26.08.2009 13:43

QTDND An Thạnh (Bình Dương): Khẳng định uy tín trong hoạt động tín dụng

QTDND An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương, địa bàn hoạt động gồm thị trấn An Thạnh và 4 xã lân cận.  Từ ngày hoạt động đến nay, QTDND An Thạnh không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, vốn huy động và cho vay luôn tăng trưởng, đặc biệt là đã tạo được niềm tin trong các thành viên và nhân dân địa phương về mô hình HTX kiểu mới.

Năm 2008 là năm vô cùng khó khăn đối với các tổ chức tín dụng. Khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng cao khiến Nhà nước phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, các tổ chức, cá nhân hạn chế tiêu dùng... Thêm vào đó là những diễn biến bất lợi của thời tiết khiến sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Tình hình trên đã tác động mạnh tới hoạt động của QTDND An Thạnh.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTDND An Thạnh, tâm sự: "Trong thời điểm khó khăn khi lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao, QTDND An Thạnh cũng không ngừng điều chỉnh lãi suất. Khi đó chúng tôi đã nghĩ rằng năm 2008 khó có thể đạt được các chỉ tiêu mà đại hội xã viên đầu năm đã đề ra, lợi nhuận sẽ bị sụt giảm và như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của cán bộ, xã viên mà còn ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của quỹ trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, ngành và toàn thể thành viên nên Quỹ đã vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức kế hoạch". Kết quả hoạt động kinh doanh của QTDND An Thạnh năm 2008 vẫn rất khả quan.

Những năm qua, lợi nhuận sau thuế của QTDND An Thạnh liên tục tăng: Năm 2005 đạt 1,273 tỷ đồng, năm 2006 đạt 1,39 tỷ đồng, năm 2007 đạt 2,366 tỷ đồng, năm 2008 đạt 2,484 tỷ đồng. Chị Nga cho biết, hiện nay, QTDND An Thạnh luôn có mức dư nợ 20 tỷ đồng và nguồn vốn huy động luôn tăng trưởng.

Đến cuối tháng 5/2009, tổng nguồn vốn của Quỹ là 115 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 100 tỷ đồng, cho vay 80 tỷ đồng. Quỹ đã phát triển được 6.243 thành viên.

Tại sao trên địa bàn có sự cạnh tranh rất lớn từ các ngân hàng thương mại cổ phần có thương hiệu như ACB, Sacombank… mà QTDND An Thạnh vẫn không hề bị giảm nguồn vốn huy động? Chị Nga cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú đa dạng của khách hàng đến với QTDND An Thạnh, công tác huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư luôn được quỹ quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hàng năm, để khích lệ khách hàng gửi tiền, Quỹ in lịch tặng và chọn khách hàng có số dư từ 100 triệu đồng trở lên tặng quà trị giá từ 100 ngàn đến 500 ngàn đồng mỗi người.

 Đi đôi với công tác huy động là sử dụng vốn, QTDND An Thạnh xác định đây là sự tồn tại và phát triển của đơn vị, nên thường xuyên bám sát những hướng dẫn, quy định của NHNN, Quỹ cải tiến thủ tục cho vay, mở rộng các loại hình cho vay đa dạng và phong phú. Nhờ vậy mà dư nợ năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ nợ quá hạn đều thấp hơn mức cho phép. Ngoài ra, Quỹ còn đứng vai trò tiên phong nghiên cứu và thực hiện mô hình cho vay tín chấp các đoàn thể chính trị, xã hội, tạo mọi điều kiện giúp vốn cho hội viên, thu hút hội viên vào tổ chức của mình. Theo chị Nga, hàng năm Quỹ thành lập bình quân 110 tổ tín chấp, mỗi tổ trung bình từ 10-20 thành viên, số tiền cho vay mỗi người từ 10 triệu đồng trở xuống.

Ngắm ngôi nhà khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung tại 182 ấp Thạnh Phú, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương, chúng tôi không thể tin được cách đây 5 năm gia đình chị là một hộ nghèo. Vì nghèo, gia đình chị đã đến QTDND An Thạnh vay 20 triệu đồng để chăn nuôi heo, sau này tăng cường nuôi thêm gà, vịt. Nhờ có chí làm ăn, đến nay, hộ của chị Dung đã có một trang trại chăn nuôi  hơn 1000 con heo.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Gấm tại số 81/1 khu phố Thạnh lợi, thị trấn An Thạnh vay tiền để hoạt động nghề chạm trổ. QTDND An Thạnh cho gia đình chị vay 200 triệu đồng, từ đó gia đình đã có thể xuất khẩu hàng hóa và giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động.

Nhờ làm ăn có hiệu quả, hiện nay các hộ gia đình đều được tăng mức tiền vay. Điều đặc biệt là, những hộ vay sau khi có tiền nhàn rỗi lại gửi vào quỹ. Họ cho rằng, đó cũng là cách tương trợ những người khác có cơ hội làm ăn vươn lên như mình. Có thể nói, đây là suy nghĩ rất nhân văn. Vì hoạt động của QTDND An Thạnh ở ngay khu vực chợ, nên có nhiều hộ vay đóng trả góp theo ngày, theo tháng, quỹ đều có cách giải quyết phù hợp, nhờ vậy mà tình hình cho vay nặng lãi ở đây hầu như không có "đất sống".

Với những gì đã làm được trong những năm qua, tin chắc rằng TDND An Thạnh sẽ có những bước tiến mạnh và vững chắc!
Theo Báo Kinh tế Hợp tác

Các tin liên quan