Nhìn từ góc độ lạm phát, nền kinh tế đi qua 6 tháng đầu năm một cách khá yên ả. Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2019, với các nhân tố đến từ cả bên trong và bên ngoài.
Lưu ý lạm phát hình sin
Dù có nhiều yếu tố bất lợi cả trong nước (tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu…) và ngoài nước (giá hàng hóa, giá dầu, giá vàng… biến động mạnh) nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, với CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 3,29% của cùng kỳ năm 2018 và cũng là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Việc CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,23% so với tháng trước trong 6 tháng vừa qua phần nào cho chúng ta cảm giác yên tâm là “con ngựa lạm phát” sẽ không “bất kham” trong năm nay, nhất là đặt trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu cũng đang dịu lại.
Tuy nhiên, việc giá điện tăng “khủng” trong khi lạm phát lại tăng thấp nhất trong 3 năm là một điều gây ấn tượng với nhiều chuyên gia kinh tế, dù có rất nhiều lý do và cơ sở được đưa ra để lý giải cho điều này. Các chuyên gia cho rằng, các tác động có độ trễ, ngấm dần và các tác động vòng hai của lần tăng giá điện vào tháng 3 vừa qua sẽ tiếp tục trong quý III và quý IV.
“Tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu… vẫn chưa phải ngấm hoàn toàn và khả năng còn ảnh hưởng tiếp trong các tháng còn lại của năm”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng thất thường và khắc nghiệt hơn trong năm nay có thể làm cho giá cả của một số mặt hàng tăng giá, đặc biệt liên quan đến nông sản khiến giá nhóm hàng lương thực tăng trở lại và giá thịt lợn có thể tăng sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát (do thiếu nguồn cung) trong những tháng cuối năm.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát nửa cuối năm nay sẽ diễn biến theo chiều hướng tăng lên và lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm trước. Lý giải cho nhận định này, ông Phong dẫn quy luật của lạm phát thường theo đồ thị hình sin, tức là lạm phát thường cao nhất vào dịp Tết, sau đó có xu hướng giảm đến cuối quý III và tăng trở lại từ đầu quý IV.
“Bên cạnh đó, tổng đầu tư tăng lên, giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng lên trong nửa cuối năm, chưa kể các yếu tố có thể tác động đến lạm phát kỳ vọng như tăng lương, tăng giá học phí, viện phí và giá các dịch vụ công khác theo lộ trình. Những yếu tố đó sẽ cộng hưởng làm cho lạm phát cuối năm sẽ tăng lên”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Chủ động để giảm thiểu
Về các yếu tố bên ngoài, một số yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh có thể ảnh hưởng tới lạm phát bao gồm: Diễn biến giá dầu, giá vàng, tỷ giá… trên thế giới khó lường (như giá dầu dự báo tăng 5-8% trong năm 2019); Các NHTW trên thế giới cũng đang có xu hướng ngày càng hành động quyết liệt hơn trong nới lỏng tiền tệ.
Thực tế, tại phiên điều trần ngày 10-11/7 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã củng cố niềm tin Fed chắc chắn sẽ giảm lãi suất và có thể bắt đầu ngay trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, trong đó 30% tin rằng Fed có khả năng cắt giảm tới 0,5%.
Không chỉ Fed phát đi tín hiệu nới lỏng mà nhiều NHTW lớn khác như NHTW Nhật Bản, NHTW Anh, NHTW châu Âu cũng đều đưa ra đánh tiếng về khả năng cắt giảm lãi suất. Một số NHTW khác thực tế đã giảm lãi suất như Úc, Ấn Độ, Nga, Chi-lê… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Lạm phát 6 tháng đầu năm ổn định ở mức thấp. Nhưng nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng các ảnh hưởng sẽ lan tỏa dần, như tác động tiếp tục của tăng giá điện đến sản xuất và tiêu dùng, có thể sẽ đẩy lạm phát tăng dần và quý IV có thể lạm phát vượt mức 4%”. Cụ thể dự báo về 2 quý còn lại của năm nay, VEPR nhận định lạm phát sẽ ở mức 3,38% trong quý III và 4,12% cho quý IV.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cảnh báo, nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách, khả năng CPI bình quân chạm ngưỡng 4% có thể xảy ra. Ngược lại nếu khéo kiểm soát, CPI bình quân năm 2019 sẽ trong tầm kiểm soát, chỉ tăng trong khoảng 3,5-3,8%.
“Từ nay đến hết năm 2019, lạm phát vẫn chịu nhiều áp lực tăng. Do đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách điều hành quản lý giá và chính sách tiền tệ, giãn lộ trình tăng giá các dịch vụ do nhà nước quản lý một cách hợp lý, không tăng giá dồn dập một thời điểm; phối hợp trung hòa các lượng tiền trong nền kinh tế (gồm cả tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn...) nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị.
Như vậy, các chuyên gia hầu hết đều cùng chung nhận định, lạm phát nửa cuối năm 2019 đang đứng trước áp lực gia tăng, đòi hỏi sự điều hành chủ động, linh hoạt, đặc biệt trong phối hợp chính sách và lộ trình tăng giá các mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý. Hơn nữa, công tác điều hành, phối hợp kiểm soát lạm phát không chỉ nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn mà cần hướng tới tạo dư địa và gối đệm phù hợp để sẵn sàng đối phó và hóa giải trước các bất định ngày một gia tăng của kinh tế thế giới.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024