QTDND Tân Hội Đông: " Bông lúa vàng" của ngành tín dụng
Hơn 14 năm hoạt động không có nợ xấu, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, QTDND Tân Hội Đông (Châu Thành) đã vinh dự được Hiệp hội QTDND Việt Nam trao tặng danh hiệu "Bông lúa vàng" năm 2007, 2009 và là Quỹ tín dụng tiêu biểu của cả nước.
Mô hình ấp trứng của anh Đinh Văn Hơn
QTDND Tân Hội Đông có qui mô không lớn, với tổng nguồn vốn hoạt động năm 2010 khoảng 21 tỷ đồng và có 1.507 thành viên, nhưng có vai trò to lớn đối với người dân trong và ngoài xã. Thông qua nguồn vốn của Quỹ tín dụng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có qui mô lớn, đóng góp tích cực cho địa phương. Anh Đinh Văn Hơn, ấp 4, xã Tân Hòa Thành (Tân Phước) từ nguồn vốn vay của Quỹ tín dụng đã dần mở rộng cơ sở làm ăn. Anh Hơn cho biết, từ lò ấp trứng vịt ban đầu với số lượng ít, anh đã đầu tư tăng lên 10 lò ấp trứng, với công suất hàng chục ngàn trứng mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi trên 1.000 con vịt đẻ trứng. "Cứ 5 ngày tôi bán khoảng 2.000 con vịt giống, cung cấp cho các tỉnh trong khu vực, cả miền Đông Nam bộ và dự định mở thêm lò ấp trứng vịt nữa, vì nhu cầu con giống hiện tại còn rất lớn", anh Hơn kể. Theo tính toán của anh Hơn, mỗi năm anh có thể thu lãi gần 200 triệu đồng từ mô hình khép kín của gia đình. Anh Đinh Văn Hơn đã được Quỹ tín dụng hỗ trợ vốn vay 2 lần, lần gần nhất lên đến 200 triệu đồng để anh đầu tư thêm lò ấp trứng và xây dựng thêm cơ sở. Mô hình nuôi ba ba của chị Lý Thị Mầu, ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành (Tân Phước) cũng chuẩn bị thu hoạch. Chị Mầu cho biết, từ nguồn vốn 40 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ tín dụng, chị đã thả nuôi 6.000 con ba ba. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa lứa ba ba đầu tiên sẽ được thu hoạch, với giá bán hiện tại khoảng 250.000 đồng/kg. Còn theo ông Võ Ngọc Hưng, ấp Tân Quới, từ nguồn vốn vay của Quỹ tín dụng, gia đình ông đã đầu tư chuồng trại nuôi cá sấu. Hiện tại, trại chăn nuôi của ông lên đến 800 con và có hơn 1/2 chuẩn bị thu hoạch. "Hiện tại giá bán cá sấu khoảng 150.000 đồng/kg. Nếu bán hết lứa này, năm 2010 tôi có thể thu lãi từ 300-400 triệu đồng. Gia đình đang dự định mở thêm trang trại để nuôi với qui mô lớn hơn", ông Võ Ngọc Hưng cho biết. Nhiều mô hình mua máy sấy, máy gặt đập liên hợp, đại lý vật tư nông nghiệp,... cũng được sự hỗ trợ vốn của Quỹ tín dụng và đang phát huy hiệu quả.
Mô hình nuôi cá sấu của ông Võ Ngọc Hưng
Ông Phạm Vạn An, Giám đốc QTDND Tân Hội Đông thông tin: tổng nguồn vốn hiện tại của Quỹ tín dụng là 21,8 tỷ đồng, vốn huy động là 12,6 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 17,5 tỷ đồng. Quỹ tín dụng đã và đang đầu tư ở 5 xã: Tân Hòa Thành, Phú Mỹ (Tân Phước), Tân Hương, Tân Lý Tây, Tân Hội Đông (Châu Thành) với nhiều loại hình, nhưng cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm từ 70-80% tổng dư nợ. Mỗi hộ có thể vay đến 240 triệu đồng, tùy vào từng mô hình sản xuất cụ thể, với lãi suất vay nông nghiệp là 1,43%/tháng và vay thỏa thuận là 1,6%/tháng (thời gian vay từ 1-2 năm). "Do chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong huy động vốn và cho vay với các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng vẫn mạnh dạn huy động vốn và cho vay thành viên. Quỹ tín dụng rất coi trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra và quản lý nợ nên chất lượng tín dụng trong thời gian qua rất tốt, không có nợ quá hạn, nếu có chỉ là tạm thời", ông Phạm Vạn An cho biết. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, từ khi có QTDND Tân Hội Đông, người dân lao động tránh được tình trạng đi vay nặng lãi bên ngoài và tạo điều kiện thu hút thêm lao động trong những ngày nhàn rỗi ở nông thôn. Ngoài hoạt động chuyên môn, Quỹ tín dụng còn chú ý nâng cao thu nhập cho người lao động. Nếu như năm 2005 thu nhập bình quân là 1,9 triệu đồng/người/tháng, thì đến năm 2009 đã tăng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ những kết quả đạt được hàng năm, QTDND Tân Hội Đông luôn được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang đánh giá là Quỹ tín dụng tốt nhất trong 14 Quỹ tín dụng đang hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh và là Quỹ tín dụng tiêu biểu của cả nước. Để đạt được danh hiệu "Bông lúa vàng", QTDND Tân Hội Đông phải đạt được nhiều tiêu chí khắt khe: Các chỉ tiêu tăng trưởng như tổng tài sản, doanh số cho vay, kết quả kinh doanh, nguồn vốn huy động, tổng dư nợ,... tăng trên 20% so với năm trước; được NHNN xếp loại chất lượng loại 1. Theo ông Phạm Vạn An, Nhà nước sẽ mở cửa thị trường tài chính cho tổ chức nước ngoài tham gia trong tương lai không xa, nên tạo áp lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế rất cao trong lĩnh vực ngân hàng. Điều đó đang "nóng" lên từng ngày và ngày càng khốc liệt. Vì vậy, sự chuẩn bị của các tổ chức tín dụng sẽ bắt đầu trên các góc độ: công nghệ, sản phẩm, mạng lưới, điểm giao dịch nhằm chiếm lĩnh thị trường, nếu không chuẩn bị sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Chính vì vậy, Quỹ tín dụng phải nâng cao năng lực vốn tự có hiện tại; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ; biết chú trọng đến vai trò thành viên vì đây là nền tảng xây dựng nên quỹ tín dụng vững mạnh.