Đẩy mạnh vốn về nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Mỹ Phước (TP Long Xuyên, An Giang), được đề ra xuyên suốt từ khi thành lập đến nay. Với mục tiêu này, hoạt động của quỹ đã góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng trong phát triển tam nông, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế nông thôn theo hướng tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.
Đưa vốn về nông thôn
Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, năm 1995, sẵn có nghiệp vụ ngân hàng, chị Nguyễn Thị Thu Dung đứng ra thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Mỹ Phước với vai trò là Giám đốc điều hành.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ đạt gần 500 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay các thành viên 400 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh riêng có ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, QTDND Mỹ Phước đã phát triển hơn 12 nghìn thành viên là các cá nhân và hộ gia đình. Nếu bình quân mỗi hộ có bốn đến năm nhân khẩu thì số lượng người dân được thụ hưởng vốn đầu tư thực tế rất lớn. Con số ấn tượng này thể hiện sự dân chủ, bình đẳng, tương trợ cộng đồng là nét đặc trưng của QTDND, bởi phần lớn những đối tượng này ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, nguồn vốn từ ngân hàng.
Những kết quả mà QTDND Mỹ Phước đem lại cho người dân ở các vùng nông thôn rất cụ thể, sinh động. Hằng năm, Quỹ nộp ngân sách nhà nước từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Bá Thuận, thành viên vay vốn ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới tâm sự: "Gắn bó với QTDND Mỹ Phước hơn năm năm nay, tôi rất hài lòng với cách phục vụ của Quỹ là luôn tạo điều kiện thuận lợi trong cho vay và trả nợ. Những khi người dân thiếu vốn để mua thêm lợn giống, mua thuốc trừ sâu, phân bón để sản xuất lúa... QTDND Mỹ Phước thẩm định ngay hồ sơ, nếu đúng thì sẵn sàng cho vay".
Nâng cao chất lượng tín dụng
Giám đốc Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, song song với chiến lược huy động nguồn vốn tiết kiệm từ các thành phần kinh tế trong tỉnh, hoạt động cho vay, chính sách tín dụng chặt chẽ, thận trọng đã giúp QTDND Mỹ Phước kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng tín dụng và khả năng thanh khoản nhưng vẫn bảo đảm cung cấp nguồn tín dụng có chất lượng và kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành viên.
QTDND Mỹ Phước đặc biệt chú trọng các yếu tố pháp lý của hồ sơ cho vay, tài sản bảo đảm tiền vay và khả năng thanh toán nợ của từng khoản vay... Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với tất cả các khoản vay. Tăng cường công tác quản lý, giám sát tín dụng, giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ tín dụng. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được QTDND Mỹ Phước coi là vấn đề then chốt cho mọi hoạt động. Ban kiểm soát luôn tuân thủ việc kiểm tra kiểm soát theo đúng quy trình để bảo đảm Quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, QTDND Mỹ Phước thường xuyên tiến hành phân tích nợ xấu, xác định rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra biện pháp thu hồi, đồng thời quy trách nhiệm cá nhân có liên quan theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện phân tích tài chính hàng quý, từ đó đề ra những biện pháp nhằm tăng thu, giảm chi, cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động.
Với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng như tạo điều kiện để bà con nông dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, QTDND Mỹ Phước đã tích cực triển khai nhiều chương trình tư vấn, truyền thông nhằm định hướng cho bà con nông dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có thói quen vay-trả đúng kỳ hạn. Nguồn vốn vay từ QTDND Mỹ Phước đã được bà con nông dân sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả rõ nét, qua đó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Vốn vay hầu hết được thành viên trả nợ đúng hạn, nợ xấu ở mức thấp. Tín dụng tam nông của QTDND Mỹ Phước đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh An Giang, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Thực tế, với đóng góp quan trọng của QTDND Mỹ Phước nói riêng và các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn, sản xuất nông, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn An Giang đã có sự phát triển tích cực trên cơ sở chú trọng khai thác và phát huy các lợi thế sinh thái nông nghiệp.