Trước thắc mắc của phóng viên vì sao ông lại bỏ làm chủ thầu khi thời điểm ấy đó là một nghề hái ra tiền, ông Tám phân trần, lúc đó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng gặp tôi và bảo, làm ngân hàng cái vinh thì rất lớn, nhưng cái nhược là rất nguy hiểm. Đổ vỡ thì đời con mình cũng vẫn tai tiếng. Vì vậy, đã quyết tâm làm thì phải làm đến nơi đến chốn.
Ông Tám về nghĩ mãi, làm thầu xây dựng thì tiền nhiều cũng thích đấy, nhưng cái vinh mà Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng nói là sẽ giúp được nhiều người dân quê ông vươn lên trong làm ăn kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương... Cuối cùng, ông Tám quyết tâm bỏ hẳn thầu xây dựng chuyên tâm vào hoạt động QTDND để mong có ngày đạt được cái vinh ấy.
Đã chuyên tâm là thế, nhưng huy động và cho vay tại chỗ ngày đó khó khăn vì “cái dớp” từ các quỹ tín dụng đổ vỡ hàng loạt trước đó khiến niềm tin của người dân với hoạt động quỹ rất thấp. “Mình nghĩ mãi rồi bàn cùng các anh lãnh đạo xã mượn cái uy của chính quyền vực lại niềm tin của nhân dân”, ông Tám nhớ lại.
Giám đốc QTDND xã Lưu Kiếm - ông Nguyễn Văn Tám
Cuộc họp được tổ chức với giấy mời của chủ tịch xã triệu tập từ xóm trưởng đến trưởng thôn cùng một thông điệp được chủ tịch xã đưa ra: Đây là một cuộc họp triển khai công việc rất lớn của QTDND, đã xây dựng quỹ thì nay phải quyết tâm củng cố lại.
Cùng với sự trợ lực của NHNN và chính quyền cũng như QTDND Trung ương khi đó, Ban chỉ đạo củng cố, chấn chỉnh QTDND được thành lập với 5 thành viên, trong đó mỗi thành viên được phân công riêng một mảng công việc phụ trách và theo dõi. Cơ cấu bộ máy được quy chuẩn tránh chồng chéo kiêm nhiệm.
Năng lực quản lý được đẩy mạnh với mục tiêu ban đầu là mở rộng tín dụng trên địa bàn có sự hỗ trợ vốn tích cực từ QTDND Trung ương chi nhánh Hải Phòng (nay là Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hải Phòng), quỹ đã dần khơi tạo lại niềm tin của nhân dân. Hoạt động của quỹ vì thế cũng bớt khó khăn.
Khẳng định vị thế
Vị thế gần dân và sát dân được HĐQT quỹ quán triệt tới từng thành viên để từ đó tìm ra những giải pháp huy động vốn tối ưu nhất. “Không biết ở các nơi khác như thế nào, nhưng ở đây nhà nào có tiền tôi biết, nhà nào sắp bán lợn là tôi biết ngay”, ông Tám kể chuyện ngày ấy. Ông đến từng nhà vận động: Ông bà vừa bán lợn chắc chắn chưa tiêu, cứ gửi vào đây đã. “Ở nông thôn phải như thế, đến giờ mình không phải vào nhà động viên bán lợn như trước mà người dân tự nguyện tích cực mang tiền gửi vào quỹ”, ông cười.
Tạo dựng niềm tin với các thành viên, QTDND Lưu Kiếm huy động tốt để cho vay phát triển kinh tế địa phương
7 năm lặn lội từ khi thành lập cuối cùng quỹ cũng có kinh phí và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thuê đất làm trụ sở chấm dứt cảnh đi thuê, đi mượn nhà dân, bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Thấu hiểu giá trị của niềm tin đối với các thành viên và sự tham gia của họ có ý nghĩa sống còn với hoạt động quỹ, trong suốt những năm sau đó, không lúc nào HĐQT quên nhiệm vụ gia tăng niềm tin và thành viên bằng những giá trị kiến tạo mới trong hoạt động dịch vụ của mình. Đây cũng là sức hút để nhân dân tin tưởng và đặt niềm tin vào quỹ để gửi gắm nguồn tiền, từ đó hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, chung tay cùng địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Sau hơn 17 năm hoạt động, từ khi chuyển đổi đến nay, QTDND xã Lưu Kiếm có vốn điều lệ gần 2,2 tỷ đồng và 1.800 thành viên, nguồn vốn hoạt động là 48,54 tỷ đồng, dư nợ hơn 40 tỷ đồng. Do vậy, quỹ có thể đáp ứng các gói vay lớn cho các thành viên có nhu cầu vay. Không chỉ tập trung vào việc tìm kiếm thành viên, công tác chăm sóc thành viên luôn được quỹ chú trọng như góp ý và tư vấn cho bà con cách lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của từng hộ để họ tránh được những rủi ro, thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất.
Với các thành viên có nhu cầu vay vốn hay sử dụng dịch vụ, cán bộ QTDND xã Lưu Kiếm thường xuyên hướng dẫn và hỗ trợ tận tình để khách hàng, thành viên hoàn thành thủ tục vay, trả vốn một cách nhanh gọn. Ông Nguyễn Văn Tám cho biết, địa bàn của xã phức tạp, nhưng biết tận dụng có thể tạo ra những ngành nghề lĩnh vực có thu nhập khá. Như ở đây có tiểu thủ công nghiệp, trang trại gia cầm, thủy sản, làng nghề mây tre của hợp tác xã nông nghiệp, trồng lúa, đồi rừng thấp phù hợp với trồng hoa quả, nuôi ong…
Việc nhìn nhận đúng tiềm năng của mỗi ngành nghề cũng như nhu cầu của các thành viên cùng việc thấu hiểu họ giúp QTDND có thể cho vay vốn với thủ tục đơn giản hơn. Dòng vốn của quỹ vì thế không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình đã phát triển sản xuất mà còn góp phần kiến tạo nên những hợp tác xã, phát triển kinh tế hộ tạo việc làm cho lao động địa phương.
Vươn tới mục tiêu xa hơn đến năm 2020, QTDND xã Lưu Kiếm đạt mục tiêu có 2.300 thành viên với nguồn vốn hoạt động 50 tỷ đồng, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, huy động tiền gửi 38 tỷ đồng, dư nợ cho vay 42 tỷ đồng… Nhiều chỉ tiêu như huy động, cho vay nay đã rất gần nhưng điều mà ông Tám cùng các thành viên HĐQT quỹ và cán bộ nhân viên mong muốn hơn cả là một chỗ dựa vững chắc cho các thành viên, như chính họ đã giúp quỹ có chỗ dựa vững chắc để vươn lên trong những ngày đầu gian khó. Đó là cái vinh mà ông Tám đã chắt chiu và đang vun đắp cho một mô hình QTDND.