09.01.2015 12:51

QTDND Phúc Thành: Sức mạnh từ trong lòng dân

Phong cách phục vụ thành viên của Quỹ gần như một cửa. Thủ tục nhanh gọn và sự chân tình của các cán bộ Quỹ đã xoá nhoà rào cản lãi suất cho vay của Quỹ dù có “nhỉnh” hơn một chút so với mức của NHTM. Dòng vốn tín dụng đã giúp các hộ dân sản xuất quy mô nhỏ có khả năng tiếp cận vốn phát triển kinh tế.

Giám đốc QTDND Phúc Thành, Mai Văn Tân quá thấm thía vì đã trải nghiệm giá trị đặc thù của một mô hình QTDND. Lợi thế sống trong lòng dân và tạo lập giá trị bằng niềm tin đã giúp Quỹ vượt qua những khó khăn trắc trở khi địa bàn xã bị thu hẹp để rồi phải phân tách. Nhưng sau gần 20 năm hoạt động, Quỹ đã trở lại vị thế thực sự là một điểm tựa phát triển kinh tế cho cộng đồng trên địa bàn phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình.



Cán bộ QTDND nắm vững nhu cầu vay vốn của thành viên để phục vụ

Thành lập từ tháng 12/1995, đến năm 2004, QTDND Phúc Thành được chia tách ra từ QTDND xã Ninh Thành. “Thời điểm đó cực kỳ khó khăn”, ông Tân nhớ lại. Nguồn lực bị phân tán, trụ sở phải đi thuê, thành viên cũng phải chia sẻ theo địa bàn. Rồi việc phân tách vốn chủ sở hữu, tiền gửi khiến Quỹ gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Ngày đầu chia tách, Quỹ phải vay 400 triệu đồng của Quỹ Đông Thành để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ lại, khiến nhiều khoản vay cũ trở thành vượt quy định, hạn mức cho vay mới bé lại, khó khăn chồng chất khó khăn...

Song những thử thách đó không làm Ban lãnh đạo Quỹ và nhân viên nản chí mà họ càng thêm quyết tâm phấn đấu để có thể tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh địa bàn thu hẹp, công việc tuyên truyền được anh em đặt lên hàng đầu. Thời điểm đó, cũng may là có một khách hàng vừa bán đất được hơn 600 triệu đồng và họ mang đến gửi Quỹ không chỉ góp phần giải quyết thiếu hụt vốn, thậm chí là dư thừa.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, anh em của cán bộ trong Quỹ, nhân dân trên địa bàn với sự trợ giúp và ủng hộ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ chỉ đạo kịp thời của NHNN và trợ lực nguồn vốn từ NHHT đảm bảo thanh toán, trong những buổi đầu ra ở riêng, khó khăn từng bước được đẩy lùi. Quỹ đã dần dần lấy lại lượng khách hàng và mở rộng thành viên trên địa bàn.

Một khó khăn khác cho Quỹ là việc thu hẹp địa bàn hoạt động khiến nhiều thành viên bắt Quỹ phải thanh toán để xin ra khỏi thành viên, thậm chí họ rủ nhau rút vốn mang sang ngân hàng khác gửi… “Mãi đến thời gian vừa rồi, qua các kênh tuyên truyền rồi lãnh đạo chính quyền đoàn thể bên phường Nam Thành tạo điều kiện giới thiệu, tuyên truyền mới lấy lại một số khách hàng ngày xưa”, ông Tân tâm sự.

Niềm tin đã trở lại, nhưng trong bối cảnh từ xã lên phường với sự đổ bộ của các NHTM về các quận huyện, lợi thế cạnh tranh của Quỹ không chỉ trông chờ vào việc quen thông thổ địa bàn, dân cư mà Quỹ quyết tâm tạo đột phá từ chất lượng dịch vụ, thái độ giao dịch đến việc tiết giảm thời gian phê duyệt hồ sơ ngắn nhất để các thành viên không bị lỡ cơ hội kinh doanh…

“Về hoạt động cho vay, quan trọng số một là sự nhiệt tình của nhân viên Quỹ”, ông Tân nói. Ví như, nếu có một thành viên đến đặt nhu cầu vay vốn, thì cán bộ Quỹ phải chuẩn bị số liệu, trợ giúp thành viên xây dựng dự án, hợp đồng sau đó mới đi thẩm định. Ở đây, việc nhân viên đi làm ngày nghỉ không phải là hiện tượng lạ bởi với nhiều gia đình chỉ có vào những ngày đó thì chồng, con người ta mới về ký xác nhận vào hồ sơ vay vốn.

