27.02.2018 07:00

Phát huy hiệu quả của Quỹ tín dụng nhân dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Tích cực góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, những năm qua, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

Từ nguồn vốn vay của QTDND xã Tam Hồng (Yên Lạc), gia đình anh Nguyễn Văn Hà ở thôn Nho Lẻ, xã Tam Hồng đầu tư phát triển chăn nuôi cho thu nhập ổn định. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 QTDND đang hoạt động với gần 25.700 thành viên; tổng nguồn vốn đạt trên 3.322 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 2,5% so với năm 2017). Trong đó, tính riêng nguồn vốn tự có của các QTDND là trên 97 tỷ đồng, vốn huy động đạt gần 2.115 tỷ đồng.

Năm qua, nguồn vốn huy động tiền gửi tại các QTDND trên địa bàn tỉnh từ dân cư, các tổ chức kinh tế… tăng nhanh, chiếm tỷ trọng cao; trong khi nguồn vốn vay giảm, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động.

Điều này cho thấy, các QTDND đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn và giải ngân cho những khoản vay , giúp bà con nông dân đầu tư hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn vay .

Ông Đỗ Gia Nhật, Giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết: "Trong điều kiện ngành nông nghiệp tỉnh ta đang trong thời kỳ tái cơ cấu, nhu cầu về vốn vay của người dân để đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiểu thủ công nghiệp… là rất lớn.

Với việc giải quyết vốn tại chỗ, phát huy được tối đa lợi thế về khoảng cách không gian và thời gian trong quá trình giao dịch, hệ thống QTDND đáp ứng được nhu cầu đó. Để giúp các QTDND hoạt động ổn định, hiệu quả, cùng với việc điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý giúp nhân dân ổn định sản xuất, Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, nhận tiền gửi của các QTDND thành viên, đảm bảo an toàn và điều hòa vốn trong hệ thống”.

QTDND xã Tam Hồng là một trong những kênh dẫn vốn và đầu tư hiệu quả của người dân trên địa bàn huyện Yên Lạc. Được thành lập năm 1994, đến nay, QTDND đang hoạt động với gần 600 thành viên.

Năm qua, tổng vốn huy động tại địa phương của quỹ đạt gần 109 tỷ đồng, tổng dư nợ là 126 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu là người dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất nông nghiệp, kinh doanh thương mại- dịch vụ và phát triển ngành nghề trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch HĐQT QTDND xã Tam Hồng chia sẻ: “QTDND xã Tam Hồng luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi. Quỹ đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, hạn mức cho vay của QTDND đã được nâng lên; mỗi khoản vay dao động từ 100 – 700 triệu đồng.

Để người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, quỹ tạo điều kiện cho khách hàng về thời gian trả lãi linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục vay, thêm nhiều ưu đãi trong lãi suất tiền gửi và vay vốn... Đội ngũ nhân viên của quỹ 100% là người địa phương, nên thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình, nhất là giám sát quá trình điều chuyển vốn để có tư vấn kịp thời cho khách hàng sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tránh để nợ xấu”.

Là một trong những hộ vay vốn tại QTDND xã Tam Hồng, anh Nguyễn Văn Hà (ở thôn Nho Lẻ, xã Tam Hồng) chia sẻ: "5 năm trước, gia đình tôi có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại, được nhân viên QTDND xã tư vấn và hướng dẫn thủ tục vay.

Nhận thấy việc vay tại QTDND xã có nhiều ưu đãi như: Thủ tục vay đơn giản, thời gian trả lãi linh hoạt,… tôi vay 200 triệu đồng để đầu tư. Hiện gia đình tôi đang nuôi 3.000 con vịt, 3.000 gà thịt, 130 con lợn trên diện tích đất tự nhiên 20ha; cho doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm. Kinh tế gia đình đến nay cũng dần ổn định, cuộc sống được cải thiện. Tôi thấy, đây là một kênh dẫn vốn hiệu quả và phù hợp với những người làm kinh tế trang trại như chúng tôi".

Có thể nói, hệ thống QTDND đã và đang phát huy tốt nhất hiệu quả cho vay, phục vụ lợi ích thành viên, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương, tác động trực tiếp và gián tiếp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. 

Theo Vĩnh Phúc Online

Các tin liên quan