng qua mô hình của ông Bùi Minh Sử, thôn Vân Đông, chúng tôi nhận thấy; hộ chăn nuôi nếu không có vốn vay của quỹ tín dụng và ngân hàng thì họ thật sự rất khó khăn, nhất là những lúc giá thức ăn chăn nuôi tăng hàng ngày, trong khi lợn tới kỳ xuất chuồng lại không tiêu thụ được. Có vốn vay thì họ có thể kéo dài hơn đợi thời điểm được giá. Ông Bùi Minh Sử nuôi gần 200 đầu lợn, 1000 con gà, riêng chi phí thức ăn cũng hết 2,5 triệu đồng/ngày. Năm 2008, ông vay của quỹ tín dụng trên 100 triệu xây lán trại đã trả hết. Hiện ông còn vay 40 triệu đồng. Quý I/2009 ông bán 1 lứa lợn 20 tấn, thu về 50 triệu đồng. Những hộ gia đình chăn nuôi như ông Sử là khách hàng sòng phẳng, có uy tín với quỹ, khi cần vốn được quỹ đáp ứng kịp thời giải ngân ngay trong ngày.
Uy tín của Quỹ TDND Hưng Nhân ngày càng lan rộng, thu hút 1.240 thành viên trong xã tham gia góp vốn. Để chủ động nguồn đáp ứng nhu cầu thành viên, Quỹ đã nâng mức vốn điều lệ lên trên 600 triệu đồng, có thể cho vay khế ước cao nhất trên 90 triệu đồng, nâng mức vay bình quân từ 5 triệu những năm đầu thành lập lên gần 18 triệu đồng/khế ước. Công tác huy động vốn luôn được coi là mục tiêu số 1. Hiện số dư huy động vốn đạt trên 14 tỷ đồng, còn thừa gửi Quỹ Trung ương trên 3 tỷ đồng.
Theo UBNN Tỉnh Thái Bình

Các tin liên quan