“Có gia đình, chồng họ tối mới về thì mình cũng động viên anh em xuống giúp người ta để ngày mai họ không mất công sức lên Quỹ chỉ để ký hồ sơ nhưng lại có thể mất một ngày công lao động, hay lỡ công lỡ việc”, ông Tân kể.

Đặc biệt, phong cách phục vụ thành viên của Quỹ gần như một cửa, thay vì phải chạy chỗ này, đến chỗ kia hoàn thiện hồ sơ vay vốn, thành viên chỉ phải đến Quỹ. Còn việc đi xác nhận với phường, đi công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo, xóa đăng ký giao dịch đảm bảo, nhân viên của Quỹ sẽ đi làm hộ.

Kinh phí của các giao dịch đó là bao nhiêu, cán bộ sẽ giải thích luôn cho thành viên, sau đó có thể thành viên ứng tiền, hoặc cán bộ Quỹ ứng trước, đến khi thành viên làm thủ tục nhận nợ thì tập hợp các phiếu thu lại, thanh toán với thành viên. Như vậy, hầu như khách hàng không có những mặc cảm với Quỹ tín dụng của mình, thậm chí, chính họ là những tuyên truyền viên giới thiệu thêm cho Quỹ những thành viên mới.

Dù trên một địa bàn phường với kinh tế thị trường đang thấm dần vào từng ngõ xóm, trong Quỹ vẫn tạo được tính gắn kết bền vững với thành viên, bởi 3/5 diện tích phường vẫn là những thôn xóm ngày xưa và những xóm mới cũng hầu hết là anh em trong xóm cũ. Ngay với các nhân viên Quỹ, họ không chỉ tạo mối liên kết Quỹ với anh em trong gia đình mà ngay trong mỗi phố, chòm xóm, họ cũng tích cực tham gia sinh hoạt ở chi bộ, phố xóm tạo nên sự gắn kết thêm với một lượng khách hàng.

Đặc biệt, sự thấu hiểu về mô hình QTDND cũng như sự tin tưởng QTDND Phúc Thành nói riêng của chính quyền địa phương là cơ sở để chính họ góp sức giúp Quỹ tuyên truyền. “Còn khi họ đã lên đến đây rồi thì duy trì được hay không đó là do mình. Mình phục vụ tốt, đem lại lợi ích tốt, tạo sự thân tình thì người ta sẽ gắn bó lâu dài hơn”, ông Tân nói.

Thủ tục nhanh gọn và sự chân tình của các cán bộ Quỹ đã xoá nhoà rào cản lãi suất cho vay của Quỹ dù có “nhỉnh” hơn một chút so với mức của NHTM. Quan trọng hơn, dòng vốn tín dụng đã giúp các hộ dân sản xuất quy mô nhỏ có khả năng tiếp cận vốn phát triển kinh tế.

Tính đến thời điểm này, Quỹ đã có 1.000 thành viên trong tổng số gần 2.000 hộ trên địa bàn với tổng nguồn vốn huy động đạt 77,4 tỷ đồng, dư nợ 54,5 tỷ đồng. Đặc biệt, do làm tốt khâu thẩm định dự án nên từ khi thành lập đến nay Quỹ không có nợ xấu. Các thành viên vay vốn đều trả gốc và lãi đầy đủ.

Tạo sức bền và phát triển bằng niềm tin, Ban lãnh đạo cũng như nhân viên QTDND Phúc Thành đang từng ngày củng cố đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp xây dựng thương hiệu Quỹ phát triển bền vững làm tốt hơn vai trò của một bà đỡ kinh tế hộ và kinh tế tập thể.
Nhất Thanh/TBNH

Các tin liên quan