07.01.2019 08:20

Phú Thọ: Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các QTDND

Ngày 6/1/2019, tại TP. Việt Trì, NHNN chi nhánh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

 

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Phú Thọ phát biểu tại hội nghị 

Theo báo cáo tại hội nghị, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 39 QTDND hoạt động tại 69 xã, phường, thị trấn trong 11 huyện, thị, thành phố. Năm 2018 các QTDND tiếp tục được NHNN chi nhánh quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, thể hiện qua nhiều mặt.

Ngay từ đầu năm 2018, NHNN tỉnh đã chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, định hướng tốt công tác đại hội năm 2018, trong đó: 4 QTD Đại hội nhiệm kỳ, 34 QTD Đại hội thường niên; chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị sắp xếp, bố trí, chuẩn y nhân sự theo qui định của NHNN: Thay đổi, bổ sung Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với 4 QTD; thay đổi, bổ sung Trưởng ban và Thành viên ban kiểm soát đối với 6 QTD.

Bên cạnh đó, NHNN Phú Thọ đã hướng dẫn QTDND nâng cao vai trò quản trị hoạt động thông qua xây dựng các báo cáo, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch; sửa đổi, bổ sung kịp thời quy chế, quy định và các nội dung khác thuộc thẩm quyền trình Đại hội thành viên theo quy định của NHNN. Do đó, chất lượng và nội dung tổ chức đại hội đã được nâng lên rõ rệt; nhìn chung các QTD đã thực hiện tốt công tác rà soát quy trình, quy chế, trình Đại hội sửa đổi, bổ sung phù hợp với qui định của pháp luật và tình hình thực tế hoạt động của QTDND. Sau đại hội, HĐQT các đơn vị đã triển khai nghị quyết đại hội thành viên gắn với diễn biến tình hình kinh tế xã hội của địa phương và định hướng của NHNN tỉnh.

Các văn bản mới trong năm về hoạt động của QTDND đều được NHNN tỉnh triển khai kịp thời thông qua hòm thư điện tử. Cùng với đó là các văn bản chỉ đạo về: kiện toàn nhân sự tổ chức sau đại hội thành viên; rà soát sửa đổi các quy định nội bộ; lãi suất; tiếp tục xử lý nợ xấu…

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động, năm 2018 NHNN tỉnh tiếp tục chuyển mạnh từ thanh tra định kỳ sang thanh tra trên cơ sở có dấu hiệu rủi ro; hoạt động thanh tra tại chỗ ngày càng được dựa trên nền tảng kết quả giám sát phân tích hoạt động QTD. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, gắn kết quản lý thông tin hệ thống, thường xuyên cảnh báo rủi ro trong hoạt động của các QTDND. Thực hiện quy định mới về thông tin báo cáo, thống kê, hệ thống tài khoản kế toán. Bố trí sắp xếp cán bộ chuyên quản phù hợp.

Trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 41.885 thành viên tham gia góp vốn (bình quân 1.074 thành viên/quỹ); so với cuối năm 2017 giảm 2.093 thành viên, tỷ lệ giảm là 4,76%, nguyên nhân: do các QTDND thực hiện rà soát và cho ra khỏi thành viên QTD đối với những thành viên không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư 04 của NHNN Việt Nam trên cơ sở đã tuyên truyền, phổ biến đầy đủ và sự tự nguyện của thành viên.

Tổng nguồn vốn hoạt động đến hết năm 2018 là 3.863 tỷ đồng (bình quân 99 tỷ đồng/quỹ), so với cuối năm 2017 tăng 500 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 14,85%.

Năm 2019, nhiệm vụ xuyên suốt được NHNN Phú Thọ đặt ra là tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn giai đoạn 2017 -2020, trong đó kiềm chế, kiểm soát phát sinh đi đôi với quyết liệt xử lý nợ xấu, lãi đọng.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của NHNN Phú Thọ đối với hoạt động QTDND trên địa bàn với vai trò giám sát và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động các QTDND và cả hệ thống các TCTD trên địa bàn. Trọng tâm là đạt mục tiêu đảm bảo về chất lượng, an toàn, hiệu quả; không chạy theo quy mô, số lượng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Trường Giang – Giám đốc NHNN Phú Thọ cho biết, năm 2019, NHNN Phú Thọ sẽ bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Nhà nước, của Ngành và tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng nói chung, hoạt động QTDND nói riêng; Chỉ đạo sâu sát, triển khai quyết liệt, triệt để, hiệu quả gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; Định hướng việc kiện toàn, thành lập và giám sát hoạt động của các Ban xử lý công nợ tại các QTD có nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND; xử lý kiên quyết các vi phạm về chế độ tín dụng, an toàn kho quỹ; Tăng cường phối hợp với Cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện để quản lý hoạt động QTDND trên địa bàn...

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan