19.06.2018 16:45

Phát triển các định chế tài chính - ngân hàng trong xu thế cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra

CMCN 4.0 xuất hiện là sự kế thừa phát triển của nhân loại, là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), rôbốt, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3 chiều (3D), khoa học mang tính liên ngành sâu rộng…với nền tảng là đột phá của công nghệ số, xử lý dữ liệu lớn, kết nối không dây, tạo hệ thống sản xuất thông minh, mạng lưới giá trị toàn cầu kết nối giữa con người với con người, con người với máy thiết bị, máy thiết bị với máy thiết bị, các doanh nghiệp và khách hàng. Điều này đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, làm thay đổi phong cách sống của chúng ta, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Một trong những cột mốc chính của dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kinh tế này là sự kết hợp của công nghệ với sự hiểu biết về tài chính, ngân hàng bán lẻ, đầu tư và các loại tiền tệ, tạo ra cuộc cách mạng kỹ thuật số đang nhanh chóng số hóa các giao dịch tài chính, làm cho các giao dịch tài chính, dịch vụ ngân hàng hiệu quả và năng động hơn. Nhờ việc số hóa các hoạt động NH sẽ giúp xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn (Data Warehouse, Big Data). Việc thu thập, phân tích và xử lý Big Data sẽ tạo ra tri thức mới, hỗ trợ NH trong việc: Đưa ra quyết định nhanh và phù hợp hơn; giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh.Thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng gia tăng được nhiều dịch vụ hiện đại cho khách hàng, khi NH ứng dụng các kỹ thuật khai phá dữ liệu, phân tích dữ liệu kết hợp với AI sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dich vụ (SPDV) thông minh mới, mang lại cho KH nhiều tiện ích, nhiều trải nghiệm thú vị. Có thể mỗi SPDV sẽ được cá nhân hóa để phù hợp với từng đối tượng KH khác nhau,tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch.

Các định chế tài chính - ngân hàng đã nhận ra tốc độ công nghệ nhanh như một cơ hội để tái xác định quan niệm của họ về các dịch vụ ngân hàng và tài chính, hướng tới một khái niệm tập trung vào khách hàng hơn, nâng cao dịch vụ ngân hàng như là trải nghiệm của khách hàng hơn chỉ là một chiến lược tiếp thị đơn thuần. Khi khách hàng dựa vào nhiều thiết bị kết nối khác nhau, các công ty dịch vụ tài chính có thể tạo ra các thế giới liên kết dựa trên các hành vi và sở thích cá nhân. Ngày càng có nhiều ngân hàng đã nhận thức đầy đủ và có kế hoạch đầu tư để chuyển đổi sang kỹ thuật số mạnh mẽ như BNP Paribas (Pháp) với kế hoạch đầu tư 3 tỷ Euro trong giai đoạn 2018-2020 để xây dựng các nền tảng công nghệ và app mới, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng sử dụng dữ liệu về khách hàng; hay DBS (Singapore) với kế hoạch đầu tư 20 triệu SG; Các ngân hàng đang rất tích cực ứng dụng công nghệ mới để định danh khách hàng bằng vân tay, giọng nói, tĩnh mạch nhằm phòng chống gian lận hiệu quả hơn và mang tới cho khách hàng trải nghiệm mới; Việc phân tích dữ liệu lớn đã được các ngân hàng ứng dụng ngày càng rộng rãi để phân tích hành vi của khách hàng, để từ đó cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Có thể nói, các định chế tài chính cũng tập trung đổi mới mô hình kinh doanh, mô hình quản trị với việc ứng dụng công nghệ Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (big data), IoT,….

Điểm đáng lưu ý ở đây là cách mạng công nghệ 4.0 đã đóng góp phần lớn vào việc làm gia tăng quốc tế hoá thị trường với hầu hết các tác động về tài chính mà không biết đến biên giới. Tại một hội nghị vào tháng 10 năm 2014, Jamie Caruana, Tổng Giám đốc của Ngân hàng thanh toán quốc tế, đã nhấn mạnh điều này bằng cách khẳng định rằng các tổ chức bao gồm G20 và cơ quan quản lý tài chính toàn cầu "có cơ hội - và thực sự là trách nhiệm - để chuẩn bị cho thế giới thiết lập tiêu chuẩn cho cả những rủi ro và phần thưởng của việc số hóa các dịch vụ tài chính. Chính vì điều đó, mà các khoảng trống thị trường mà dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống không thể với tới, như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc áp dụng tài chính kỹ thuật số sẽ là lời giải cho sự bao phủ thị trường này.

Với tính năng mạnh như vậy, theo McKinsey 2015 dự báo số người sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng mạnh trong những năm tới (xem hình 1); đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động (robo-adviser) quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD (theo công ty tư vấn kinh doanh AT Kearney 2015); 60% đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) sẽ dành cho điện toán đám mây (theo IDC 2015). Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh (business analytics) sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Hình 1. Dự báo số người dùng dịch vụ ngân hàng số tại Châu Á (đơn vị tính: triệu người)

          Nguồn: Mckinsey 2015

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với quá trình phát triển của các định chế tài chính - ngân hàng. Việc ứng dụng thành quả của CMCN 4.0 tạo ra các phương tiện thanh toán trực tuyến hiện đại, điện tử mới, tiền điện tử, tiền ảo, thẻ ảo….là những vấn đề mới phức tạp, trong khi hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn thiếu. Hơn nữa, quan điểm trong quản lý các phương tiện thanh toán giữa các quốc gia còn chưa nhất quán, chẳng hạn như quản lý đồng tiền ảo… Đối với các tổ chức tín dụng, thách thức lớn nhất trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là đổi mới mô hình kinh doanh, quản trị và nguồn nhân lực để thích ứng với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, ngân hàng số, ngân hàng di động, thanh toán điện tử, các sản phẩm dịch vụ hiện đại… Đặc biệt, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, khiến tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Năm 2016, công ty tư vấn và phân tích thị trường ORC (Mỹ) đã tiến hành khảo sát 568 đơn vị tại 74 quốc gia. Kết quả cho thấy, 10 nguy cơ hàng đầu đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng bao gồm: tấn công mạng, lỗ hổng dữ liệu, cắt điện thiết bị CNTT không theo kế hoạch, khủng bố, sự cố gây mất an toàn thông tin, gián đoạn cung cấp tiện ích, gián đoạn chuỗi cung ứng, thời tiết bất lợi, thiếu cán bộ có tay nghề và an toàn và sức khỏe.

Đối với các định chế tài chính - ngân hàng của Việt Nam thì sao?           

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay, để tồn tại và phát triển các định chế tài chính của Việt Nam buộc phải đổi mới theo xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào mọi mặt. Hoạt động CMCN 4.0 là cơ hội tốt, trở thành tiềm năng hỗ trợ để các định chế tài chính Việt Nam đổi mới mạnh mẽ công nghệ, mô hình kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 28,5 triệu người (tương đương gần 30% dân số) Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh và lượng người truy cập Internet là khoảng 52% dân số. Với tốc độ tăng trưởng Internet 9%/năm và xếp hạng 15 trên thế giới, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam có tiền đề tốt để ứng dụng có hiệu quả công nghệ 4.0, xây dựng hệ thống ngân hàng số (digital banking).

Về tài chính số tại Việt Nam, qua khảo sát kết quả cho thấy, tỷ lệ người sử dụng ngân hàng số trên tổng số người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng. Năm 2011, tỷ lệ này chỉ ở mức 7%, nhưng đã lên tới 44% vào năm 2014 và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Từ 2014 -2017, có khoảng 15 - 20 ngân hàng đã triển khai ngân hàng số (Bảng 2).

Bảng 2: Tình hình triển khai ngân hàng số tại Việt Nam

 Nguồn: TS. Cấn Văn Lực thu thập

Về dịch vụ thanh toán, bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đến nay, số lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70/100 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Từ năm 2008, ngân hàng Nhà nước cho thí điểm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính FINTECH (Financial Technology), cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Hiện có khoảng hơn 48 công ty Fintech hoạt động, chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán. Việc thanh toán qua mã QR[1] gia tăng nhanh chóng, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 9/2017, thanh toán qua mã QR đã tăng 120%.

Nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang nghiên cứu và đưa vào ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng, như Vietinbank đang chú trọng phát triển ứng dụng AL, kết hợp với phân tích dữ liệu để tạo ra các tri thức kinh doanh mới cùng với các sản phẩm thông minh, đầu tư hệ thống ko dữ liệu ngân hàng EDW với qui mô lớn và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ. Đồng thời nhiều ngân hàng đang triển khai hệ thống Tri thức Kinh doanh (Business Intelligence) - là hệ thống chuyển dữ liệu thành thông tin có giá trị (gồm báo cáo và phân tích) cho hoạt động quản trị nội bộ, quản trị rủi ro…

Từ tình hình thực tế trên cho thấy, các định chế tài chính Việt Nam đã và đang phát triển theo xu hướng ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đây là xu hướng tất yếu, là cơ hội của sự phát triển. Tuy nhiên, để ứng dụng có hiệu quả thành tựu này, các định chế tài chính Ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt không ít những thách thức. Ngoài những thách thức chung mà các định chế tài chính trên thế giới phải đối mặt, thì các định chế tài chính - ngân hàng Việt Nam còn phải đối mặt: trước hết là năng lực tài chính để đổi mới công nghệ, tiếp đến là nhân lực để ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 và một khung pháp lý phù hợp.

Để tận dụng cơ hội vượt qua những thách thức vấn đề đặt ra đối với các định chế tài chính- ngân hàng Việt Nam hiện nay và những năm tới là:

Một là, song song với việc đẩy mạnh tái cơ cấu theo đề án … của NHNN đã được Chính phủ phê duyệt, thì cần tập trung tạo bước bức phá về hạ tầng công nghệ, để đảm bảo rằng khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình ngân hàng số và/hoặc ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng, đồng nghĩa với việc áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới, do đó mô hình quản lý cũng phải thay đổi để thích nghi. Một hạ tầng “nhận dạng công dân điện tử” thống nhất, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ định danh điện tử tập trung (eKYC/eID)[2], do một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp phát, quản lý, lưu trữ. Điều này vô cùng quan trọng để đảm bảo sự vận hành thông suốt và an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.

Hai là, Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính - ngân hàng chỉ có thể thành công khi có một hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh các giao dịch điện tử, các giao dịch số hóa…Trên thực tế, trong thời gian qua các cơ quan quản lý Nhà nước cũng ban hành không ít các qui định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các qui định đó còn chưa đủ, chưa phù hợp, chẳng hạn các quy định về chứng từ điện tử hiện nay còn được tư duy theo hướng chứng từ điện tử là chứng từ giấy nhưng được thiết kế trên môi trường số và được hiểu là các chứng từ hạch toán của ngân hàng trên hệ thống phần mềm. Vì vậy, các quy định về nội dung, cách lập và quy trình luân chuyển, các khâu kiểm soát và ký chứng từ, lưu trữ chứng từ vẫn được thực hiện tương tự như chứng từ giấy nhưng với hình thức điện tử. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng hiện nay dường như đã không còn là giao dịch của ngân hàng, không cần tài khoản mà có thể sử dụng số điện thoại di động, mã định danh để thanh toán, việc thực hiện và hạch toán các giao dịch là hoàn toàn tự động, mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có Luật về nhận dạng điện tử công dân, chưa có quy định và chưa có cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cấp phát nhận dạng điện tử cho công dân, chưa có cơ chế chia sẻ dữ liệu nhận dạng điện tử liên quan đến thủ tục hành chính, hoạt động kinh tế xã hội cho các tổ chức xã hội. Do đó, yêu cầu tối thiểu khi mở tài khoản và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn yêu cầu khách hàng phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng.

Như vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý là một trong những yếu tố cần thiết, làm nền tảng cho sự phát triển của của các định chế tài chính - ngân hàng. Để có thể bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ tại các nước trong khu vực, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung đối với những vướng mắc pháp lý hiện tại theo hướng tiếp cận mới trong qui định về nội dung chứng từ điện tử, quy trình kiểm soát và bảo quản, lưu trữ chứng từ; xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định về e-KYC nhằm hỗ trợ tối đa cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính ngân hàng; có thể cân nhắc áp dụng là công nghệ sinh trắc sinh học (vân tay/võng mạc) hoặc các thiết bị điện tử hỗ trợ cho việc nhận dạng và xác thực khách hàng như cuộc gọi trực tuyến (video call),… đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy định mới về ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng như công nghệ sổ cái phân tán (blockchain), điện toán đám mây (computing cloud),…

Nghiên cứu đưa ra khung pháp lý thử nghiệm cho các định chế tài chính - ngân hàng có thể thử nghiệm ứng dụng sáng tạo công nghệ vào các sản phẩm dịch vụ mới chưa phổ biến, qui định rõ phạm vị hoạt động thử nghiệm, lĩnh vực nào được phép, lĩnh vực nào không được phép…. Hiện tại, trong khu vực ASEAN, một số nước như Singapore, ban hành Hướng dẫn Khung pháp lý thử nghiệm vào tháng 11/2016, Malaysia ban hành vào tháng 10/2016 và Thái Lan ban hành vào tháng 9/2016[3].

Ba là, Vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao là vấn đề tối cần thiết hiện nay. Vì vậy, NHNN và các định chế tài chính - ngân hàng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Trên thực tế, NHNN cũng như các TCTD đã rất quan tâm, chú trọng tăng cường cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT thông qua các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và đã đáp ứng được cơ bản nguồn lực CNTT cho hoạt động của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao còn ít so với nhu cầu của ngành, nhất là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin. Chính sự thiếu hụt này dẫn đến công tác phát triển ứng dụng CNTT cũng như quản lý, kiểm soát an toàn bảo mật không tương xứng với nhu cầu hoạt động của ngân hàng, không đảm bảo về an toàn bảo mật, dễ lúng túng, bị động trước những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao.

Bốn là, để các sản phẩm dịch vụ tài chính mới được sử dụng rộng rãi, thì xã hội, người dân cần được trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc sử dụng công cụ, nhận biết đối tượng, hiểu biết về các rủi ro trong môi trường mà mình tương tác, tránh việc tiếp xúc diễn ra thụ động như hiện nay, sẽ đem lại nhiều rủi ro mất an toàn. Do đó, giải pháp cơ bản hiện nay đó là triển khai các biện pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của người sử dng trong môi trường công nghệ cao. Đây là trách nhiệm không phải là riêng của Ngành Ngân hàng mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Giáo dục và các Ngân hàng xây dựng chương trình truyền thông nâng cao nhận thức người dùng về an toàn bảo mật để giảm thiểu các rủi ro trên môi trường mạng.

Năm là, chú trọng quản lý an ninh mạng. Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 các ngân hàng số cũng phải đối diện với nhiều thách thức về bảo mật, an toàn thông tin, sự cố kỹ thuật, rủi ro mạng, gian lận... An ninh không gian mạng (cybersecurity) là một phần không thể thiếu để bảo vệ khách hàng/ngân hàng khi sử dụng ứng dụng CMCN 4.0. Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; Đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài; các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm an ninh mạng bằng việc thường xuyên nâng cao nhận thức của nhân viên về những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng và những hành động đáng ngờ, đặc biệt là trong việc nhận thức những nguy hiểm đính kèm với các thư điện tử.

Sáu là, Thúc đẩy việc thực hiện chương trình tài chính toàn diện trên cơ sở ứng dụng CNTT, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng ở các vùng sâu, vùng xa bằng việc khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ Fintech, tăng cường giáo dục tài chính cho người dân.

Tài liệu tham khảo

-  Wesite Ngân hàng Nhà nước

-  Tài liệu Hội thảo hành lang pháp lý cho ngân hàng số của Ngân hàng Nhà nước, tháng 12/2017

-  Dự báo xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ năm 2018, Lienviet postbanks research

- Website của Vietinbank

[1]Công nghệ QR Code (“Quick response code”, tạm dịch là “mã phản hồi nhanh” hay còn gọi là “mã vạch ma trận” - mã QR) có khả năng lưu trữ lượng thông tin lớn gấp hàng trăm lần với nhiều định dạng ký tự khác nhau so với mã vạch truyền thống; đồng thời người dùng có thể tự do quét QR Code từ bất cứ nơi nào, tại bất kỳ khoảng cách và vị trí nào. Với khả năng có thể phục hồi từ 30 đến 35% dữ liệu trong trường hợp bị vấy bẩn, bị hỏng… công nghệ QR Code giúp khắc phục hoàn toàn những hạn chế của mã vạch truyền thống.

[2]Cơ sở dữ liệu này cần cung cấp một cổng truy xuất công cộng, cho phép tất cả các tổ chức xã hội khi cần có thể truy xuất dữ liệu qua một tiêu chuẩn kết nối đã được quy định để thực hiện xác thực nhận dạng điện tử cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính bất kỳ.

[3]Đồng tình với quan điểm của Bà Nguyễn Thuy Dương, Phó tổng giám đốcCông ty TNHH ERNST & YOUNG Việt Namvề việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Các tin liên quan